.

Những người tìm rác

.

Trong dòng chảy của lực lượng lao động phổ thông đổ về thành phố ngày một đông, không phải ai cũng tìm đến các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp để kiếm việc làm với những khả năng sẵn có. Có rất nhiều người tìm về thành phố mưu sinh với hai bàn tay trắng, không trình độ học vấn, không nghề nghiệp, thậm chí có người còn không có giấy tờ tùy thân... Họ chỉ có một hoàn cảnh chung là rất nghèo. Vì thế họ làm bất cứ nghề gì ở phố xá mà sức vóc và khả năng của họ có thể làm được để nuôi sống bản thân và gia đình...

Công việc tìm rác mỗi ngày.  
Bài viết này chỉ đề cập đến một nghề mà hiện nay đang phát triển ở những đô thị lớn, đó là nghề tìm rác. Không phải thường xuyên ứng trực ở các bãi rác của thành phố để kiếm tìm vận may, những người hành nghề tìm rác này chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây, mỗi người một chiếc xe đạp, vài chiếc bao tải, một cây móc sắt, vậy là có thể kiếm sống nơi thành phố. Mỗi ngày họ thức dậy từ rất sớm, đạp xe rong ruổi khắp các hang cùng, ngõ hẻm để tìm rác.
 
Đầu ngày, họ tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm, nơi đông dân cư như bến xe, chợ, các khu mua bán sầm uất, nơi có nhiều gia đình cán bộ, công chức trú ngụ để bới tìm trong những túi rác được các gia đình thải ra... tất tần tật nào ni-lon, nhôm, nhựa, chai, hũ, giấy báo... Họ cứ miệt mài tìm kiếm như thế cho đến bao giờ những chiếc bao tải phía sau lưng không còn nơi để chứa rác nữa, họ lại đạp xe đến các đại lý chuyên mua bán hàng phế liệu để bán hàng... Bán xong lại lên đường tìm rác...

Mỗi buổi sáng, khi ghé mua mấy tờ báo ở quầy báo nằm trên đường Phan Đình Phùng, Đà Nẵng, bao giờ tôi cũng thấy một người phụ nữ nhỏ thó, đầu đội nón mê, mặt đeo khẩu trang kín chỉ chừa hai con mắt, chị cần mẫn dùng móc sắt để bới tìm bất cứ thứ gì mà theo chị là có thể mang đến bán cho những điểm mua bán phế liệu trong thành phố. Hôm vừa rồi, mua báo xong tôi cố nấn ná lại để tìm gặp chị, hỏi ra mới biết:

Sau một ngày vất vả mưu sinh.    
Chị tên Hoa, quê ở Quảng Nam, ra Đà Nẵng từ mấy năm qua để kiếm sống. Chị kể: Lúc đầu ra Đà Nẵng, chị được một người họ hàng giới thiệu đến rửa dọn tại một quán nhậu bình dân. Ăn ở do nhà chủ lo, mỗi tháng chị dành dụm để gửi về quê có khi được hơn cả triệu đồng. Hai năm trở lại đây, do sức khỏe ngày một kém dần, chị không thể kham nổi công việc ở quán. Trở về quê thì lấy gì mà sinh sống, trong khi thu nhập từ ruộng đồng mỗi năm cũng chẳng đáng là bao. Gia cảnh của chị lại rất khó khăn, chồng đau yếu luôn, trong khi ba đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vậy là chị nhập vào đoàn quân những người tìm rác và xem đây là một nghề mới để mưu sinh...

Tìm rác là một công việc không quá nặng nhọc, thế nhưng suốt ngày phải úp mặt trong rác, phải tiếp xúc với một môi trường hết sức ô nhiễm, nơi ủ chứa rất nhiều mầm bệnh, trong khi đó, phương tiện bảo hộ sức khỏe cho những người tìm rác chỉ duy nhất là chiếc khẩu trang bằng vải mỏng, có người thậm chí lúc hành nghề cũng chẳng có khẩu trang.
 
Những người tìm rác như chị Hoa đang mưu sinh trên địa bàn Đà Nẵng cũng có đến vài trăm, họ thuê nhà trọ chủ yếu ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu... Gọi là nhà trọ cho ra vẻ với đời chứ thực chất đó chỉ là những căn phòng được xây cất tạm bợ, không gian ẩm thấp, bên trong chỉ có mỗi chiếc giường, manh chiếu dường như đã dành sẵn cho những người lao động nghèo ngả lưng thoáng chốc qua đêm...

