Chỉ còn chưa đến một tháng nữa là Xuân Kỷ Sửu về, nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa mừng vừa lo. Mừng vì vượt qua bao khó khăn thử thách: Kinh tế thế giới suy thoái; xăng dầu tăng giá đến đỉnh điểm; nước ta là một trong tám nước trên toàn cầu bị thiên tai nặng nề nhất; giá cả thị trường như con ngựa lồng cương phi nước đại.
Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, của Đảng bộ và chính quyền các cấp, với sự đồng thuận của nhân dân, tình hình chính trị vẫn ổn định, kinh tế-xã hội vẫn đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu, đời sống nhân dân có mức tăng trưởng khá.
Ngoài cái vui chung với cả nước, thành phố Đà Nẵng của chúng ta có cái vui riêng. Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh (PCI), năm 2008 thành phố Đà Nẵng đã vượt lên dẫn đầu, vượt qua Bình Dương 3 năm liên tục dẫn đầu và cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đã từ lâu, Đà Nẵng đã thành một “hiện tượng” trong sự nghiệp đổi mới, nhất là những ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ chủ chốt và sự đồng thuận hiếm có trong dân đã biến bao ước mơ thành hiện thực.
Vào dịp 29-3-2009, kỷ niệm 34 năm giải phóng Đà Nẵng, cây cầu Thuận Phước sẽ hoàn thành, người dân Đà Nẵng sẽ hòa trong cảm giác reo vui khi đứng giữa trời cao lồng lộng, ngắm biển rộng, sông dài. Trước đó, vào các đêm 27 và 28-3-2009, cả thành phố lại được chiêm ngưỡng những đóa hoa muôn sắc giữa trời cao và lung linh trên mặt sóng của Hội thi bắn pháo hoa quốc tế - một sản phẩm đặc sắc riêng có của Đà Nẵng. Bao nhiêu niềm vui, nỗi mừng trong lòng từng người dân Đà Nẵng không sao kể hết!
Mừng là vậy mà lo cũng lắm. Điều lo nhất là chỉ số giá cả tiêu dùng ở Đà Nẵng đối với những mặt hàng thiết yếu cao hơn cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, nhân dân ta thấp thỏm lo âu vì lạm phát cao, mặc dù Nhà nước ta đã kiên quyết có những giải pháp ngăn chặn nhưng vẫn đạt 2 chữ số (24%). Đồng tiền mất giá; trước, trong và sau Tết, những mặt hàng chủ yếu như: lương thực (gạo + nếp + đỗ xanh), thực phẩm (thịt, gà, cá....), rau củ quả sẽ tăng cao theo truyền thống của những người buôn bán theo cơ chế thị trường “một ngày làm - một tháng ăn”.
Những người nông dân chân lấm tay bùn hai sương một nắng, những người thợ và dân nghèo thành thị, những người hưởng lương, nhất là cán bộ hưu trí, nỗi lo ngày càng lớn - vì hiện nay Tết chưa đến mà giá cả thị trường đã nong dần lên, có mặt hàng tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về chăm lo Tết cho dân. UBND thành phố cũng đã có giải pháp cho vay vốn ưu đãi để dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, nhưng mong làm sao những chủ trương đó biến thành hành động thực tế đi vào cuộc sống, đi vào bữa ăn của từng gia đình trước, trong và sau Tết.
Nên chăng, ngành Công thương phải tung lực lượng chủ lực (cả quốc doanh, công ty cổ phần, hợp tác xã) không những đủ sức thỏa mãn bán buôn mà còn thiết lập những cửa hàng, quầy hàng bán lẻ từ nội thành đến ngoại thành, kể cả vùng sâu, vùng xa đủ hàng hóa đè bẹp những kẻ đầu cơ nâng giá, mong kiếm lời bất chính trong dịp vui Xuân đón Tết. Xưa ông bà ta đã có câu đối Tết khá hay:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Với 14 chữ trên, ông bà ta đã có cái Tết đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, kể cả các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc (tất nhiên là trừ tràng pháo đỏ). Thay vào đó, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn thành phố tổ chức Đêm Nguyên tiêu - Ngày thơ Việt Nam với những bài thơ, bản nhạc, bài hát hay; Nhà hát Trưng Vương đêm nào cũng đỏ đèn cùng những điểm vui chơi lành mạnh khác, chắc hẳn sẽ nhận được những tràng pháo tay giòn giã còn to hơn tiếng nổ của những tràng pháo mà ta đã cấm.
Tết bây giờ đã đổi mới. Không chỉ có ăn mà còn có chơi. Không chỉ có vật chất mà cả tinh thần. Làm sao sau Tết là lao ngay vào lao động sáng tạo, không để “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để có những sản phẩm mới, những công trình mới, những tác phẩm mới để năm sau đón Tết vui Xuân còn vui hơn, phấn khởi hơn. Được thế vui lắm thay! Mừng lắm thay.
NGUYỄN THÀNH LONG