.

Tạo sức bật từ nguồn cán bộ trẻ

.

Cách đây 10 năm, vị Phó Chủ tịch UBND xã trẻ nhất của huyện Hòa Vang cũng như toàn thành phố Đà Nẵng là 31 tuổi, nhưng nay người trẻ nhất giữ chức vụ ấy chỉ mới 27 tuổi. Sự thay đổi lớn trong sử dụng cán bộ có thể giúp Hòa Vang bứt phá đi lên hay không, câu trả lời có lẽ không xa nữa sẽ được giải đáp.

Trẻ tuổi đời và cả tuổi nghề

Theo Trần Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, trình độ dân trí càng cao thì mình cần phải học hỏi nhiều.

Trần Thị Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Hòa Vang thật trẻ trung, sôi nổi khi nói về cuộc sống và những dự định trong tương lai. Nhưng cô cũng mang một tác phong rất chững chạc khi giải quyết một đống giấy tờ, sổ sách. Cô gái 27 tuổi ấy đã bắt nhịp được với công việc sau hơn 5 tháng nhậm chức, ở một vị trí cực kỳ mới mẻ và cũng không ít khó khăn mà 3 năm trước, khi mới về nhận công tác ở Hòa Liên, cô cũng không nghĩ mình được tín nhiệm và được bầu vào vị trí này. Điều may mắn với Kim bởi đây là nơi cô sinh ra, nên cô hiểu được bà con muốn gì ở mình, đất quê hương mình có thể phát triển đến đâu giữa sự đi lên không ngừng của toàn thành phố.

Diện tích đất nông nghiệp của Hòa Liên hiện nay là 497,2 ha và cơ cấu nông nghiệp chiếm đến 80%, theo Trần Thị Kim, nếu xã chỉ phát triển theo hướng nông nghiệp thuần túy sẽ khó giúp bà con làm giàu, mà cần tìm hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ. Hiện nay, xã bắt đầu triển khai mô hình sản xuất lúa giống trên diện tích 10 ha, năng suất dự kiến thu được khoảng 55 tạ/ha cũng mới đáp ứng được nhu cầu giống lúa của bà con trong xã.

Nếu mô hình thành công, lãnh đạo Hòa Liên mong muốn lúa giống mang thương hiệu Hòa Liên sẽ có mặt trên đồng ruộng của các xã lân cận, do cả vùng này chưa nơi nào sản xuất được lúa giống. Kim cho biết, năm 2009 xã sẽ có đề án chuyển đổi giống cây trồng và mô hình đầu tiên sẽ được thử nghiệm trên cây dưa hấu. Dù tổng diện tích dưa chỉ mới có 6 ha, nhưng dưa ở đây có vị ngon ngọt đặc biệt, hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa. Nếu mở rộng diện tích, sản lượng tăng, xã sẽ tự tìm nơi tiêu thụ cho bà con, để giống dưa Hòa Liên có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Người cán bộ trẻ nhất Hòa Vang được nhắc đến ở trên cách đây 10 năm, giờ là Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh-anh Huỳnh Tân. Có thể từ nhiệm vụ của mình mà giờ đây anh là một trong những lãnh đạo xã có một đội ngũ cán bộ, chuyên viên thuộc loại trẻ, có trình độ của huyện. Với 11 nhân viên đã và đang theo học các trường ĐH của thành phố, và hầu hết đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, Hòa Ninh có những bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cán bộ đã thực sự gần dân hơn khi ông Chủ tịch dành hẳn ngày thứ 4 hằng tuần để làm công tác tiếp dân.
 

Bây giờ, khi tuyến đường đi Bà Nà được mở rộng thì thời gian tiếp dân đã tăng lên 3 ngày/tuần để mọi ý kiến của dân đều được giải quyết một cách rốt ráo. Từ 4 vị trí được sắp xếp cán bộ trẻ ban đầu là Địa chính, Xã đội và nhân viên phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nay nhiều vị trí chủ chốt của xã do cán bộ trẻ nắm giữ. Và ông Chủ tịch xã đánh giá rất cao năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm những cán bộ trẻ của mình, họ vốn đã làm việc ở xã, tự nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng nhu cầu công việc. Hiện nay, Hòa Ninh đang tiếp tục thu hút cán bộ trẻ nên tương lai không xa, xã sẽ có một đội ngũ cán bộ trẻ và đông đảo hơn hiện nay.

