.

Một mùa Xuân lại đến

Một năm đã trôi qua, một năm của sự phấn đấu quyết liệt vượt qua những chướng ngại tưởng như khó có thể vượt qua được của một thời điểm khó khăn. Và, một mùa Xuân lại đến. Sự sống là bất tận. Dòng sông cuộc sống dù có trải qua bao trắc trở thác ghềnh rồi vẫn xuôi về biển cả. Tất cả các dòng sông đều chảy, và hướng đến là biển cả.

Chỉ có điều, những dòng sông có thực trên đất nước ta cũng như trên quả đất này thì đâu có chảy thẳng ra biển như vậy. Chúng phải uốn lượn, vòng vèo, quanh co, có lúc tưởng như đi ngược lại hướng biển, vì buộc phải nương theo địa hình khi không thể san bằng được chúng. Không khuất phục được, thì rồi phải nhân nhượng, “hòa giải” với những lực cản, để cuối cùng vẫn cứ đến được nơi phải đến là biển cả. Mà lực cản thì luôn luôn tồn tại, có lúc sừng sững như những bức trường thành vững chãi tưởng chừng không sao vượt qua, nhưng rồi đâu có ngăn được sức nước!

Trong tự nhiên là vậy, trong xã hội cũng chẳng khác. Sức dân cũng như sức nước, chở thuyền là dân mà lật đổ thuyền cũng là dân, ý dân là ý trời, điều ấy đã trở thành quy luật. Đặc biệt là trong thời đại của Internet nối mạng toàn cầu, thì ở mọi nơi, các hệ thống thứ bậc đang  bị thách thức từ bên dưới và phải tự biến đổi thành các cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn.
 
Trong một cấu trúc xã hội mà đặc trưng là quyền lực đi từ dưới lên, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ lâu mong muốn “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”, người dân sẽ thực sự cảm thấy có khả năng cải thiện vận mệnh của mình. Ở đâu có sự cổ vũ cho ý tưởng đó, ở đâu tin vào dân, mạnh dạn phát huy sức mạnh của dân, dựa vào dân để xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, ở đấy sự nghiệp phát triển được đẩy tới.

Nhớ lại những sự biến dồn dập trong năm 2008, từ sự giận dữ của trời đất xem ra muốn trừng phạt sự khinh xuất của con người tàn phá môi trường sống tự nhiên của mình cho đến những tai ương chướng họa do con người

gây nên trên quả đất ngày càng trở nên chật chội từ Trung Đông xuống Nam Á, lên Bắc Á, từ châu Mỹ sang châu Âu… cũng thấy ra phần nào điều vừa nói. Càng về cuối năm, những diễn biến càng phức tạp mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang làm đảo lộn đời sống con người, nhất là người nghèo là một cú sốc ghê gớm. Nhưng cùng với cú sốc ấy thì “hiện tượng Obama”, người da màu đầu tiên đắc cử Tổng thống thứ 44 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ lại là một cột mốc lớn của khát vọng đi tìm sự thay đổi. Thay đổi cái trật tự cũ chứa chất quá nhiều nghịch lý, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Khát vọng thay đổi ấy mạnh đến mức vượt qua được những ranh giới cứ tưởng như không thể vượt qua được. Năm 2008 đi qua để lại những dấu ấn rất đậm, tích cực có và có nhiều, tiêu cực cũng lắm đang đòi hỏi một nghị lực vượt bậc để vượt qua.

Hội nhập khởi đầu từ cột mốc là thành viên của WTO, dư luận của bè bạn đã nhìn nhận “Việt Nam là ngôi sao mới nổi trên bầu trời thương mại thế giới”. Với một cái nhìn lạc quan, có nhà sử học cho rằng, “đây là thời cơ lớn cho chúng ta, nói là phục hưng cũng đúng. Nhưng sự phục hưng này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ rộng hơn phục hưng của nước Ý trước đây”. Chính vì thế ông đã phân tích về ý nghĩa của “sự kiện WTO” như là một cột mốc của “sự thay đổi cá tính dân tộc”*. 

Mà cá tính là vấn đề văn hóa, là sự chọn lựa văn hóa. Lịch sử của dân tộc ta đã từng ghi nhận những sự lựa chọn như vậy nhằm tạo ra những đột phá, đưa sự nghiệp đất nước tiến lên những chặng đường mới. Cũng vì thế, có nhà văn đã nhấn mạnh rằng, chuyện gia nhập WTO và hội nhập quốc tế “trước hết không phải là chuyện kinh tế mà là chuyện văn hóa, một chuyển động về văn hóa và tư tưởng có khi sâu sắc nhất xưa nay, một thay đổi trong tâm lý dân tộc, tâm lý “sợ biển”**!

