.

Nước mắt người già

.

Sau hành trình dài cơ cực nuôi con, họ lại tiếp tục bươn chải nuôi mình hoặc sống cô đơn trong mái nhà hiu quạnh, không một lời thăm hỏi của con cháu... 

Tuổi gần 80, vẫn vất vả mưu sinh...

Bận rộn luôn tay cũng là cách để các cụ già ở Mái ấm tình thương quên đi nỗi đời bất hạnh của mình.
Mỗi ngày, ông Phan Hợi (78 tuổi) dậy từ sáng sớm, làm kẹo kéo và xuôi ngược khắp nơi trên chiếc xe đạp cũ. Còn vợ, bà Lương Thị Liên (75 tuổi) cũng lên đường bán vé số từ khi trời còn mờ tối. “Tội nghiệp! Bả đau miết, nhưng ráng đi!”, ông Hợi nói trong hơi thở khọt khẹt khi gặp chúng tôi tại căn phòng trọ nằm sâu trong hẻm tổ 24, phường Phước Mỹ (Sơn Trà). Hai ông bà nương tựa nhau trong nhiều năm qua.
 
Thoảng hoặc, bà con chòm xóm tới thăm hỏi, còn 5 người con đang làm ăn sinh sống tại miền Nam thì tuyệt nhiên không. Hai giọt nước mắt lăn chảy từ khóe mắt khô héo hằn sâu vết chân chim của ông: “Hồi nào nhớ con thì dành dụm vô thăm vài ngày, chứ tụi nó không về cô ơi!”. Không trông chờ gì nơi con, nên đã ở tuổi gần đất xa trời, hai ông bà vẫn lầm lũi mua bán, trưa ăn ổ bánh, uống ly nước lã cho qua bữa, rồi âm thầm về phòng trọ chờ ngày mai.

Tình cảnh như hai ông bà không phải hiếm. Trong nhiều buổi ngồi quán cóc ven đường, chúng tôi thường gặp các cụ già trên bảy mươi đi bán vé số giữa trưa nắng như thiêu, hoặc buổi tối sương lạnh. Những cảnh ngộ già nua không con cái đã đành, nhiều người có con cái cũng như không. Như cụ ông P.N, ở Nam Ô 2, Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), con cái ở gần nhà, ông cũng vào ra thui thủi một mình. Cho đến một ngày, ông bất ngờ đột quỵ, không có ai ở bên. Khi hàng xóm phát hiện và chở đi bệnh viện, ông đã ở trong tình trạng bất tỉnh, vài ngày sau thì mất. 

Cho lòng thêm chút ấm

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Giám đốc Mái ấm tình thương Đà Nẵng, việc con cháu bạc đãi ông bà - cha mẹ không còn là chuyện hiếm. Dựa trên cái nhìn từ thực tế, bà lý giải: “Có thể vì họ chạy theo đồng tiền trong thời buổi kinh tế thị trường. Họ bỏ tiền gọi là trả nghĩa cho cha mẹ, rồi thôi. Có khi còn không thèm đoái hoài gì tới”. Bác sĩ kể, ngay tại Mái ấm, cháu của một cụ bà gạt lấy hết đất của bà bán, và đi biệt tăm biệt tích, chỉ trở về sau khi nghe tin bà đã qua đời. Nhiều trường hợp cháu nuôi ông bà, nhưng hay dùng lời lẽ xúc phạm, tiếng nặng tiếng nhẹ suốt. Chịu không đành, các cụ tìm đến Mái ấm, cùng những người già khác trò chuyện, sinh hoạt bận rộn suốt ngày, để quên đi cảnh đời bất hạnh.

Trong nỗi cô quạnh, người già cần biết bao sự thăm hỏi, quan tâm, dù nhỏ nhoi. Ánh mắt ông Hợi ánh lên niềm hạnh phúc khôn cùng khi nói: “Có cậu học trò lớp 12, Trường Hoàng Hoa Thám, ngày mô cũng chạy ra chơi với tui. Lúc cho bịch sữa, khi cho cái máy nhỏ nhỏ “để ông bà nghe đài cho vui”,  còn nhận tui làm ông nữa”. Mấy cô sinh viên cùng dãy trọ, thương ông bà, lại thỉnh thoảng vào ra thăm nom. Cái gõ cửa nhè nhẹ: “Bữa nay, ông bà bán có được không?” cũng làm cho lòng thêm chút ấm...

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.