.

Lằn ranh giữa ma túy và HIV

.

Trong số 302 học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 hiện nay, có 12 người hiện mang trong mình vi-rút HIV. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, con đường khiến họ rơi vào hoàn cảnh bi đát, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần như hiện nay, bắt nguồn từ việc tiêm chích, nghiện ngập ma túy!

Lằn ranh giữa ma túy và HIV

Dùng chung kim tiêm để chích ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao.

Mặc dù trước đó đã được anh Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 trấn an: “Không sao đâu, họ hiền và tội lắm”, thế nhưng, trên đường theo anh xuống gặp những học viên cai nghiện ma túy bị nhiễm HIV, tôi không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, trước đây tôi đã từng nghe ai đó nhiều lần nói, những người nhiễm HIV sống bất cần đời, sẵn sàng cáu ghét, nổi giận với bất kỳ một ai xa lạ... Tuy nhiên, khi gặp họ, những con người tội nghiệp, gương mặt hiền như đất, bỗng nhiên, những suy nghĩ thiển cận cũng như cảm giác sợ hãi trong tôi vụt tan biến.

Sau vài phút làm quen, học viên Ng.V.X, 76 tuổi (trú quận Hải Châu) là người lớn tuổi nhất ở đây đã kể cho tôi nghe về con đường dẫn đến nghiện ngập ma túy của mình: Cách đây 40 năm, ông là một chàng trai đất Sài Gòn hào hoa. Sống trong thời buổi chiến tranh ác liệt, vì không muốn đi lính cho chế độ ngụy quân, ngụy quyền, ông đã chọn cách chơi ma túy. Bởi lúc này, những ai nghiện ma túy thì không bị bắt đi lính. Cứ nghĩ, sau khi trốn lính sẽ cai thuốc, nhưng nào ngờ cả cuộc đời ông bị dính chặt với ma túy.
 
Ngày đất nước thống nhất, ông ra Đà Nẵng sinh sống và lập gia đình. Cơn nghiện vẫn đeo đẳng, buộc ông mỗi ngày chích 3 lần thuốc phiện đen. Nhiều lần, nghe vợ con khuyên giải, ông X. cũng tự cai nghiện, nhưng khổ nỗi, lúc này chất ma túy đã ăn sâu vào máu thịt, khiến ông không thể dứt bỏ. Bị vợ con hắt hủi, xa lánh, chán nản, ông tiếp tục lao vào con đường nghiện ngập. Qua nhiều lần chích chung ống kim tiêm cùng bạn bè, năm 1994, ông bàng hoàng sửng sốt khi phát hiện mình bị nhiễm HIV.

Trường hợp N.X.C thì khác, là công tử con nhà giàu ở đất Tam Kỳ (Quảng Nam), nhưng bản tính hiếu động, nên từ nhỏ C. đã tập tành ăn chơi đua đòi cùng bạn bè. Năm học lớp 9, C. theo bạn bè chích thuốc phiện đen. Nhỏ người, non dạ, cứ tưởng ma túy không gây nghiện, nhưng cuộc đời C. đã trượt dốc từ đó. Năm 2003, gia đình mở cho cửa hàng mua bán điện thoại di động để làm ăn. Có tiền, C. tiếp tục “nướng” vào heroin.

Mỗi ngày C. chích 4-5 liều heroin, khoảng 300.000 đồng. Đến năm 2004, C. bị Công an Quảng Nam bắt đi cải tạo tập trung 2 năm ở Thừa Thiên-Huế. Lúc này, C. biết mình bị nhiễm HIV, khi mới ở độ tuổi 23. Mãn hạn tập trung cải tạo, C. lang thang ở bến xe Đà Nẵng, tiếp tục chích hít heroin và bị công an bắt đưa đi cai nghiện tại đây. Tâm sự với tôi, C. xót xa: Em tin tưởng bạn bè nên mỗi lần chích heroin dùng kim chung, giờ em mới thấy mình dại.

