.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ HAI, KỲ HỌP THỨ 12 HĐND THÀNH PHỐ

Nhiều vấn đề nóng trên bàn thảo luận

.

Ngày 3-12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa VII, tại các cuộc thảo luận ở tổ cũng như hội trường, các đại biểu (ĐB) HĐND và ĐB khách mời đã có nhiều ý kiến chung quanh các vấn đề được nêu ra trong báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng năm 2008 và định hướng phát triển thành phố trong năm 2009.

Trong đó, tập trung nhiều nhất vẫn là các giải pháp phát triển kinh tế, vấn nạn ô nhiễm môi trường, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội... Nhiều ý kiến cũng đã đề cập việc xây dựng quỹ “dưỡng liêm công chức”, xây dựng “Chính quyền đô thị”...

“Dưỡng liêm công chức”-Đồng tình, nhưng cần tính toán kỹ

Đại biểu Ngô Văn Dũng phát biểu thảo luận tại Hội rường. Ảnh: S.TRUNG

Ý tưởng về việc xây dựng quỹ hỗ trợ cho công chức, viên chức (CCVC)  nhằm bảo đảm đời sống, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ này trong quá trình làm việc do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đưa ra trong phiên họp ngày 2-12 đã nhận  được nhiều ý kiến đóng góp tại các tổ thảo luận và thảo luận chung tại hội trường. Tạm gọi đây là “Quỹ Dưỡng liêm công chức”, ĐB Lê Ngọc Dũng cho rằng, cách làm này mặc dù không mới mẻ nhưng là sự đột phá của Đà Nẵng trong tình hình hiện nay để xây dựng đội ngũ CCVC thực sự trách nhiệm.

“Hình thành Quỹ Dưỡng liêm CC, người ta sẽ tự hào về vai trò CC của mình! Bởi hiện nay, có CC làm việc  20-30 năm nhưng về hưu thì lo nơm nớp vì không có gì để giúp đỡ con cháu lập nghiệp. Như thế thì đầu óc đâu mà nghĩ đến tinh thần phục vụ?”, ĐB Lê Ngọc Dũng nhấn mạnh về lợi ích của Quỹ Dưỡng liêm CC. Để thực hiện được việc này, theo ông, cần biên chế tổ chức hành chính một cách khoa học, hợp lý; đồng thời có nguồn ngân sách đủ mạnh để khuyến khích CC nghỉ hưu trước tuổi nhằm “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, CC.

Trước việc đồng thuận cao của các ĐB về Quỹ Dưỡng liêm CC, Phó  Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương bày tỏ lo ngại, sẽ có nhiều ĐB muốn đưa vào và thông qua nghị quyết tại kỳ họp về vấn đề này. Sự lo ngại đó là có lý bởi những khó khăn như: Nhiều CC không chịu nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn; bởi đối tượng của quỹ này không phải chỉ là 2 nghìn CC mà có cả 15 nghìn VC.

“Về kinh phí thực hiện, sẽ không có đủ tiền để đầu tư nếu các CC không  chịu nghỉ hưu trước tuổi. Ngân sách thành phố thì cân đối không đủ. Lấy từ nguồn khai thác quỹ đất thì Trung ương không đồng ý. Chính vì vậy, về quỹ này, chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương nhưng giải pháp thì phải tính toán một cách kỹ càng” - ông Võ Duy Khương nhấn mạnh.

ĐB Lê Thị Hường đồng ý với việc không nên đưa ra nghị quyết về Quỹ Dưỡng liêm CC trong kỳ họp này; vì trước hết, cần có đề án cụ thể, trong đó quy định rõ ràng phạm vi, đối tượng, chính sách, điều kiện ràng buộc với đối tượng cán bộ, CC để có thể xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực tài chính cho phù hợp. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa cũng ủng hộ các ý kiến này và cho rằng cần xây dựng đề án và có lộ trình trình Trung ương, sau đó mới đưa vào nghị quyết và triển khai thực hiện, như thế hiệu quả sẽ cao hơn.

