.
QUA 3 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 47-NQ/TW Ở ĐÀ NẴNG

Chưa đạt đượcmục tiêu dân số -kế hoạch hóa gia đình

Ngày 22-3-2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 47-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”. Để triển khai thực hiện nghị quyết này, ngày 1-6-2005 Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW và Chỉ thị 23-CT/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn đến công tác DS-KHHGĐ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tương đối tốt, nhất là ở khu vực thành thị. Công tác đầu tư nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên được quan tâm. Công tác tổ chức tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp được chú trọng với nhiều nội dung phong phú.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện các mục tiêu và các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ trong 3 năm qua mặc dù kiềm chế được mức tăng dân số, nhưng chưa có xu hướng giảm; tỷ suất sinh gia tăng (năm 2005 là 15,20%o, dự báo năm 2008 là 17,57%o, mục tiêu đề ra đến năm 2010 là 13,3%o khó đạt được).

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn chưa có xu hướng giảm (năm 2005 là 10,20%, năm 2006 là 9,60%, năm 2007 là 9,02%, dự báo năm 2008 là 9,23%, mục tiêu đề ra đến năm 2010 là 7,5% khó đạt được). Trong 5 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn thành phố đã có 4.848 trẻ em sinh ra, tăng 607 trẻ so với cùng kỳ năm 2007, trong đó có 443 trẻ sinh con thứ 3 trở lên, tăng 59 trẻ so với cùng kỳ năm trước.

Bắt đầu có biểu hiện mất cân bằng giới tính ngày càng tăng, số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái (năm 2005 là 101,8%, năm 2006 là 106,8%, năm 2007 là 103,1%, dự báo năm 2008 là 112,5%). Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong những năm tới.

Tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai chưa có năm nào hoàn thành chỉ tiêu. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm nhanh, từ 17,9% năm 2005 xuống còn 12,9% năm 2007. Tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên tăng nhiều ở hầu hết các địa phương đã gây tác động tiêu cực đến phong trào nhân dân thực hiện KHHGĐ. Trong hai năm 2005 và 2006, toàn thành phố có 80 đảng viên vi phạm về chính sách DS-KHHGĐ, đã xử lý khiển trách 57 trường hợp, cảnh cáo 11, cách chức 1, các hình thức xử lý khác 11.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của công tác dân số, dẫn đến sự thiếu quan tâm chỉ đạo, thiếu quyết liệt, đầu tư không đúng mức cho công tác DS-KHHGĐ. Công tác truyền thông, vận động làm chưa tốt, nhất là ở các địa bàn trọng điểm (có tỷ lệ sinh cao); người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển của thành phố, của đất nước, chưa thực sự tự giác thực hiện; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong thực hiện chính sách KHHGĐ; tư tưởng “trọng nam hơn nữ”, “có nếp, có tẻ” vẫn còn nặng nề trong nhân dân và một số cán bộ, đảng viên.

Trong khi đó, chưa có chế tài xử lý đối với người dân, chưa xử lý nghiêm cán bộ đảng viên khi vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Bộ máy và đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ luôn bị biến động; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; chế độ chính sách cho những người làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa thỏa đáng. Đặc biệt, từ đầu năm 2008 đến nay, tổ chức, bộ máy biến động lớn nhưng chậm được củng cố, kiện toàn; nhiều cán bộ dân số chuyển sang lĩnh vực khác. Ngân sách đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn thấp; chủ trương xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ chưa được triển khai mạnh mẽ.

Trong những năm đến, cần phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Nghị quyết 47-NQ/TW, Chỉ thị 23-CT/TU và Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố quyết tâm, tạo sự đồng thuận để tổ chức thực hiện cho được các mục tiêu đề ra. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể phải coi công tác dân số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm thường xuyên, cần đẩy mạnh cả về quy mô, cơ cấu và đặc biệt là chất lượng dân số.

Kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở các cấp theo hướng chuyên sâu và ổn định lâu dài. Bộ máy tổ chức về DS-KHHGĐ ở cơ sở phải bảo đảm huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo của chính quyền cơ sở; Trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện phải gắn chặt với hệ thống chuyên trách của xã, phường.

Có như vậy các mục tiêu dân số theo Chiến lược dân số của thành phố đến năm 2010: Mức giảm sinh bình quân hằng năm là 0,3 - 0,5%o; tỷ lệ phát triển dân số khoảng 1% vào năm 2010; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khoảng 7,5% vào năm 2010; duy trì mức sinh thay thế; tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 1% mỗi năm; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dân số mới thành công và đi vào ổn định.

PHẠM PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.