.

Nhóm từ thiện Đào Thiện Tâm

.

Thật tình cờ, chúng tôi chứng kiến một nhóm tự nguyện làm từ thiện gồm có các anh, chị là tiểu thương, buôn bán nhỏ… đến tặng tiền, quà cho các bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng TP. Đà Nẵng.

 

Chị Trần Thị Đào (41 tuổi), nhóm trưởng cho biết: Cách đây 3 năm, tình cờ một cháu gái khoảng 12 tuổi đến nhà chị xin ăn. Cháu nói không có gia đình, cha mẹ… Chị thấy tội nghiệp nên cưu mang, nuôi cháu trong nhà, đối xử như con và chuẩn bị các thủ tục cho cháu đi học. Ở với gia đình được ít ngày, sau đó cháu đi khỏi nhà mà không ai biết lý do gì.

Vì nhớ cháu, chị đi khắp nơi trong thành phố như các cơ sở nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa để tìm cháu, nhưng không tìm được. Tuy nhiên, qua những lần đến các cơ sở này, chị biết được các cháu thật tội nghiệp, mỗi cháu có một hoàn cảnh đáng thương. Mặc dầu đã được các cấp, các ngành quan tâm, song các cháu vẫn thiếu thốn nhiều về tinh thần, vật chất. Qua nhiều đêm trằn trọc, sáng ra, chị Đào kêu gọi các chị Trần Thị Nguyên tức Thiện (40 tuổi); Nguyễn Thị Tâm (47 tuổi) làm nòng cốt lập nên nhóm từ thiện có tên “Đào Thiện Tâm” và huy động thêm một số chị em khác để làm công tác từ thiện.
 
Các thành viên trong nhóm đều có nghĩa vụ, trách nhiệm ủng hộ tài chính và trực tiếp đến thăm, tặng quà cho các đối tượng qua các chuyến đi. Đến nay, nhóm đã có 20 thành viên. Hằng năm, đến thời điểm trước Tết âm lịch, là cao điểm bận rộn trong các hoạt động quyên góp, mua hàng, đóng gói… Tuy vậy, mọi người rất vui và thanh thản vì mình đã làm được nhiều việc thiện.

Những năm qua, nhóm đã quyên góp tiền, hàng của các thành viên và một số người hảo tâm khác trên 70 triệu đồng để đến tặng quà, chia sẻ với những người khó khăn, hoạn nạn trong thành phố như Bệnh viện Tâm thần, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, trẻ em mồ côi, Hội Người mù, Bệnh viện Đà Nẵng, ủng hộ nồi cháo tình thương… Trung bình mỗi chuyến đi, nhóm từ thiện huy động số tiền, hàng, quà  khoảng 5 triệu đồng. Thực tế, mỗi lần đi như thế, con số chi nhiều hơn con số quyên góp, nhiều lần chị Đào phải bù vào, có khi đến 2 – 3 triệu đồng.

Trong dịp này, tôi có gặp chị Vũ Thị Kim Thanh (37 tuổi), là người nhận mặt hàng nem, chả của chị Nga về bán lẻ, mỗi ngày lời khoảng 70.000 đồng, nhưng chị vẫn trích ra mỗi ngày 10.000 đồng để đóng góp làm từ thiện. Trung bình, mỗi thành viên trong nhóm, mỗi tháng ủng hộ từ 50.000 đồng trở lên.

Chị Đào là chủ cơ sở chế biến nem, chả bò tại số 141 Đỗ Quang, phường Vĩnh Trung (Thanh Khê), có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài thành phố. Dù rất bận rộn, bên cạnh việc chăm sóc chồng ốm nặng, lo cho 3 đứa con ăn học, nuôi cha mẹ già, chưa có nhà riêng…, song chị cũng bỏ ra phần lớn thời gian và tiền lãi để làm công tác từ thiện.

Phong trào làm từ thiện, nhân đạo phát triển khắp nơi là xu thế hướng về người nghèo khó, hoạn nạn, xuất phát từ những trái tim nhân đạo, biết rung động, thổn thức trước những khổ đau, thiệt thòi của đồng loại mà tìm cách chia sẻ cho nhau để đem lại niềm vui, hạnh phúc đến mọi người. Cụ thể như nhóm từ thiện Đào Thiện Tâm đang hoạt động có uy tín và hiệu quả. Điều đó đã nói lên sự thành công trong công tác vận động nhà nhà, người người làm từ thiện, nhân đạo; xã hội hóa công tác từ thiện mà Hội Chữ Thập đỏ TP. Đà Nẵng đề ra.

Trời về chiều, những tia nắng ấm cuối cùng của mùa đông còn rớt lại nhuộm vàng trên mái nhà khu điều dưỡng. Nhóm Đào Thiện Tâm lên đường tiếp tục cuộc hành trình đến các địa điểm khác. Trên lan can tầng lầu, những ánh mắt như thầm cảm ơn, những bàn tay vẫy chào lưu luyến của các thân nhân, bệnh nhân. 
      
Bài và ảnh: QUỐC KỲ

;
.
.
.
.
.