Một ý kiến liên quan đến vấn đề này của ĐB Nguyễn Thị Thu Hương nhận được sự đồng tình lớn của các ĐB tham dự tại tổ thảo luận số 3 (Tổ ĐB quận Thanh Khê và Sơn Trà). Đó là cần phải nhìn nhận việc xây dựng quỹ trong tổng quan chung của các mối liên hệ và chính sách về hệ thống hành chính, cán bộ, CCVC hiện nay; trong đó có chính sách khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi. “Nhiều CC xin nghỉ theo chính sách này đều là những người có năng lực, bởi họ sẽ dễ dàng xin được việc làm khác sau khi nghỉ việc với mức lương ưu đãi hơn, môi trường làm việc tốt hơn.
 
Còn những người có năng lực yếu sẽ không dám nghỉ. Như vậy, vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến chủ trương thu hút và đãi ngộ đội ngũ cán bộ, CC có chất lượng cao của thành phố” - ĐB Nguyễn Thị Thu Hương lý giải. Còn ĐB Nguyễn Thu thì đưa ra ví dụ cụ thể, tại Cảng Đà Nẵng, đã có một số trường hợp được đề nghị nghỉ hưu trước tuổi với mức hỗ trợ 40 triệu đồng nhưng không có ai ủng hộ!

Môi trường -Bài toán khó giải

Thảo luận tại tổ số 3, đại biểu quận Sơn Trà và Thanh Khê.  Ảnh: N.THÀNH

Đề cập đến vấn đề cử tri bức xúc, ý kiến của các ĐB tập trung vào vấn đề môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải y tế. Hiện nay, trong số 22 bệnh viện trên địa bàn thành phố chỉ có 9 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế. Một vài bệnh viện có đầu tư lò đốt rác thải y tế, nhưng quy mô nhỏ nên khi đốt rác tạo khói, mùi hôi gây ảnh hưởng đến môi trường sống của khu dân cư chung quanh.

Theo ĐB Đoàn Võ Kim Ánh thì thành phố đã đầu tư lò đốt rác tại bãi rác Khánh Sơn gần một năm nay rồi, nhưng nhiều bệnh viện vẫn đem rác thải rắn y tế đến đốt ở lò đốt của Bệnh viện Đà Nẵng; thậm chí có bệnh viện cho rác thải rắn y tế vào bao, vận chuyển bằng xe gắn máy, xe đạp đem đến tiêu hủy ở lò đốt của bệnh viện này. ĐB Thái Thanh Hùng phân tích, sở dĩ có hiện tượng này là do chi phí tiêu hủy ở đây thấp hơn, nếu để thu gom lên lò đốt tại bãi rác Khánh Sơn thì bệnh viện sẽ phải chi phí lớn hơn rất nhiều. ĐB Vũ Thị Tư Hằng thì cho biết:
 
Bệnh viện Bình Dân đổ nước thải y tế chưa qua xử lý ra hệ thống thu gom nước thải chung của thành phố là do bệnh viện đang sửa chữa hệ thống xử lý. Việc xử lý hành chính phạt tiền bệnh viện là chưa thỏa đáng và công bằng vì còn 5 bệnh viện khác không có hệ thống xử lý nước thải thì không bị phạt. ĐB Dương Thành Thị bày tỏ lo ngại, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đóng trên địa bàn quận Liên Chiểu thải nước thải y tế ra ngoài, nhưng chưa biết chất lượng xử lý ra sao. ĐB nêu thực trạng bãi rác Khánh Sơn mới chỉ xử lý rác theo phương pháp chôn lấp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề với thành phố đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rác thải nhưng chưa thấy thành phố chấp nhận. Nếu cho phép đầu tư thì sẽ vừa xử lý cơ bản rác thải, vừa giải quyết việc làm cho gần 500 lao động đang sống bằng nghề nhặt rác ở đây. ĐB Trần Huy Đức đề nghị thành phố phải cương quyết thu gom chất thải rắn y tế bằng xe chuyên dụng đi tiêu hủy tập trung tại bãi rác Khánh Sơn.

Về hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, ĐB Nguyễn Xuân Hạnh cho biết, hiện nay, việc xây dựng trạm xử lý nước thải ở khu vực 90 ha là không phù hợp so với việc đặt tại khu vực 150 ha; bởi đặt trạm ở vị trí cao hơn nên phải lắp đặt lại hệ thống máy bơm và ống dẫn, gây lãng phí rất lớn. “Cần xem xét lại quy hoạch và trách nhiệm của bộ phận tham mưu trong vấn đề này!” - ĐB Nguyễn Xuân Hạnh đề nghị.