Những lời sám hối muộn màng

Như lẽ thường tình ở đời, với những người đang mang trong mình mầm mống của cái chết, những ngày tháng cuối đời họ luôn muốn được gần gũi với người thân trong gia đình để được vỗ về, sẻ chia. Bởi vậy, khi nghe tôi nhắc đến hai chữ: gia đình, lập tức đôi mắt của học viên M.X.N, 50 tuổi (trú quận Hải Châu) rớm lệ. Trót lỡ “kết duyên” cùng “nàng tiên nâu” gần 30 năm trời, chỉ vì dùng kim tiêm chung với bạn bè, nên năm 2004 anh N. đã bị nhiễm HIV.
 
Dù vậy, tháng nào vợ con anh cũng lên thăm và mua quà đều đặn cho anh. Khoảng thời gian ngắn ngủi cả gia đình hàn huyên bên nhau đã làm anh bao đêm trăn trở, dằn vặt lương tâm vì những lỗi lầm mình đã gây ra. “Với tôi, cuộc đời coi như đã hết, nhưng điều tôi sợ nhất hiện nay là sợ bạn bè của con tôi ở trường biết tôi nghiện ngập, nhiễm HIV thì sẽ xa lánh và miệt thị con tôi. Giờ đây, tôi chỉ thầm mong mẹ con cô ấy tha lỗi và cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Đừng có ai mắc phải những sai lầm đáng trách như tôi” - anh nói. Tôi hỏi: Nếu như có một phép mầu nào đó cho anh một cuộc đời mới, thì anh có dính vào ma túy nữa không? Nghe vậy, vẻ mặt anh cương nghị: Có cho vàng tôi cũng không dám... Dứt lời, chợt đôi mắt anh dịu lại nhìn về khoảng không xa xôi, buồn bã...

Học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm 05-06, thi thoảng mới có người thân đến thăm. Đặc biệt, với những người lỡ mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, thì người thân thăm viếng còn ít hơn. Ý thức được điều này, các học viên luôn quý trọng những phút giây còn hiện diện trên đời để sẻ chia tình cảm, làm những điều tốt đẹp cho nhau. Anh Phạm Tạo cho biết, qua công tác quản lý, theo dõi, chúng tôi thấy những học viên nhiễm HIV sống rất ôn hòa, tình cảm với nhau. Ai nhận được quà của người thân thì chia sẻ với những người không có. Bởi vậy, tuyệt nhiên không hề có chuyện gây gổ, đánh nhau.

Có không ít trường hợp, gia đình đã ly tan, nên sau khi hết thời gian cai nghiện, họ không còn biết đi đâu nữa, xin ở lại trung tâm để phụ giúp công việc. Tính đến nay, học viên N.V.X đã ở Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 được 10 năm. Hằng ngày, ngoài phụ giúp công việc lặt vặt cho trung tâm, ông dành thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình an ủi, động viên những học viên bị nhiễm HIV cố gắng sống vui vẻ, lạc quan yêu đời để người thân đỡ lo lắng, buồn tủi.

Còn với những học viên cai nghiện ma túy chưa bị nhiễm HIV, ông luôn khuyên bảo họ sau khi hòa nhập cộng đồng thì phải đoạn tuyệt với ma túy để sống có ích với gia đình và xã hội. “Tuổi tôi đã cao, lại mang căn bệnh HIV, nên còn sống chẳng bao lâu nữa. Từ những khổ đau của đời tôi, tôi mong rằng, đừng ai dính vào ma túy và phải chịu khổ đau vì ma túy” - ông X nhắn gửi như vậy.

Rời Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06, nơi những học viên cai nghiện đang ngày đêm vật vã vì đói thuốc hay đang bị căn bệnh HIV hành hạ, tôi chỉ mong rằng, lời khuyên của ông X. sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh với những ai nhăm nhe đến ma túy.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.