“Con người - hai tiếng ấy nghe vang vang kiêu hãnh làm sao” (M.Goocky). Lịch sử nhân loại là cuộc chiến đấu vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của con người, để con người thực sự là con người.
Nhân quyền, quyền con người được toàn nhân loại, các dân tộc, quốc gia, được mọi giới, mọi người đặc biệt quan tâm và đến thế kỷ 17 - 18 phát triển thành lý luận, triết học về quyền con người trở thành tư tưởng chỉ đạo của cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở phương Tây.
Việt Nam là một nước nằm trong vùng văn hóa phương Đông, chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo, nên không coi trọng tự do cá nhân (một nội dung quan trọng của quyền con người). Con người dường như không có thân phận, họ tùy thuộc hòa tan trong gia đình và cộng đồng, sống theo những phép tắc của lễ giáo phong kiến như “quân xử thần tử thần bất tử bất trung” (vua xử bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung). Với người phụ nữ thân phận càng bèo bọt hơn, họ chỉ có theo - phụ thuộc - không có quyền làm chủ tự quyết định cuộc sống của mình ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con.
Khi Việt Nam đi vào thời cận đại, tiếp nhận tư tưởng tự do dân chủ của cách mạng tư sản dân quyền phương Tây, cũng là lúc Việt Nam bị chủ nghĩa tư bản phương Tây đô hộ. Trong cảnh nước mất nhà tan “vạn dân nô lệ cường quyền hạ” không ai có quyền tự do cá nhân. Mọi người đều ý thức nước có độc lập, dân có tự do thì cá nhân mình mới có quyền con người. Chính vì vậy chiến đấu để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước là vấn đề bức xúc nhất của mọi người, là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người.
Song để giải phóng khỏi sự nô dịch, áp bức của thực dân phong kiến, nhất thiết phải thực hành dân chủ, nêu cao dân quyền. Chính vì vậy các nhà yêu nước, duy tân kiệt xuất đầu thế kỷ: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp là những nhà “Nam quốc dân quyền trên tổ chức”, là những người “xướng minh nhân quyền, đả phá chuyên chế”.
Hồ Chủ tịch không chấp nhận những bế tắc khủng hoảng về đường lối cách mạng đầu thế kỷ 20, Người ra đi tìm đường cứu nước và đến với Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội vì đã tìm thấy ở đấy “cái cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng của chúng ta”. Người đã ngộ ra chỉ có thể giành thắng lợi khi gắn liền cuộc giải phóng dân tộc với cuộc đấu tranh vì dân chủ, dân quyền, vì chủ nghĩa xã hội.
Trong Yêu sách của nhân dân An Nam (kiến nghị gửi Tổng thống Mỹ và trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Vécxây, được cho là Người có tham gia soạn thảo cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, một văn bản đầu tiên thể hiện tư tưởng của Người. Người đã đòi các quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp, tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương, tự do học tập.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, 2-9-1945, Hồ Chủ tịch lại dẫn ra một lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nươc Mỹ “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Người suy rộng ra “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Có thể nói nhân dân ta, dân tộc ta đã tiến hành cuộc chiến đấu bền bỉ đầy gian khổ hy sinh vì độc lập tự do cũng chính là đấu tranh vì quyền con người, những quyền thiêng liêng được ghi trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhất trí thông qua ngày 10-12-1948 tại Paris.
Chúng ta có quyền tự hào là không có dân tộc nào đã chiến đấu rất lâu dài, chịu đau thương mất mát to lớn vì quyền con người như dân tộc chúng ta. Và những thế lực xâm lược tàn bạo muốn hủy diệt đất nước ta, dân tộc ta bằng bom đạn, chất độc và những vũ khí tối tân nhất hoàn toàn không có quyền nói chuyện quyền con người với chúng ta.
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người với 30 điều đã khẳng định và cụ thể hóa các quyền cơ bản, thiết yếu của con người trong các lĩnh vực, không chỉ các quyền dân sự chính trị mà còn các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Bộ luật quốc tế về quyền con người này là sản phẩm của lương tri và trí tuệ toàn nhân loại, được tất cả các nước cam kết thực hiện là một thắng lợi to lớn của loài người.
Chúng ta đều biết việc thực hiện Tuyên ngôn này trong thực tiễn cuộc sống không hề đơn giản, nó luôn là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa thế lực tiến bộ và phản động. Thế giới ngày nay vẫn còn nhiều người lao động bị bóc lột đọa đầy đến kiệt quệ, còn hàng tỷ người đói và rét, còn không ít kỳ thị phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, còn những kẻ khủng bố đầy tham vọng coi thường mạng sống của dân lành. Và như thế là còn rất nhiều con người bị tước đi những quyền của con người.
Việt Nam đã giành được độc lập tự do và đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Phát huy dân chủ, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của con người chính là nội dung của sự nghiệp đổi mới.
Chúng ta luôn tâm niệm ngày nào còn một em nhỏ phải bỏ học vì mưu sinh, một gia đình nghèo ở vùng bị thiên tai không được chăm sóc, một người dân bị nhũng nhiễu khi có việc phải đến cơ quan công quyền, một người bị oan ức không biết kêu ai (hay kêu mà không ai nghe) vì thấp cổ bé họng là chúng ta còn chưa trả hết những món nợ về quyền con người.
45 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện, làng, Người viết “Ngày nay chúng ta đã xây nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chúng ta luôn nhớ lời Người, chúng ta không được phép nghĩ rằng nước đã độc lập và với bản chất tốt đẹp ưu việt thì dân đương nhiên được hưởng đầy đủ thực sự mọi quyền của con người.
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Quyền của con người
Thứ Tư, 10/12/2008, 10:11 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.