.

Nhân ngày Giáng sinh

Hằng ngày qua màn hình nhỏ, những cuộc đánh bom tự sát diễn ra liên miên ở Iraq, ở Afganistan, ở Ấn Độ và nhiều nơi khác. Không ngày nào là không bắt gặp những ánh mắt điên cuồng phẫn nộ trước tội ác, những đôi mắt tuyệt vọng trước thân xác người thân, máu loang lổ trên hè phố, trên bãi chợ, nơi thánh đường… Bạo lực đẫm máu kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại là do đâu? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kỳ thị và xung đột tôn giáo, một nỗi đau của loài người. Nhìn những cảnh đó rồi đối chiếu với cuộc sống nước mình càng ngẫm ra được nhiều điều.

Trong nỗi đau khủng khiếp của loài người về những xung đột tôn giáo và sắc tộc chưa hề có dấu hiệu dịu lại mà chỉ có khủng khiếp hơn, tàn nhẫn hơn, mới thấy hết chiều sâu giá trị về vẻ đẹp cao quý của tinh thần khoan dung, hòa hợp tôn giáo trong đời sống của dân tộc ta. Chính đó là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự đồng thuận xã hội, vừa là động lực của sự phát triển, vừa là sức hút các nhà đầu tư tìm đến một môi trường yên bình, tin cậy.

Vì thế, lời nguyện cầu nhân lễ Giáng sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” không chỉ có sức dẫn dắt bà con giáo dân mà cũng tranh thủ được “thiện tâm” của bà con hàng xóm, láng giềng với họ. Tôn giáo, và rộng hơn thế, tín ngưỡng là một hiện tượng người, một biểu thị nhân bản, một thực tế xã hội rộng lớn và sâu xa, kết tinh chẳng những tâm linh và tình cảm, mà cả nhận thức lý trí của nhiều người.

Tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người cần được thể chế hóa và được thực sự tôn trọng. Thực tế đã cho thấy chính sách khoan dung tôn giáo là một nhân tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận và cố kết xã hội. Nếu làm ngược lại, cái giá phải trả sẽ là sự phân rã và hỗn loạn của đời sống xã hội rất khó hàn gắn.

Những gì đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy “chủ nghĩa” tôn giáo cực đoan, biệt phái, cực quyền cùng với sự kỳ thị và xung đột tôn giáo là những nguyên nhân gây mất ổn định, góp phần làm nẩy sinh ra nạn khủng bố và phá hoại rất tàn khốc. Nỗi đau này của loài người dường như chưa có thuốc chữa trị một khi mà tinh thần khoan dung tôn giáo chưa chiếm lĩnh vị thế cần thiết trong tâm thế con người, và một bộ phận của loài người vẫn còn bị đầu độc bởi những cực đoan, biệt phái, cực quyền cùng với sự kỳ thị và xung đột tôn giáo.

Có thấy ra điều ấy mới càng thêm quý trọng ý nghĩa sâu xa của tinh thần thân ái mà người Công giáo được răn dạy và ra sức giữ gìn và phát huy trong cuộc sống. Vì vậy, đón mùa Giáng sinh 2008, càng thấm thía lời của Bác Hồ: “Cách đây một nghìn chín trăm bốn mươi năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào đã sâu”. Câu đó trích trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các vị linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam nhân dịp lễ Noel bốn tháng sau ngày Tuyên bố Độc lập 2-9-1945.

Tinh thần ấy, Người lại nói rõ sau đấy hai tuần, ngày 14-1-1946: “Trong Công giáo có câu “tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu “vạn chúng nhất tâm”, nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”. Không hề có một bức tường ngăn cách nào của tinh thần thân ái và lòng thương yêu con người của Đức Giêsu cũng như của Đức Phật trong tâm thế của con người Việt Nam. Cho nên, cũng trên tinh thần ấy, Người nhấn mạnh “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác) khi phát biểu tại Hội nghị đại biểu Phật giáo thống nhất Việt Nam 28-9-1964.

Rõ ràng là, đồng bào cả nước, trước hết là bà con Công giáo càng hiểu rõ tinh thần thân ái ấy có ý nghĩa lớn đến nhường nào trong cái thế giới đầy bất trắc và biến động của xung đột sắc tộc và tôn giáo đang đầu độc bầu không khí của nhiều quốc gia.