Trước những bức xúc này, ĐB Nguyễn Điểu cho biết thêm: Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng rác thải y tế chủ yếu đốt tại các bệnh viện nhưng không bảo đảm yêu cầu chất lượng, chỉ đốt rác vào ban đêm. Việc đầu tư hệ thống đốt rác thải 100 kg/giờ đã đi vào hoạt động, đồng thời đang triển khai hệ thống mới với công suất 200 kg/giờ.

Thế nhưng,  hiện giá thành còn cao vì ít rác, nếu tập trung nhiều hơn sẽ giảm giá. Nghịch lý này xem ra khó có thể giải được, nếu không có những chính sách đồng bộ hơn! Việc xây dựng hệ thống nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, ông Nguyễn Điểu thừa nhận việc đầu tư trước đây là sai; phải bơm lên nên không hợp lý; vì thế hiện nay mới chỉ có 20% nước thải của các doanh nghiệp tập trung về đây. Vì vậy, cần có giải pháp kết nối nhanh hạ tầng hệ thống xử lý nước thải khu vực này.

Về việc xây dựng Trung tâm hỏa táng, ĐB Nguyễn Điểu cho biết, thành phố đã có dự án đầu tư gần 25 tỷ đồng do Sở LĐ-TB-XH thành phố làm chủ đầu tư nhưng chưa làm được; vì thế đang tìm nhà đầu tư mới từ thành phố Hồ Chí Minh. Công trình này dự kiến khởi động từ tháng 8 năm nay để đến tháng 9-2009 khánh thành nhưng chưa triển khai được. Trong đó, lý do là chưa có chính sách ưu đãi hợp lý; vì vậy HĐND thành phố cần có chính sách miễn giảm cho nhà đầu tư để đẩy nhanh dự án này!

Trước bức xúc về xử lý rác thải y tế, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh yêu cầu phải đưa vào Nghị quyết HĐND thành phố năm 2009 việc cấm đốt rác thải y tế trong trung tâm thành phố. UBND thành phố đầu tư mua xe chở rác thải chuyên dụng, buộc tất cả các bệnh viện trên địa bàn phải thu gom rác theo xe chuyển đi tiêu thụ tại lò đốt rác thải rắn y tế tại bãi rác Khánh Sơn.

Phát triển kinh tế phải đi đôi an sinh xã hội

Đại biểu Đoàn Võ Kim Ánh phát biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: S.TRUNG

Trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhiều ĐB bày tỏ lo ngại trước vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; trong đó có việc duy trì tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. ĐB Trương Phước Ánh cho rằng, doanh nghiệp (DN) thành phố vẫn còn gặp khó khăn do thiếu vốn trong khi chi phí sản xuất cao vì ảnh hưởng của lạm phát.
 
“Thành phố cần chú ý đến những khó khăn hiện tại của DN, cần điều tra, thống kê  những DN bị suy giảm năng lực sản xuất, kinh doanh, bị ảnh hưởng của lạm phát để có những chính sách hỗ trợ kịp thời” - ĐB Trương Phước Ánh bày tỏ. Đồng ý với ý kiến này, ĐB Bùi Diệu Thanh đề xuất ưu tiên hỗ trợ cho DN thành phố vì khu vực này chưa được quan tâm lắm. Việc cho vay xuất khẩu không được hỗ trợ trực tiếp mà cần đầu tư cho xúc tiến thương mại.
 
“Lâu nay thành phố vẫn đề ra giải pháp hỗ trợ cho DN về thương mại, xuất khẩu, công nghiệp... để DN mở rộng thị trường; nhưng kinh phí cho phát triển kinh tế không có đồng nào cho xúc tiến thương mại” - ĐB Bùi Diệu Thanh bức xúc. Về phần mình, ĐB Nguyễn Thu cho rằng, việc đề ra tốc độ tăng GDP từ 11,5%-12% trong năm 2009 cần phải đi kèm những giải pháp lớn.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp có tác động đến GDP nhưng xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực này còn chưa tương xứng. Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thu kiến nghị cần có sự liên kết giữa các DN, địa phương khu vực miền Trung để có sự hỗ trợ, phân công lại sản xuất tốt hơn trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay. “Không cạnh tranh nổi trong khu vực thì làm sao cạnh tranh nổi trên thế giới” - ĐB Nguyễn Thu nhấn mạnh.

