.

Tâm sự người bị nhiễm AIDS

.

“Lúc mới bị nhiễm HIV, tôi chỉ mong ước rằng giá như mình mắc ung thư hay căn bệnh nào đó để xóa đi mặc cảm của cuộc đời dành cho. Thế nhưng 13 năm sống chung với AIDS, tôi cảm nhận rằng, nếu đã mắc thì biết vươn lên, đừng để người đời khinh miệt. Tôi đang sống với một cơ thể yếu ớt nhưng nghị lực sống của một con người chưa bao giờ nguội lạnh...”. Đó là lời tâm sự của một người đã mắc căn bệnh AIDS ở những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà những thế hệ nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện ở thành phố Đà Nẵng như ông nay đã qua đời.

Đừng tuyệt vọng!

Ông T. và sản phẩm của CLB Niềm Tin đã được nhiều người dân mua ủng hộ.

Tuổi mới 58 nhưng tóc ông T. đã bạc trắng, đều đặn mỗi tháng, ông  đến Bệnh viện Da liễu để nhận thuốc uống. Loại thuốc ARV dành cho bệnh nhân AIDS mà theo ông không phải ai cũng đủ cam đảm để uống. Bởi, thứ thuốc hỗn hợp ấy khi vào cơ thể khiến con người ta bồng bềnh như say rượu. Cách đây khoảng 15 năm, ngày nào ông cũng say rượu bia ngất ngưởng, say rồi  không làm chủ được mình. Say trong làn khói ma túy, quan hệ với những người phụ nữ không rõ ràng.
 
Đùng một cái, năm 1995, cơ thể thấy yếu và bị sốt liên tục, uống thuốc cảm không hết bệnh nên ông tìm đến bệnh viện để thử máu. Khi đó ông mới biết mình đang mang một con vi-rút mà người đời luôn sợ hãi, xa lánh mỗi khi được nhắc đến.

Ông kể, khi ấy tôi đã suy sụp hoàn toàn, hận đời nên trong 2 năm liên tiếp tôi sống mà như người chết, nay đây mai đó. Cha mẹ không muốn gặp, con cái cũng từ chối. Đó là những ngày đen tối nhất của một con người mang căn bệnh AIDS. Trác táng mãi nên tay trắng, ông đi tìm miếng ăn từng bữa. Bữa đói, bữa no, chỉ còn cách duy nhất là tìm về gia đình. Cơ thể rệu rã, nhưng khủng khiếp nhất là những cái nhìn câm lặng của hàng xóm, láng giềng.

Họ không nói, không rằng mà chỉ muốn chạy nhanh mỗi khi gặp ông. Khi đó, ông chỉ biết giam mình trong căn phòng suốt ngày đêm chứ không muốn ra đường. Rồi con cái lại mang tình thương đến cho ông, họ chăm sóc, động viên ông ăn uống. Dần dà, ông lại thấy mình vẫn có thể sống được, vẫn còn lao động được.
 
Ông đi làm phụ hồ xây dựng, có tiền ông mua sắm những dụng cụ riêng cho mình như dao cạo râu, kéo, khăn mặt, dao cắt móng tay và khuyên các con ông đừng đụng tới những thứ ấy. Ông chủ động tìm đến Trung tâm Tư vấn bệnh AIDS để tìm hiểu cách phòng ngừa lây lan. Những người trẻ mới bị nhiễm HIV không muốn tới bệnh viện lại tìm đến ông để “chỉ giáo”. Mới đầu chỉ có 2 - 3 người, sau đó ông quy tụ được gần 10 bệnh nhân HIV, động viên họ biết tự giữ gìn cho mình và cho xã hội.

Cuối năm 2006, trong lúc lao động, không may ông T. bị một viên gạch rớt vào đầu, máu chảy khắp cả người. Nhiều người đến cứu ông nhưng ông can ngăn vì mình có HIV. Sau đó, ông không đi làm nữa và nhận chức Chủ nhiệm CLB Niềm Tin thuộc Hội KHHGĐ thành phố.

Muốn giảm kỳ thị, phải biết khẳng định mình

Bệnh AIDS không lây truyền qua không khí mà chỉ lây qua đường máu, tình dục. Do vậy bài học đầu tiên mà ông T. khuyên những người cùng chung số phận trong CLB những người bệnh AIDS là hãy biết giữ mình. Nếu không đó là một tội ác cho xã hội. Nhiều người thấy ông đã 13 năm mắc bệnh vẫn  khỏe mạnh, con cái quây quần nên đã làm theo lời chỉ dẫn của ông.

Ở phường Bình Hiên, vợ chồng anh N.L. đều bị nhiễm HIV. Do vậy anh chị đã gửi các con nhỏ về quê ngoại ở Duy Xuyên, Quảng Nam để các cháu yên tâm học tập và tránh lây bệnh. Hiện tại sức khỏe vợ chồng anh đã yếu nhưng họ biết nương tựa vào nhau để sống nốt quãng đời còn lại trong sự cảm thông của những người hàng xóm. Từ 3 năm nay, bất kể nắng hay mưa, người chồng vẫn chung thủy với nghề xe ôm. “Thú thật, bây giờ người đi taxi thì nhiều, đi xe ôm ít quá nhưng tôi cũng phải cố gắng thức khuya dậy sớm để kiếm vài chục ngàn một ngày, chứ nếu chờ vào sự giúp đỡ từ thiện không cũng thấy xấu hổ”, anh tâm sự.

Chung phường với vợ chồng anh L. còn có một bệnh nhân AIDS khác tên T.K. Mắc bệnh từ 5 năm trước nên anh K. quyết định không lấy vợ để bớt đi gánh nặng. Là người giỏi về ảo thuật và trang trí nội thất nên cuộc sống của anh hiện nay khá ổn định. Thời gian rảnh, anh thường tích cực tham gia các buổi truyền thông, do Thành Hội Phật giáo và Hội KHHGĐ tổ chức, và anh đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống để vươn lên, góp phần vào công cuộc chống AIDS của thành phố.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.