Chính trong bối cảnh ấy, càng phải hiểu rõ và phát huy “tinh thần bác ái” cao cả của Đức Chúa Giêsu, của Đức Phật cũng như của những vị sáng lập các tôn giáo khác, những “thiên tài tôn giáo của mọi thời đại” theo cách gọi của A.Einstein, đã hòa quyện làm một với tinh thần nhân ái của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Vì thế, trong tâm thế của người Việt, đạo và đời không hằn thành ranh giới, mà là hòa quyện thâm nhập vào nhau thể hiện rõ trong nền văn hóa Việt Nam, trong đời sống, đặc biệt là đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Một truyền thống thấm đượm chủ nghĩa nhân văn và tinh thần khoan dung tôn giáo.

Không khó để nhận ra nét văn hóa đẹp đẽ đó trong cuộc sống hằng ngày của xã hội ta. Giữa cảnh sắc làng quê, bên cạnh ngôi chùa làng quen thuộc ẩn mình kín đáo dưới vòm cây cổ thụ vẫn có thể bắt gặp nét dáng của tháp nhà thờ ngoi lên giữa mảng trời xanh. Và rồi, trong sự tĩnh lặng của ngôi làng quê ấy, có khi chợt rung lên âm thanh hòa quyện tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ.

Ở đấy, chung sống hòa hợp và gắn bó giữa những con người với những tín ngưỡng tôn giáo không giống nhau, nhưng họ là hàng xóm, láng giềng thân quen, tối lửa tắt đèn có nhau. Mà cũng không chỉ ở làng quê, nơi đô thị sầm uất, sự gần gũi, thân quen của những cá nhân hoặc cộng đồng có tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, vẫn là nét phổ biến trong đời sống Việt Nam.
 
Biểu hiện sống động và dễ nhận ra nhất của điều đó là Noel đã không chỉ còn là ngày lễ của bà con công giáo, mà trở thành ngày vui của cả cộng đồng. Có lẽ với không ít người không theo đạo Thiên Chúa, họ cởi mở hòa niềm vui trong ngày Noel mà không hiểu và chắc cũng chẳng có nhu cầu tìm hiểu thế nào là “Giáng sinh”, còn các cháu nhỏ thì hiểu “Ông già Noel” cũng là một “Ông Bụt” trong truyện cổ tích. Điều này thoạt nghe cứ ngỡ đơn giản, nhưng ngẫm nghĩ sâu, sẽ hiểu ra những điều có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa của người Việt Nam.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền chính trị vừa mang tính chất đa cực vừa mang tính chất đa văn minh, đa văn hóa, vì thế, “nếu các tôn giáo bắt đầu làm cho nhau trở thành phong phú hơn thì chúng sẽ cấp cho linh hồn điều mà thế giới đang tìm kiếm” 4. Phải chăng vì thế mà người công giáo Việt Nam rất dễ hiểu ý tưởng “gặp Chúa trong cuộc sống dân tộc”. Trên tinh thần đó, chúng ta có dịp suy nghĩ thêm về chủ nghĩa nhân văn Việt Nam gắn liền với tinh thần khoan dung, trong đó, nổi bật lên  tinh thần khoan dung tôn giáo.

Đây không là một thủ pháp chính trị nhất thời. Đây là một thuộc tính nổi trội trong chiều sâu văn hóa Việt Nam. Lật lại lịch sử, cách đây hơn một ngàn năm, năm 907, cùng với việc thực hiện một cuộc cải cách về nhiều mặt nhằm xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ, thoát dần ảnh hưởng và sự khống chế của các thế lực thống trị phương Bắc, Khúc Hạo đã nêu nổi bật: “Chính trị cốt chuộng khoan dung, giản dị” khiến cho “nhân dân đều được yên vui” trong cương lĩnh dựng nước.
 
Tinh thần ấy xuyên suốt cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đương nhiên, không phải là không có một bộ phận những người cầm quyền, do chưa phân biệt rõ những âm mưu và thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để làm phương hại đến lợi ích dân tộc, đã có những giải pháp không đúng, nên lúc này lúc khác, chỗ này chỗ kia để xẩy ra những thái độ kỳ thị, bài xích, nhưng đó chỉ là nhất thời.

Vượt lên những sai lầm nhất thời đó, truyền thống khoan dung tôn giáo trong tâm thức người Việt chính là nền tảng của sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên đất nước ta theo phương châm “hòa nhi bất đồng”. Tinh thần ấy thể hiện sâu đậm trong đời sống xã hội. Bởi vậy, chúng ta dễ đồng cảm với nhận định: “Nhu cầu tôn giáo, nhu cầu một hệ thống suy nghĩ, nhu cầu phục vụ một sự nghiệp sẽ cấp cho sự tồn tại mỏng manh và bóng chớp của chúng ta, ý nghĩa và giá trị, không đòi hỏi nhiều lập luận phức tạp cho lắm”.

Ấy thế nhưng, những năm cuối thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế giới đang phải gánh chịu nỗi đau của những xung đột và bạo lực đầu độc bầu không khí của “ngôi làng toàn cầu” ngày càng chật chội, nhưng cũng ngày càng gần gũi hơn với các cộng đồng người đang sống trên đó. Kỳ thị và xung đột tôn giáo là một trong những nguyên nhân sâu xa đẩy tới nhưng xung đột đẫm máu chưa có hướng ra.

Giữa thế kỷ XX, A.Malraux đã tiên đoán rằng: “Vấn đề then chốt  của cuối thế kỷ này sẽ là vấn đề tôn giáo được diễn ra dưới một dạng khác hẳn với sự hiểu biết của chúng ta”. Đến năm 1990, tác giả của“Các xu thế lớn năm 2000” với tham vọng “chuẩn bị cho thế giới sắp đến”, cho rằng: “Sự hồi sinh của tôn giáo vào thiên niên kỷ thứ ba” là một xu thế tất yếu của thế kỷ XXI. Các tác giả của cuốn sách gây chấn động dư luận lúc bấy giờ đã đưa ra dự báo:
 
“Buổi bình minh của giai đoạn lịch sử mới này, sự trở về với đức tin này là dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta đã được chuẩn bị để tiếp nhận cả hai mặt của bản chất con người… Nhân loại không từ bỏ khoa học, nhưng qua cuộc hồi sinh tôn giáo này, chúng ta đang tái khẳng định yếu tố tâm linh trong cuộc tìm kiếm quân bình hơn hiện nay để làm tốt đẹp hơn cuộc sống của chúng ta”.

Những dự báo ấy có triển vọng đúng đến đâu, liệu đã có điểm nào được chứng minh trong cuộc sống hiện thực chưa, cần đối chiếu với những gì đang xảy ra trong thập niên đầu của thế kỷ XXI này để tìm lời giải đáp. Nhưng cho dù chứng minh được hay không, thì bằng vào thực tế của đời sống hằng ngày, chúng ta ngày càng thấy rõ tâm linh và sự đáp ứng, sự thỏa mãn đời sống tâm linh trong những cộng đồng chúng ta đang sống là một đòi hỏi chính đáng.

Đành rằng vấn đề tự do tôn giáo và tín ngưỡng là một đòi hỏi bức xúc và không kém phần phức tạp, nhưng đó lại là một quyền cơ bản của con người cần được thể chế hóa và được thực sự tôn trọng. Phải trên tầm cao của tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần khoan dung và đoàn kết tôn giáo mới có thể thực hiện được đòi hỏi đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra những yếu kém trong việc thực hiện chính sách tôn giáo do “ta chưa có phương pháp thích hợp để vận động đồng bào tôn giáo. Đồng thời vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”. Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, những lời nhận xét ấy vẫn còn nguyên giá trị cần phải được quán triệt trong chủ trương, đường lối, giải pháp và trong hành động.

Trên tinh thần đó, nhân ngày lễ Giáng sinh năm nay, cần nhắc lại chủ trương “đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới” nêu lên trong Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thông qua tại Đại hội Mặt trận lần thứ VI. Phải làm sao biến nội dung từ câu chữ rất đúng đắn và mạnh mẽ đó thành chủ trương, giải pháp và bằng hành động cụ thể để thực sự phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Cần làm cho mọi người thấy rõ được tư tưởng lớn ấy là sự phản ánh một cách khách quan nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Phát huy tinh thần khoan dung tôn giáo, thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, chân thành lắng nghe tiếng nói đóng góp và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng chính là nhân tố quyết định tạo nên tính đồng thuận xã hội, động lực của phát triển đất nước trong giai đoạn lịch sử mới. 

TƯƠNG LAI

;
.
.
.
.
.