Lúc mới được phân công về công tác tại Hòa Liên, Kim cũng như hàng trăm cán bộ trẻ hiện nay được điều về phụ trách công tác “một cửa” của xã. Lợi thế ở vị trí này là cán bộ trẻ được trực tiếp tiếp xúc với bà con, được cọ xát với rất nhiều vấn đề sẽ cho họ nhiều kinh nghiệm công tác.
 
Nhưng một điều bất lợi là nhiều cán bộ trẻ như Kim không học chuyên môn hành chính, mà học các ngành nghề khác như Kinh tế, Tài chính, Địa chính..., nếu làm mãi ở tổ “một cửa”, có thể những kiến thức họ học được từ trường đại học sẽ bị “mòn” đi, khi không có điều kiện áp dụng.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Chí Thức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang cũng bày tỏ quan điểm, những cán bộ trẻ khi được giao nhiệm vụ ở tổ “một cửa” ban đầu rất khó nắm bắt công việc, lúc đó họ buộc phải nắm các bộ luật, nên hầu hết những cán bộ này ngoài giờ đi làm, còn học thêm ngành luật tại chức, trong khi điều kiện, thu nhập của họ còn khá khó khăn để có thể tiếp tục theo đuổi việc học.

Học để làm tốt hơn công việc được giao

Đội ngũ cán bộ trẻ của Hòa Ninh đã góp môt phần giúp cho đời sống bà con ổn định hơn để từng bước làm giàu.

Mới vài tháng trước ở vị trí mới, Kim còn khá lúng túng khi giải quyết công việc, nhưng nay cô đã bắt nhịp được và đang dần tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Mọi việc phải được học không chỉ trong ngày một ngày hai, như chuyện nói với bà con như thế nào để vừa truyền đạt được chủ trương, đường lối của Nhà nước, vừa dễ hiểu và thấu tình đạt lý. Theo Kim, trình độ dân trí ngày càng cao thì công việc càng khó, cần phải học hỏi rất nhiều.

Kim đang theo đuổi ngành Luật và cô ước mơ sẽ học lên nữa, có thể là cao học ngành kinh tế. Còn anh Huỳnh Tân đã khích lệ cán bộ của mình đi học bằng chính cái gương của anh: Cách đây 10 năm, anh đã tự đi học nâng cao trình độ khi đảm nhiệm công việc Phó Chủ tịch xã. Anh kể: “Tôi nói với tất cả nhân viên là tôi mà còn đi học được thì các đồng chí khi đã có điều kiện hơn, nên đi học”.

Năm 2006, Hòa Ninh bắt đầu có một đội ngũ cán bộ trẻ, công tác bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đã giúp mỗi người ý thức để hoàn thành nhiệm vụ. Và anh đề ra các quy định như cán bộ địa chính không được mang hồ sơ về nhà, tránh nhũng nhiễu trong giải quyết đất đai; cán bộ tiếp dân phải thường xuyên về cơ sở. Xã cũng mời những học sinh đỗ vào các trường đại học đến gặp mặt, có lời mời các em về làm việc ở xã sau khi tốt nghiệp... Mức sống của người dân Hòa Ninh 2 năm trở lại đây đã thay đổi, mang tính bền vững hơn, có lẽ cũng nhờ vào nguồn cán bộ có năng lực ở cấp xã-cấp gần dân nhất.

Ông Ngô Chí Thức nhận xét rằng, dù mức thu nhập của những cán bộ cấp xã hiện nay khá thấp, do còn nhiều bất cập, nhưng đội ngũ cán bộ trẻ của Hòa Vang không hề thua kém cán bộ các phường, quận của thành phố. Và cần có một cơ chế như giao đề tài nghiên cứu để họ phát huy hết khả năng trong công việc. Và Hòa Vang cần có một đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo các ngành nông-lâm nghiệp, vì hiện nay cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện vẫn chiếm đa số. Những điều trăn trở của các cán bộ trẻ và người đứng đầu công tác cán bộ của huyện có thể trong tương lai không xa sẽ được thực hiện, để Hòa Vang có một tiền đề bứt phá đi lên.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.