Quá trình thương lượng thành lập Human Rights Council of the United Nations-Hội đồng Nhân quyền LHQ (thay thế cho Ủy ban Nhân quyền trước đây) diễn ra từ tháng 1-2006. Trong thời gian đó, LHQ đã tổ chức nhiều phiên họp không chính thức tại Geneva và New York để các nước thảo luận và thương lượng về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền.
Ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển quốc gia về giảm nghèo, Việt Nam được LHQ đánh giá quyết tâm mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và tôn trọng quyền con người. TRONG ẢNH: Khởi công xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo ở quận Hải Châu. |
Theo NQ GA 60/251, các chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của Ủy ban Nhân quyền sẽ được chuyển sang Hội đồng Nhân quyền mới và Hội đồng Nhân quyền được yêu cầu họp để xem xét lại, tăng cường và điều chỉnh nhiệm vụ, cơ chế bộ máy của Ủy ban Nhân quyền, trong đó tiếp tục duy trì hệ thống các thủ tục đặc biệt, chuyên gia tư vấn và thủ tục khiếu nại. NQ quyết định việc điều chỉnh này sẽ kết thúc một năm sau khóa họp đầu tiên của Hội đồng.
Do đó, khóa họp đầu tiên của Hội đồng, bắt đầu từ ngày 19-6-2007 đã triển khai công việc này trên cơ sở thành lập 6 Nhóm làm việc để thảo luận về các vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế của Hội đồng Nhân quyền, bao gồm các vấn đề: Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR); Thủ tục đặc biệt; Chuyên gia tư vấn; Thủ tục khiếu nại; Chương trình nghị sự và chương trình làm việc; Phương pháp làm việc và các quy định thủ tục.
Sau một năm thương lượng và thảo luận các văn bản liên quan đến xây dựng thể chế của Hội đồng gồm các nội dung nêu trên, ngày 18-6-2007, tại khóa họp lần thứ 5 của Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng đã thông qua bằng đồng thuận toàn bộ văn bản về xây dựng thể chế của Hội đồng Nhân quyền (A/HRC/5/L.2) và thông qua bỏ phiếu Bộ luật ứng xử cho những người thực hiện chức năng thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (A/HRC/5/L.3/Rev.1), với 46 nước bỏ phiếu thuận và 1 nước bỏ phiếu chống là Canada.
Những nội dung chính của Nghị quyết GA 60/251 và NQ A/HRC/5/L.2 về Hội đồng Nhân quyền LHQ:
- Về quy chế: Hội đồng Nhân quyền là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng LHQ (tuy nhiên Đại hội đồng sẽ xem xét lại quy chế này sau 5 năm); có trụ sở tại Geneva; mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất 3 khóa họp với tổng thời gian ít nhất là 10 tuần và có thể triệu tập khóa họp đặc biệt nếu được ít nhất 1/3 số nước thành viên Hội đồng ủng hộ.
- Về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, bộ máy:
+ Hội đồng Nhân quyền là diễn đàn đối thoại và hợp tác nhằm thúc đẩy cân bằng việc tôn trọng và thực hiện tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động của Hội đồng phải trên cơ sở các nguyên tắc khách quan, không thiên vị, không chọn lọc, hợp tác và đối thoại một cách xây dựng, không bị chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
+ Hội đồng Nhân quyền có chức năng kiểm định định kỳ việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền của tất cả các nước, dựa trên các thông tin khách quan và tin cậy, thông qua một cơ chế kiểm điểm định kỳ 4 năm một lần trên cơ sở hợp tác và đối thoại với sự tham gia của quốc gia liên quan.
- Về số lượng, cơ cấu thành viên, tiêu chuẩn bầu chọn thành viên:
+ Hội đồng Nhân quyền gồm 47 nước thành viên (Ủy ban Nhân quyền có 53 thành viên), phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý, theo đó: Nhóm châu Á: 13 ghế; Nhóm châu Phi: 13 ghế; Nhóm Đông Âu: 6 ghế; Nhóm Mỹ Latinh và Caribe: 8 ghế ; Nhóm Tây Âu và các nước khác: 7 ghế .
+ Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, sẽ không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục.
+ Tất cả các nước thành viên LHQ đều có quyền ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Các nước thành viên phải đáp ứng những tiêu chuẩn về nhân quyền do Đại hội đồng bầu bằng phiếu kín với đa số thường. Đại hội đồng cũng có thể treo quyền thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với một nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống bằng đa số 2/3 số nước có mặt bỏ phiếu đồng ý.
Tham gia của Việt Nam
Là thành viên LHQ từ năm 1977, Việt Nam đã từng bước tham gia các Công ước quốc tế cơ bản về Nhân quyền và Nghị định thư liên quan, đồng thời nỗ lực tối đa để thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của các công ước quốc tế. Việt Nam là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (tiền thân của Hội đồng Nhân quyền hiện nay) khóa 2001-2003, Ủy ban Phát triển Xã hội nhiệm kỳ 2002-2004, Hội đồng Kinh tế Xã hội 1998-2000. Tại các diễn đàn đa phương này, đặc biệt tại Ủy ban III Đại hội đồng và Ủy ban Nhân quyền, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền, chống lại các mưu đồ chính trị hóa và áp đặt của một số thế lực.
Việt Nam cũng luôn luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ chế nhân quyền LHQ trong việc triển khai thực hiện các công ước và nghị định thư về nhân quyền, đã mời một số báo cáo viên đặc biệt vào thăm, tiến hành đối thoại về nhân quyền với nhiều nước có quan tâm, triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các
tầng lớp xã hội về vấn đề nhân quyền.
P.V (Tổng hợp từ website www.vietnamconsulate-ge.org của Phái đoàn Đại diện Thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Cơ quan LHQ).