Nhưng nếu như ở thời đại phục hưng “một thời đại cần có những người khổng lồ và đã sinh ra những con người khổng lồ: khổng lồ về năng lực suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề và về mặt học thức sâu rộng” như Ph.Ăngghen từng khẳng định, thì liệu trước những đòi hỏi mới của đất nước trong bối cảnh thời đại rộng lớn này, lịch sử đã sản sinh ra những con người đáp ứng được đòi hỏi mới ấy chưa? Không đơn giản để trả lời câu hỏi ấy.

Song nói đến con người cũng chính là nói đến văn hóa. Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. “Nước ta là một nước văn hiến” nhắc lại lời của Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì  thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá ”***.

Khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, chúng ta càng hiểu ra được cái mà chúng ta đang thiếu là gì? Phải chăng đó là cái mà “có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá ”? Chúng ta đến với thế giới bằng gì? Chẳng lẽ cứ đào bới mãi tài nguyên từ lòng đất ông cha từng gìn giữ bằng máu xương của biết bao thế hệ để đem bán? Hay đến với thế giới bằng giá nhân công rẻ mạt của người lao động nghèo vốn không được học hành vì cha anh họ phải cầm súng thay vì cầm bút? Không! Phải từ văn hóa, từ sức mạnh văn hóa, bản sắc văn hóa Việt Nam.
 
Khi chúng ta nói bản sắc dân tộc, nói đến sự đậm đà của bản sắc ấy là muốn nói đến cái gì? Phải chăng là nói đến cái “hồn dân tộc” tiềm ẩn trong di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đời sống Việt Nam, thể hiện trong đời sống gia đình, làng xóm và đất nước, đó là văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước gắn bó, tương tác với nhau như những phân hệ trong hệ thống làm nên tính độc đáo của văn hóa dân tộc.

Mà xem ra, bản sắc văn hóa dân tộc đang gặp thử thách ở nhịp sống gấp hối hả trong bươn chải vì cuộc mưu sinh và vội vã hưởng thụ nơi phồn hoa đô hội kia. Nó thường tiềm ẩn sâu kín ở chốn “thôn cùng xóm vắng”, nơi Nguyễn Trãi mong “sao cho không có tiếng kêu than hờn giận oán sầu để giữ được cái gốc” của văn hóa. Trong lịch sử, chính từ cái gốc ấy đã hun đúc, giữ gìn được văn hóa dân tộc trước âm mưu tận diệt văn hóa của các thế lực ngoại xâm. Nhưng rồi chính vào lúc đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa và tiến sâu vào quá trình hội nhập để phát triển thì oái oăm thay, cái gốc của văn hóa dân tộc lại đang bị biến dạng.

Nền văn hóa làng mai một cũng là do con người gây ra. Với gần 70% dân số vẫn là nông dân nhưng vấn đề nông dân, nông thôn và nông nghiệp chưa chiếm lĩnh một vị trí thích đáng trong tư duy chiến lược. Ấy vậy mà, mệt mỏi và bức bối với cuộc sống đô thị ồn ào, chật chội, thế giới ngày càng nhận ra và ao ước hướng về một nông thôn mới, và trên thực tế, một số nước đã làm được như thế. Chưa nhiều, nhưng đã có.

Ở đấy, nông thôn đang là một dạng tổ chức và vận hành cuộc sống có nhiều ưu việt, trong đó không thiếu những thị trấn văn minh với những nét thú vị hơn đô thị nhiều. Đó là một địa bàn có thế mạnh để giữ gìn và tô điểm cho môi trường sinh thái của loài người, ở đấy chính là  “cả hai lá phổi và trái tim” của sự sống trên trái đất.

Đó là một không gian rộng lớn, có kinh tế và đời sống phát triển, tại đó con người được sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông, sông núi, đất trời, thoát khỏi sự ngột ngạt của những khối bê-tông, sắt thép và kính của những ngôi nhà chọc trời chen nhau. Là một nơi nghỉ ngơi lành mạnh, một nguồn giải trí phong phú, một vùng du lịch đa dạng, một cõi yên tĩnh, thanh bình để con người khôi phục và tăng cường sức sống, có điều kiện để trầm lặng suy tư, chuẩn bị những quyết định lớn và những hành động quan trọng.

Xét đến cùng, ở đây vẫn là một sự lựa chọn văn hóa. Từ một sự lựa chọn văn hóa đúng sẽ có hướng công nghiệp hóa đúng, hướng đô thị hóa lành mạnh phù hợp với một nước nông nghiệp với 70% dân số đang là nông dân, hướng hiện đại hóa sáng tạo trên cái nền dân tộc của truyền thống hóa hiện đại và hiện đại hóa truyền thống.

TƯƠNG LAI

* Phan Huy Lê. Trả lời phỏng vấn  VietNamnet tháng 2 năm 2007
**   Nguyên Ngọc. Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Số Tết Đinh Hợi
*** Nguyễn Quang Thiều. Vietnamnet ngày 20-8-2008



;
.
.
.
.
.