Về các chính sách liên quan đến đời sống nhân dân, các ĐB phản ánh quá trình đô thị hóa làm cho nhiều hộ nông dân mất đất sản xuất, song việc chuyển đổi ngành nghề; giải quyết việc làm cho nông dân chưa cơ bản, gây lo lắng cho cử tri. ĐB Thái Thanh Hùng đề nghị thành phố nên áp dụng thống nhất mức đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi để phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời có mức hỗ trợ thống nhất là 30% chứ không nên áp dụng theo phương châm “linh hoạt” đối với từng trường hợp dễ dẫn đến thiếu công bằng.
 
“Nên tăng kinh phí đầu tư giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho nông dân, có tỷ lệ thích đáng so với giá trị khai thác quỹ đất mà thành phố đạt được” - ĐB Thái Thanh Hùng nhấn mạnh. ĐB Nguyễn Hồng Anh nêu thực trạng nợ đất tái định cư vẫn kéo dài và nhấn mạnh, mặc dù thành phố đã ra “tối hậu thư” về vấn đề này, nhưng mấy năm qua chưa thấy ai bị cách chức cả!. Ý kiến này được Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa nêu cụ thể hơn, là HĐND thành phố nhiều lần ra nghị quyết nhưng vẫn còn 2.085 hộ chưa được bố trí đất tái định cư; trong đó các hộ giải tỏa trước năm 2004 còn 20 hộ, trước năm 2005 còn 85 hộ... nên người dân có nhiều ý kiến bức xúc.

Về số lượng và chất lượng nguồn lao động của thành phố cũng như vấn đề giải quyết việc làm, các ĐB cho rằng, cần xem lại số liệu giải quyết việc làm vì với việc tạo ra khoảng 34 nghìn chỗ, việc làm mới mỗi năm là không hợp lý; vì nhiều DN tuyển dụng lao động nhưng vẫn không có. Nguồn lao động chất lượng cao, qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; trong khi các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh thì không có ai đăng ký. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đồng tình với các ý kiến nên bỏ Trung tâm dạy nghề của các quận, huyện vì hoạt  động không hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề không cao; nên tập trung cho các cơ sở dạy nghề của thành phố.

Về đời sống của người lao động, hiện nay, trên 50 ngàn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp rất bức xúc về nhu cầu nhà ở, sinh hoạt văn hóa tinh thần. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố, hiện có khoảng 58% công nhân phải ở thuê nhà trọ và sinh hoạt trong điều kiện không bảo đảm, rất ít công nhân hưởng thụ văn hóa tinh thần.

Thành phố đã có chính sách về đất, tín dụng tạo điều kiện cho DN đầu tư xây nhà và cho công nhân thuê với giá cả hợp lý, nhưng vẫn chưa có đơn vị nào triển khai thực hiện và việc giao đất này cũng chỉ mới thí điểm đối với DN nước ngoài. ĐB Bùi Diệu Thanh nêu ví dụ, Công ty Mabuchi được giao 2 ha để xây nhà cho công nhân, nhưng họ ra điều kiện không được nấu ăn, không cho thuê mà bán trả góp với giá 200-250 triệu đồng/nhà.

Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng bày tỏ băn khoăn trước tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến ngày càng phức tạp. Tình trạng mua bán, tàng trữ, tiêm chích ma túy, sử dụng chất kích thích, trộm cắp và cướp giật... diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường và đối tượng ngày càng “trẻ hóa”, gây không ít lo lắng cho xã hội.
 
Lượng người nhập cư đang có xu hướng gia tăng. Trước vấn đề này, để kiểm soát tốt hơn, theo ĐB Lê Tự Cường, bên cạnh các giải pháp về quản lý an ninh trật tự, các biện pháp xã hội đồng bộ, thì không nên triển khai thực hiện việc thu phí và lệ phí đối với việc đăng ký tạm trú, làm chứng minh nhân dân... để người dân thực hiện các việc này một cách tự giác và đạt hiệu quả hơn.

Hôm nay, 4-12, Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các vị đại biểu và các cơ quan  chức năng. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. 

N.THÀNH, S.TRUNG và M.HẠNH


;
.
.
.
.
.