Thông minh, năng nổ, bền bỉ vượt khó vươn lên, vừa nhiệt tình tham gia công tác Hội, vừa làm kinh tế có hiệu quả, tạo được việc làm cho những người đồng cảnh ngộ. Đó là đôi nét tóm tắt về thành tích của cô gái mù Lưu Thị Thu Hải ở tổ 47, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà ).
Chị Hải tại cơ sở mát-xa Quốc Hải. |
Từ đó, Hải lớn lên trong bóng tối, trong cảnh nghèo khó, bất hạnh, mặc cảm và trong tiếng thở dài não nuột của mẹ. Mỗi khi nghe các bạn nô giỡn vui đùa là lòng Hải lại nghẹn ngào nỗi buồn tủi vô biên, còn khi nghe bạn bè í ới gọi nhau đi học thì nước mắt cứ trào ra lăn dài trên đôi má...
May mắn sao, đến năm 1999, các cô chú Thường trực Hội Người mù quận Sơn Trà đã tìm đến thăm hỏi, động viên và kết nạp Hải vào Hội. Các hoạt động của Hội Người mù đã nhanh chóng làm bừng sáng tinh thần, ý chí của cô bé khiếm thị. Đầu tiên là khóa học chữ Braille (chữ nổi dành cho người mù) mà chỉ sau hai tháng, Hải đã trở thành một học viên giỏi nhất lớp và được chọn đi học lớp giáo viên giảng dạy loại chữ này.
Tiếp theo là các lớp học nghề làm chổi đót, lớp kỹ thuật viên xoa bóp, lớp dạy vi tính..., khóa học nào Hải cũng tình nguyện tham gia và học giỏi, làm cho tất cả giáo viên đều ngạc nhiên về khả năng tiếp thu nhanh và trí nhớ tốt hiếm có. Tuy vào Hội chưa lâu so với đa số hội viên nhưng Hải đã đạt giải nhì trong cuộc thi đọc và viết nhanh chữ Braille toàn thành phố.
Đến năm 2006, Hải được tập thể tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ mù thành phố, kiêm Trưởng ban Công tác phụ nữ mù quận Sơn Trà. Bằng nhiệt tình, trách nhiệm, toàn tâm toàn ý với công tác Hội, Hải tìm hiểu tỉ mỉ hoàn cảnh của 44 hội viên nữ trong địa bàn quận. Trên cơ sở đó, Hải vừa tích cực đề xuất với chính quyền, vừa năng nổ, xông xáo trong việc tìm kiếm, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ và thường xuyên nhờ cán bộ sáng đưa đến thăm hỏi, động viên các hội viên có nhiều khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi gần đến Tết, Hải lại cùng với các cán bộ Thường trực Quận Hội tất tả đi vận động nhiều nơi, cố lo cho mỗi hội viên có một phần quà Tết.
... Từ nhỏ, Hải đã không có bố, mọi mặt trong cuộc sống chỉ trông cậy ở mẹ. Cuối năm 2005, mẹ Hải lâm bệnh nặng qua đời, khiến cô gái mù lòa càng thêm lao đao, khốn đốn. Dạo đó, Hải vừa tốt nghiệp khóa kỹ thuật xoa bóp và mới xin được việc làm ở một cơ sở mát-xa nằm trên đường Nguyễn Tri Phương.
Tại đây, Hải đã quen và trở thành vợ chồng với một người đồng cảnh ngộ, tên là Nguyễn Đình Quốc. Cùng là những người giàu nghị lực, tuy mù nhưng không hề trông chờ, ỷ lại, Quốc và Hải đã đến liên hệ với lãnh đạo Trạm Y tế phường Xuân Hà (ở số 434 Trần Cao Vân - Đà Nẵng) và mở cơ sở mát-xa Quốc Hải ngay trên tầng 2 của trạm y tế này. Cơ sở có các dịch vụ xông hơi, giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt, làm tan mỡ bụng...
Nhờ giỏi kỹ thuật, giá lại rẻ, lượng khách hàng đến với cơ sở mát-xa Quốc Hải ngày càng nhiều. Vợ chồng Hải đã tuyển thêm ba kỹ thuật viên xoa bóp người khiếm thị, với mức lương từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Đặc biệt, Hải đã giúp một sinh viên quê ở Quảng Nam, đang học tại Trường Cao đẳng Y tế Trung ương II vừa có việc làm ngoài giờ học, vừa được ăn ở miễn phí ngay tại cơ sở của mình với mức thù lao mỗi tháng 1 triệu đồng.
Người sinh viên này hồ hởi nói với chúng tôi: Quê em ở vùng cát Thăng Bình, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, may nhờ có vợ chồng chị Hải giúp đỡ nên mới đủ điều kiện để học tập. Vợ chồng chị Hải tâm sự: Hiện nay, trung bình mỗi ngày chúng em phục vụ 15 khách hàng, doanh thu hằng tháng khoảng 15 triệu đồng, trừ hết chi phí, còn lại 50%. Số tiền ấy đối với người khỏe mạnh thì không nhiều, nhưng đối với những người mù như chúng em là cả quá trình phấn đấu gian nan mới có được!
Hải đã được các cấp khen thưởng và mới đây được chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị tổng kết công tác giai đoạn 1998-2008, do Hội Người mù thành phố tổ chức.
Bài và ảnh : LÊ VĂN THƠM