.

Hòa Vân, 40 năm và 1 năm

.

Sau 40 năm sinh sống biệt lập với cộng đồng, kể từ sau Tết Kỷ Sửu sắp đến, người dân thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu sẽ chuyển đến nơi ở mới, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Nơi ở cũ sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng khu đô thị mới, một đô thị vệ tinh của thành phố Đà Nẵng và có tầm vóc của một đô thị quốc tế. 
       
Xa ngái làng Vân

Về phố sinh sống, trẻ em Hòa Vân sẽ được đi học đến nơi đến chốn.
Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, quận đã chi tiền hỗ trợ cho người dân thôn Hòa Vân tổ chức liên hoan, chính thức nói lời chia tay với mảnh đất đã gắn bó 40 năm. Bây giờ họ chuẩn bị về lại phố thị, hòa nhập cộng đồng.

Thôn Hòa Vân tựa mình vào vách núi Hải Vân, dưới chân là sóng biển trắng xóa bất tận. Ngôi làng như một ốc đảo này có 102 hộ, 310 nhân khẩu. Muốn vào làng, chỉ có cách trèo lên đỉnh Hải Vân rồi cắt núi thả dốc mà đi xuống hoặc men theo đường sắt, chui qua các hầm tối om. Muốn đi đường biển thì đợi vài ngày sẽ có một chuyến đò.

Thôn Hòa Vân dẫu rất gần nhưng cũng xa ngái, bởi cảnh vật nơi thâm sâu, hẻo lánh. Hằng năm, gió bão quật tả tơi. Đất của làng ngày một ít vì bị sóng biển xâm thực. Mất đất, nhiều người tha phương kiếm sống rồi định cư luôn ở vùng đất mới. Nhiều đứa trẻ vừa lớn lên phải rời bỏ quê hương bởi sự khắc nghiệt thời tiết. Đất đai vốn ít ngày càng ít, lại cằn cỗi. Trưởng làng Hòa Vân Trần Hữu Đức chia sẻ: “Cứ đến tuổi mười hai là bọn con nít làng này phải rời quê.

Có muốn hay không cũng phải chấp nhận. Đứa nào con nhà khá giả một tý thì khăn gói ra phố học cấp hai. Cả năm may ra còn về nhà được vài ba lần. Còn mấy đứa con nhà nghèo khó đành bỏ ngang việc học, phiêu bạt khắp xứ. Bọn chúng lam lũ với đủ thứ nghề để kiếm sống. Những đứa nào nhỏ, sức khỏe yếu thì bán vé số, đánh giày, nhặt rác. Còn mấy đứa lớn hơn thì đào cống, phụ hồ... Nhiều đứa bỏ đi làm ăn mấy năm nhưng đến Tết cũng không kiếm đủ tiền xe về thăm nhà”. 

2
Đánh bắt cá  cho bữa ăn hằng ngày ở Hòa Vân.
Ở thôn Hòa Vân, hầu như nhà nào cũng có con đi xa. Song cái nghèo, sự mặc cảm về “làng hủi” nên cũng ít ai ra đi xưng mình là cư dân Hòa Vân. Nhiều gia đình có tới năm, bảy người con nhưng rốt cuộc bố mẹ già vẫn côi cút một mình vì đàn con đã bỏ đi làm ăn xa. Có những cụ già khi nhắc đến chuyện con cái chỉ ứa nước mắt. Tuy vậy, khi công nghệ thông tin phát triển, thôn Hòa Vân đã gần hơn với cộng đồng trong đất liền.

Ông Đàm Quang Hưng nói: “Thôn Hòa Vân luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Quận luôn giữ liên lạc hằng ngày với bà con bằng việc cấp cho trưởng thôn Trần Hữu Đức chiếc điện thoại di động”. Chính vì thế mà nhiều người nói vui rằng, ông Đức là trưởng thôn duy nhất ở Việt Nam được cấp di động để thực thi chức trách của… trưởng thôn.

Khấp khởi về phố...

Theo ông Trần Hữu Đức, từ ngày nhận thông tin làng Hòa Vân sẽ về phố thị, nhường đất để xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng, bà con ai cũng mừng. “Nhiều người bị bệnh ra đây từ năm 1968, nay đã tròn 40 năm. Ra Hòa Vân là họ xác định đi không trở về, bởi phần vì sợ người thân hắt hủi, phần tự ti mặc cảm bệnh tật.
 
Lâu lâu mới có một thân nhân lặn lội ra thăm, nhưng ít lắm”- ông Đức nói. Cứ ngỡ, suốt đời phải ở lại với Hòa Vân, thèm được nghe tiếng người lạ thì nay người dân ở đây đang khấp khởi khi chuẩn bị về phố thị hòa nhập với cộng đồng. Ông Nguyễn Hà cứ thao thức suốt với bao nhiêu ý nghĩ về việc di dời, sinh sống ở vùng đất mới. Bởi theo ông, về ở nơi đô thị, các cháu có điều kiện học hành, chữa bệnh cũng dễ dàng hơn. Không như bây giờ, học lớp 6, các em phải vượt biển, vượt núi đi trọ học. 

Làng Hòa Vân có 102 hộ, 310 nhân khẩu, trong số này có 44 hộ bị bệnh phong. Theo chủ trương của thành phố, đối với các trường hợp bị bệnh, sẽ đưa họ vào sống tại Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân phong ở phường Hòa Khánh Nam. Những người không bị bệnh sẽ bố trí vào khu tái định cư.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng-Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng cho biết, thành phố đã giao cho công ty xây dựng khu điều dưỡng và khu tái định cư với 114 căn nhà liền kề ở Khu dân cư Hòa Hiệp, mỗi căn rộng 4,5 mét x 15 mét, có sân phơi rộng rãi… để bố trí cho các hộ ở làng Hòa Vân.

Năm 1968, hàng trăm bệnh nhân phong được chuyển từ Bệnh viện Cẩm Hải (nay thuộc xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) về làng Vân. Đời sống người dân và bệnh nhân phong chủ yếu dựa vào nông, lâm, ngư nghiệp và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân từ thiện. Giao thông cách trở, chỉ đi bộ, đi thuyền. Hiện, Hòa Vân là thôn duy nhất không có xe máy, rải rác vài chiếc xe đạp. Tuy nhiên suốt 7 năm qua, thôn Hòa Vân luôn đạt danh hiệu Thôn Văn hóa.



Ngoài ra, tại đây cũng sẽ xây dựng 2 căn nhà sinh hoạt cộng đồng để bà con có nơi sinh hoạt. Trung tâm Điều dưỡng bệnh nhân phong cũng sẽ xây dựng thành từng phòng riêng biệt để bố trí cho các gia đình có người bị bệnh. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đầu năm 2009 sẽ xây dựng khu tái định cư để bố trí cho các hộ di dời.

Ngày lên phố của cư dân Hòa Vân đang cận kề. Họ quẳng gánh lo toan về sự cô đơn nơi góc núi, hẻm sâu. 40 năm và một ngày mới kể từ năm 2009, việc đầu tư phát triển đô thị đã làm đổi thay cuộc sống người dân  ở làng Hòa Vân nghèo khó.


Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.