.

Năm 2009: Bảo đảm ổn định và tăng trưởng vững chắc

.

(Trích bài phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố  TRẦN VĂN MINH về tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu và bổ sung nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2009)

Hôm qua (4-12), tại Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã báo cáo tiếp thu và giải trình những ý kiến của các đại biểu HĐND và cử tri quan tâm cũng như trình bày một số nhiệm vụ chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng năm 2009. Báo Đà Nẵng lược trích phần tiếp thu, giải trình ý kiến về các vấn đề liên quan.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách nguồn thu nội địa từ thuế, phí vẫn chưa có sự tăng trưởng vững chắc, UBND thành phố cho rằng, theo số liệu quyết toán ngân sách năm 2007 và ước thực hiện năm 2008 thì tốc độ tăng trưởng từ số thu thuế và phí qua các năm đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm truớc: cụ thể, năm 2008 tăng 11,51% so với năm 2007, tỷ trọng thuế và phí trên tổng thu ngân sách tăng qua các năm, cụ thể: năm 2007 đạt 43% và năm 2008 tăng lên 57%.

Về ý kiến cho rằng, nguồn thu từ doanh nghiệp TW và FDI 3 năm liền không đạt dự toán giao, UBND thành phố xin giải trình như sau: Năm 2006, doanh nghiệp TW thu đạt 101,76%, doanh nghiệp FDI đạt 113,28%. Tuy nhiên trong 2 năm 2007, 2008 không đạt mức dự toán giao. Đối với doanh nghiệp TW, nguyên nhân không đạt là do tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có số thu lớn (như Viễn Thông, Điện lực, Xăng dầu, Thuốc lá…) ngày càng giảm dần, không đạt như dự kiến do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng lớn.
 
Trong khi các dự án đầu tư FDI đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản và chủ yếu được ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, mặt khác, tình hình khủng hoảng tài chính thế giới làm cho các dự án FDI gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để triển khai thực hiện đưa vào hoạt động nên nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI không đạt so với dự toán được giao. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo ý kiến của Ban Kinh tế-Ngân sách việc xử lý các khoản tạm thu của thành phố còn chậm. UBND thành phố cho rằng, năm 2008, số tạm thu ngân sách là 170 tỷ đồng, đây là số vốn ngân sách Trung ương tạm ứng ngân sách địa phương năm sau để tập trung nguồn lực cho việc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố.
 
Cụ thể, để xây dựng cầu Thuận Phước (100 tỷ đồng) và đường Đà Nẵng - Hội An (70 tỷ đồng). Việc phản ánh số tạm thu này vào ngân sách được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và sẽ được Bộ Tài chính xử lý đồng thời với việc xử lý số tạm ứng nói trên vào thời điểm cuối năm theo đúng quy định về xử lý ngân sách và lập báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, theo đánh giá của Ban Kinh tế-Ngân sách “các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có vốn đầu tư thấp và hàm lượng công nghệ cao còn ít”. Thực tế từ năm 2005 trở về trước, các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phần lớn đều có quy mô nhỏ, ít được chú trọng đến vấn đề môi trường, nên nhiều dự án đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thành phố.

Tuy nhiên, từ sau năm 2005, với mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững, Thành phố quan tâm phát triển kinh tế gắn với việc xây dựng và bảo vệ môi trường cảnh quan, theo đó thành phố tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn hơn, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, như: Công ty Mabuchi Motor, vốn đầu tư 65 triệu USD của Nhật, sản xuất mô tơ điện tử công nghệ cao xuất khẩu cho Mỹ, EU và Nhật Bản, Công ty Daiwa 36 triệu USD sản xuất dụng cụ thể dục-thể thao và cần câu cá…

Mặt khác, hiện nay, thành phố có chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các dự án công nghệ cao đầu tư vào thành phố.  Bên cạnh đó, với việc tập trung thu hút các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại với quy mô vốn đầu tư lớn như Khu thương mại Vinacapital 325 triệu USD, Khu Đa Phước của Công ty Daewon Cantavil 250 triệu USD, Kreves 200 triệu USD... đã làm cho thay đổi cơ cấu vốn FDI phù hợp với định hướng phát triển của thành phố là chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.  

Về ý kiến cho rằng việc triển khai các dự án thi công công trình nhìn chung còn chậm: Năm 2008, tình hình giá cả biến động thất thường, giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công tăng cao (như giá nhiên liệu tăng 41,79%; điện nước, xây dựng tăng 12,34% (có thời điểm tăng đến 20%), vàng tăng 4,17%, USD tăng 6,48% so với cùng kỳ 2007).

Cùng với việc Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất ngân hàng cho vay biến động tăng thất thường đã làm cho các nhà thầu khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn cho triển khai thi công các dự án, mặt khác một số công trình trọng điểm đòi hỏi công nghệ thi công cao (như cầu Thuận Phước là cầu dây văng lớn nhất Việt Nam), điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố.    

Về vấn đề di dời các hộ ở các nhà tập thể xuống cấp, vừa qua thành phố đã cho tiến hành kiểm định chất lượng 14 khu nhà tập thể thuộc diện tiếp quản sử dụng trước năm 1975. Nhìn chung, các công trình đều đã xuống cấp trầm trọng, hình thức kiến trúc công trình không còn phù hợp với cảnh quan đô thị.

UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành phân loại, khảo sát nhu cầu từng hộ để có chính sách hỗ trợ cụ thể, nhằm vận động, thuyết phục các hộ dân chấp nhận việc di dời. Đồng thời, lập dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng lại các khu nhà tập thể để bố trí đối với các hộ đang sinh sống tại khu vực này. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải được sự đồng thuận của đa số người dân, thành phố mới triển khai được.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách việc triển khai các công trình chậm so với Nghị quyết của HĐND thành phố, như giao đất giao rừng cho đồng bào ở xã Hòa Phú, quy hoạch vùng chuyên canh rau tập trung. Về vấn đề này, UBND thành phố giải trình như sau:

Đối với việc giao đất lâm nghiệp ở Hòa Phú, thành phố đã có chủ trương giao 1 phần đất lâm nghiệp ở Tiểu khu 53, khu vực cầu Ngầm Đôi cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất từ tháng 10 năm 2007. Tuy nhiên, do khu vực này có một phần đất nằm trong khu vực rừng đặc dụng cấm khai thác, thành phố phải thực hiện rà soát. Dự kiến trong tháng 12-2008, thành phố sẽ hoàn thành việc rà soát, phê duyệt và giao đất cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất.

Về quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn, hiện nay, thành phố đã phê duyệt 5 địa điểm quy hoạch (Túy Loan - Hòa Phong, Khái Tây - Hòa Quý, La Hường - Hòa Thọ Đông, Cẩm Nê - Hòa Tiến, Phú Thượng - Hòa Sơn), quy mô diện tích khoảng 80 ha để phục vụ phát triển sản xuất. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đồng ý cho thành phố triển khai Dự án Nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp, theo đó thành phố sẽ triển khai thực hiện dự án sản xuất rau sạch với kinh phí trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ Trung ương (vốn ODA).

Về đề nghị làm rõ về khu vực nông thôn, thành thị được áp dụng đối với chuẩn nghèo mới giai đoạn 2009-2015 trên địa bàn thành phố, theo ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội. Về vấn đề này, UBND thành phố giải trình như sau: Qua tổng điều tra, thống kê đời sống nhân dân trên địa bàn các quận, huyện, thành phố đã tiến hành xây dựng chuẩn nghèo mới nhằm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo đó, chuẩn nghèo ở khu vực thành thị được áp dụng đối với các hộ có thu nhập bình quân đầu người 500.000 đồng/người/tháng trở xuống gồm 45 phường thuộc 6 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ, ở khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng trở xuống gồm 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Theo chuẩn này, hiện nay số hộ nghèo toàn thành phố là 35.492 hộ, chiếm 20,84% so với tổng số hộ. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 với việc tập trung các biện pháp giảm hơn 20% số hộ nghèo ngay từ năm 2009 và mục tiêu đến năm 2015 giảm 100% hộ nghèo theo chuẩn mới này. 

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được đa số tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Các khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Đối với 11 trường hợp khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua mà dư luận quan tâm đã được Thanh tra Chính phủ có Kết luận và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, khẳng định việc giải quyết của các cấp, các ngành và UBND thành phố là đúng quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo chấm dứt việc xem xét, giải quyết các khiếu kiện này.
 
Theo đó, lãnh đạo thành phố đã tổ chức đối thoại với các hộ dân để công khai kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và giải thích cho công dân hiểu một số vấn đề có liên quan. Đến nay, Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản trả lời cho từng hộ theo quy định. Còn 4 trường hợp khiếu kiện khác cũng đã được Thanh tra Chính phủ xác minh bổ sung. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chính thức chỉ đạo Thanh tra Chính phủ trả lời và chấm dứt xem xét giải quyết (Văn bản số 8070/VPCP-KNTN ngày 24-11-2008). Như vậy, đối với các trường hợp khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua đã được các ngành chức năng có kết luận chính thức.

Về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và số bị can, theo ý kiến thẩm tra của Ban Pháp chế, UBND thành phố xin giải trình cụ thể như sau: Theo báo cáo của các ngành chức năng, hiện nay với 54,39% đối tượng phạm tội không có nghề nghiệp; 6,76% đối tượng phạm tội là học sinh, 14,41% đối tượng phạm tội là người tỉnh khác.

Nguyên nhân là do, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, chương trình đào tạo các cấp học, bậc học còn nhiều bất cập dẫn đến học sinh bỏ học gia tăng, công tác quản lý xã hội của các cấp chính quyền cơ sở chưa đủ mạnh và đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, manh động, phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Trước tình hình trên, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp mạnh, mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm, tăng cường công tác tuần tra đêm, nên đã bước đầu kiềm chế tốc độ gia tăng của tội phạm, các vụ trọng án năm 2008 giảm, cụ thể: giết người giảm 5 vụ, cố ý gây thương tích giảm 16 vụ, cướp tài sản giảm 3 vụ, bắt xử lý 568 đối tượng, thu hồi tài sản trên 2,1 tỷ đồng, không có tội phạm giết người để cướp của, không xảy ra tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tội phạm. Trong tháng 12, thành phố sẽ tổ chức ra quân trấn áp tội phạm hình sự, ma túy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.

Năm 2008, mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhưng tình hình KT-XH của thành phố vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm; các hoạt động khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục phát triển; công tác cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng có chuyển biến; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được bảo đảm...

Tuy nhiên, do kinh tế khu vực và thế giới có xu hướng suy giảm, cùng  với những nguyên nhân nội sinh từ nền kinh tế trong nước, đã tác động tiêu cực đến đời sống của đại bộ phận nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là một số ngành, lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, thủy sản-nông-lâm, xuất khẩu… và làm chậm tốc độ tăng GDP thành phố.

;
.
.
.
.
.