Theo chỉ dẫn của một người tìm rác lang thang trên đường Hoàng Diệu, tôi đã tìm đến khu tập trung nhiều người đi tìm rác ở một góc nhỏ thuộc địa bàn Tây Nam phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Họ tập trung ở đây khá đông, đa số là phụ nữ và đến từ nhiều miền quê khác nhau trên dải đất miền Trung. Có người ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, nhưng cũng có người ở tận Thanh Hóa, Nghệ An... Chị Châu có thâm niên tìm rác khá lâu năm ở khu vực phường Hòa Cường tâm sự:

Nơi thu mua hàng của những người tìm rác.        
Nghề chúng tôi là cái nghề bần hàn, lam lũ, vì thế mà chị em thường xuyên động viên, chỉ bày cho nhau từng kinh nghiệm nhỏ, chăm sóc nhau khi ốm đau, trái gió trở trời... Đa số các chị đều đã có gia đình ở quê, một mình ra phố kiếm sống, rồi gom góp những đồng tiền tiết kiệm được để gửi về quê cho gia đình, nuôi nấng con cái ăn học...

Cũng do đặc tính của nghề mà qua nhiều lần tiếp xúc, tôi cảm nhận được rằng: Dường như tất thảy các chị em hành nghề tìm rác đều không muốn nói rõ về thân phận và quê hương bản quán của mình. Đa số chỉ nói chuyện mang tính xã giao chung chung, đại loại vì quá nghèo phải ra phố kiếm tìm đường sống... và sẽ kiếm sống bằng nghề này cho đến bao giờ không còn nghèo nữa thì thôi.

Rời khu vực Hòa Cường, tôi lại tiếp tục theo chỉ dẫn của những người tìm rác để tìm đến các điểm kinh doanh phế liệu nằm trên đường Trần Hưng Đạo - Đà Nẵng. Bên cạnh những nhà hàng, khách sạn cao tầng soi bóng xuống dòng sông Hàn là những đại lý chuyên mua bán hàng phế liệu. Ở những điểm này, khi chiều dần xuống người người qua lại, vào ra đông đúc hơn. Những người tìm rác bắt đầu quay về sau một ngày dài lang thang cóp nhặt những gì còn có thể tái chế để dùng cho cuộc sống...

Bà Bảy, chủ một đại lý ở khu vực này cho biết: Những người tìm rác thường xuyên đến đại lý của bà để bán hàng, dần thành quen, thành bạn hàng gắn bó nhau. Có người ngày kiếm được cả trăm nghìn đồng, nhưng cũng có người chỉ được vài ba chục, đủ nuôi thân và chút ít để dành. Vào mùa tựu trường, đôi lúc bà Bảy phải ứng trước tiền cho chị em để kịp gửi về quê, sau đó mang hàng đến bán rồi trừ dần... Có chị thức dậy từ ba, bốn giờ sáng, rồi rong ruổi cho đến tận đêm khuya. Mùa hè còn đỡ, chứ vào mùa mưa rét thì thậm khổ...

Đà Nẵng là một đô thị lớn và đang từng ngày phát triển, dân số ngày mỗi đông thêm, dự báo đến năm 2010 sẽ chạm mức con số một triệu người. Lượng rác mỗi ngày người dân thải ra cũng theo đó mà tăng dần; Công ty Môi trường đô thị thành phố đã có những thống kê, con số cụ thể vào thời điểm này chưa chính xác nhưng khoảng trên dưới một nghìn tấn rác thải mỗi ngày là điều chắc chắn. Như vậy, những người làm nghề tìm rác ở Đà Nẵng sẽ còn đất để mưu sinh.

Người viết bài này cũng như nhiều công dân khác đang sinh sống ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ luôn có cái nhìn cảm thông với những người làm nghề tìm rác. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những chuyện không vui, ví như việc những người tìm rác vì quá chú tâm vào công việc của mình mà mỗi lần dùng móc sắt để bới tìm rác thải từ những túi rác gia đình đã vô tình làm vương vãi ra môi trường chung quanh. Việc làm này gây mất mỹ quan cho những con đường, những khu dân cư và làm nhọc công những công nhân gom rác của Công ty Môi trường đô thị.

Mong sao, những người tìm rác dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi khi hành nghề nên dặn lòng mình hãy góp một tay vào công cuộc bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị, để từ đó trong mắt nhìn của người dân thành phố sẽ có thêm nhiều ưu ái, thiện cảm đối với những người mưu sinh lương thiện.

Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY

;
.
.
.
.
.