Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay 11/13 điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ đang trong tình trạng “lay lắt” cả về doanh thu lẫn hiệu quả sử dụng.
Máy vi tính để…phủ bụi
Máy vi tính phục vụ nhu cầu truy cập Internet của người dân để phủ bụi hơn tháng nay ở điểm BĐ-VHX Hòa Nhơn. |
Làm quản lý ở đây gần 10 năm, chị Hằng nhớ lại thời gian đầu khi điểm bưu điện mới đi vào hoạt động, khách đến sử dụng các dịch vụ thường xuyên, có hôm đông quá không phục vụ nổi, doanh thu một tháng lên đến 4-5 triệu. Nhưng bây giờ, cố kiếm cho được 1 triệu đã khó.
Rời Hòa Khương, chúng tôi tìm đến điểm BĐ-VHX Hòa Nhơn. Cảm nhận đầu tiên ở đây là sự vắng vẻ. Hỏi người phụ trách tên Liên thì được biết, hằng ngày trung bình chị chỉ phục vụ từ 10-15 cuộc gọi điện thoại, các dịch vụ như bưu phẩm - bưu kiện, bán sim-card, sách báo lâu lâu mới có người cần đến. “Bữa nay nhà nào cũng có điện thoại rồi nên họ ít ra điểm bưu điện lắm, ở đây chủ yếu phục vụ khách đi đường”. Chỉ vào 4 chiếc máy vi tính nằm phủ bụi trên kệ chị nói thêm: “Hơn 1 tháng nay rồi dàn máy này không sử dụng được nữa.
Tháng 10 còn dịch vụ Internet thì doanh thu được 500-600 nghìn đồng, nhưng tháng 11 này chỉ còn 350 nghìn đồng. “Ra đó vừa chật lại vừa ồn, sách thì cũ đọc mãi cũng chán. Sách mới muốn mượn phải cược tiền, có cuốn dày phải cược cả trăm ngàn đồng. Nản quá, không muốn đọc nữa”, một người dân ở Hòa Khương cho biết. Sách, báo có nhưng chỉ học sinh cấp 1, cấp 2 thỉnh thoảng đến đọc truyện tranh. Báo chí được cập nhật hằng ngày nhưng ít có người đọc. Đó là tình trạng chung của phần lớn các điểm BĐ-VHX.
Cần lắm! Nhưng chỉ biết… chờ
Do điều kiện về kinh tế và địa bàn sinh sống, điểm BĐ-VHX với dịch vụ Internet trở thành cánh cổng tiếp nhận tri thức rất hữu ích cho người dân ở các vùng nông thôn Hòa Vang - Cẩm Lệ. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng lớn thì khả năng phục vụ của các điểm BĐ-VHX hiện nay lại giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ở xã Hòa Nhơn, mặc dù có điểm BĐ-VHX nhưng nhiều người vẫn chấp nhận đi xa đến các dịch vụ Internet khác và phải trả tiền cước đắt hơn vì: “Mạng ở BĐ-VHX chạy chậm rì, ngồi cả tiếng chưa chắc đã vô được. Mà lúc nào vô cũng hết máy nên chẳng muốn vô nữa”, một em học sinh ở thôn Thái Lai cho biết. Trong khi người dân bức xúc vì “có mà không dùng được” thì những người quản lý như chị Hằng, chị Liên cũng ôm nỗi khổ riêng.
Các chị than phiền: “Máy móc hư hỏng liên tục, lại không được sữa chữa kịp thời nên dần dần mất hết khách. Trước đây doanh thu từ Internet luôn gấp đôi so với điện thoại và các dịch vụ khác. Nay ngoài 400 ngàn tiền lương một tháng cũng không có gì thêm. Máy hư hỏng, gọi đơn vị quản lý lên sửa, nhưng họ bảo đợi hết mùa mưa lũ, đến mùa nắng sẽ sửa chữa. Nhưng cũng không biết mùa nắng của họ là khi nào?”.
Trước thực tế như trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện 4 Đà Nẵng, đơn vị quản lý trực tiếp các điểm BĐ-VHX và được cho biết: “Các điểm bưu điện được lập ra là để hoạt động công ích, phục vụ người dân là chính. Hằng năm chúng tôi đều phải bù lỗ, riêng dịch vụ Internet ở 13 điểm thì đến nay chỉ có 2 điểm Hòa Khương và Hòa Thọ là tạm ổn, còn lại đều trong tình trạng tạm dừng hoạt động vì hư hỏng.
Chúng tôi cũng cố gắng sửa chữa, lắp đặt lại nhưng phải có thời gian vì không đủ kinh phí để làm một lần. Nhiều điểm gọi điện lên đề nghị đầu tư máy tốt, đầy đủ phụ kiện như tai nghe, webcam… nhưng lấy đâu ra tiền?”. Trong khi những người quản lý vẫn đang trong thời gian lên kế hoạch sửa chữa thì người dân ở tuyến dưới như chị Hằng, chị Liên muốn được sử dụng dịch vụ lại phải tiếp tục ngồi “chờ”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA