.

Nhanh, nhanh hơn nữa

Việc Chính phủ đưa 100.000 tỷ đồng ( tương đương 6 tỷ USD) cho mục tiêu kích cầu đang là vấn đề thời sự nóng bỏng từ các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô tới các doanh nghiệp, từng người dân. 6 tỷ USD so với hàng trăm tỷ USD các nước công nghiệp phát triển đổ vào để cứu vãn nền kinh tế khỏi khủng hoảng quả là rất nhỏ, nhưng với ta quả là con số rất lớn, nếu giải ngân nhanh, giải ngân đúng chỗ thì chỉ với 6 tỷ USD có thể cứu vãn được nền kinh tế đang trong cơn khó khăn.

Đến bây giờ, khó có ai còn nghi ngờ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ngày càng ảnh hưởng đến nước ta. Xuất khẩu chậm lại, du lịch vắng khách, gíá dầu thô giảm nhanh chóng, các nguồn vốn đầu từ trực tiếp và gián tiếp ngày càng thắt chặt hơn là những dấu hiệu rất đáng quan tâm. Không chỉ kinh tế đối ngoại, kinh tế trong nước cũng đang đứng trước nhiều thử thách mới. Giá tiêu dùng 2 tháng qua giảm mạnh nhưng lượng người mua không tăng. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu đầu ra trong khi sức ép giá lao động, sức ép giá đầu vào nặng nề nhưng vẫn phải sản xuất cầm chừng. Trước tình hình đó, hạn chế lạm phát đồng thời với kích cầu, vượt ra khỏi nguy cơ trì trệ là một giải pháp cấp bách.

Nhưng dòng vốn đổ vào kích cầu không nhiều như mong đợi vì lực có hạn, đó là bài toán cần có lời giải. Lời giải của nó chính là phải tiêu đúng lúc và tiêu đúng chỗ. Nếu 100.000 tỷ đồng giải ngân không đúng chỗ, dồn cho những ngành kinh tế, ngành hàng sản xuất không có hiệu quả để dung dưỡng thêm cho sự ỷ lại, trông chờ nhà nước, không chịu đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì sẽ là một thảm họa. Nhưng nếu rót đúng chỗ, chọn đúng khâu yếu của cả nền kinh tế, kích thích một điểm chuyển động nhiều điểm, thì 6 tỷ USD sẽ có hiệu quả bằng nhiều chục tỷ.
 
Thứ hai là phải nhanh, thuốc đến đúng lúc người bệnh cần có hiệu quả hơn rất nhiều khi bệnh đã nặng, sức đã yếu, khả năng tiếp thu thuốc khó khăn, khó hồi phục. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang thiếu vốn trong khi không tiếp cận được nguốn vốn vì lãi suất ngân hàng quá cao. Cần phải kích cầu từ việc giảm lãi suất ngân hàng, cải tiến việc cho vay để doanh nghiệp có vốn sản xuất vì GDP của ta hiện nay chủ yếu dựa vào vốn, tài nguyên, giá lao động, chưa phải dựa vào năng suất lao động.

Cần đẩy mạnh sản xuất để giảm sức ép do lao động thiếu việc, cho vay với lãi suất ưu đãi để người lao động có lực tham gia xuất khẩu lao động. Cần chiếm lĩnh thị trường thiết yếu bằng giá cả và chất lượng để cạnh tranh với hàng nước ngoài. Cần tăng lượng tiền trả công lao động, trả bảo hiểm để tăng sức mua cho người dân, nhất là nông dân và người làm công ăn lương. Cuối cùng, thật cấp bách là khai thác thật tốt thị trường trong nước, sản xuất cho người Việt Nam dùng với chất lượng tốt, giá rẻ và nếu hàng tốt, giá rẻ tương đương với hàng nước ngoài thì người Việt Nam yêu nước hãy dùng hàng Việt Nam.

Không thể chi phối được thời gian nhưng biết tranh thủ thời gian, thì nhanh, nhanh hơn nữa và biết tiêu đúng chỗ vào lúc này cũng là tiền bạc.

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.