.

Thế núi, dáng sông và con người

.

Đọc trong Đại Nam nhất thống chí (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1970, tập 2, tr.292), thấy địa danh Hòa Vang xuất hiện lần đầu là vào năm Hoằng Định (Lê Minh Tông) thứ 6 (1605), khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng “đem huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa thăng làm phủ, lãnh 5 huyện (Tân Phúc, Yên Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu)”. Hơn bốn thế kỷ đi qua, núi sông Hòa Vang hầu như bất biến, còn con người thì lớp lớp nối nhau giữ cho “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”.

Nét riêng một vùng đất

Giữa thế núi, dáng sông, Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang sẽ là nơi để những kế sách của con người vực dậy cả một vùng đất.

Tháng trước, gặp lại mấy anh em cựu học sinh Trung học Hòa Vang tại TP. Hồ Chí Minh, có người hỏi: Nghe nói Trung tâm hành chính (TTHC) huyện Hòa Vang sắp dời lên Hòa Phong, Trường Hòa Vang ở lại trên đất Cẩm Lệ có phải đổi tên không? Đem câu hỏi “hơi bị khó” này trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Minh Nhơn, người học trò Trường Hòa Vang xưa này xác quyết: “Trường Trung học Hòa Vang được thành lập từ năm 1961, đã có tiếng vang khắp cả nước. Khi thành lập quận Cẩm Lệ vẫn không ai dám nghĩ đến chuyện đổi tên trường. Phải có một giá trị phi vật thể nào đó, người ta mới giữ lại”.

Từ cái thời “Hòa Vang làng rộng đất nghèo/ Có chùa Non Nước, có đèo Hải Vân” như câu ca xưa đến nay, biết bao chuyện vật đổi sao dời trên vùng đất được xem như một vòng cung ôm gọn nội thành Đà Nẵng từ Đông Nam sang Tây Bắc này. Theo sách đã dẫn, đầu niên hiệu Gia Long triều Nguyễn, lỵ sở huyện được lập ở xã Ái Nghĩa (về sau là lỵ sở của huyện Đại Lộc), chu vi hơn 48 trượng, chung quanh rào tre; đến năm Minh Mạng thứ 3 dời về xã Hóa Khuê Trung Tây; năm Tự Đức thứ 2 lại dời về phía Tây Bắc lỵ sở cũ. Những cuộc thiên di này, trong cái nhìn của người xưa, là cốt để thuận lợi trong việc an dân, trị nước.

Nếu Quảng Nam thừa tuyên đạo, vùng đất trải dài từ phía Nam đèo Hải Vân đến núi Thạch Bi (núi Đá Bia, nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay), được vua Lê Thánh Tông thành lập trên đường mở cõi, về sau đã chia tách thành 4 tỉnh, thì địa giới huyện Hòa Vang cũng không còn nguyên vẹn như buổi ban đầu. Đất Hòa Vang xưa xuống tới nội thành Đà Nẵng, dấu tích còn lại là chợ Hàn (còn gọi chợ Hải Châu), chợ Thanh Khê. Năm 1899, Hòa Vang cắt một phần đất để thành lập huyện Đại Lộc; gần một thế kỷ sau, năm 1997, lại tách một số xã để thành hai quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn; 8 năm sau đó lại tách 3 xã Hòa Phát, Hòa Thọ và Hòa Xuân và phường Khuê Trung của quận Hải Châu thành lập quận mới Cẩm Lệ.

Dù thiên di lỵ sở, chia tách đơn vị hành chính, nhưng người Hòa Vang gốc và người gốc Hòa Vang vẫn vẹn nguyên tính khí của người dân xứ Quảng mà sách xưa đã chép: “Học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng; siêng sản xuất mà ít đem cho; vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công” (Sđd, tr.298). Khí thiêng sông núi Hòa Vang đã hun đúc nhiều bậc anh hùng hào kiệt, nhân tài văn học, lưu tiếng thơm vào sử sách và làm rạng danh quê hương. “Tấm lòng yêu nước chứa chan/ Nét riêng xứ Quảng Hòa Vang kế thừa” - câu thơ của tác giả Trần Nhật Bằng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đã ít nhiều nói lên nét riêng “phi vật thể” của vùng đất này.

Nét riêng truyền thống không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì thế, bất cứ một sự đổi thay nào, ví như chuyện đổi tên trường nói trên, cũng khiến người ta cẩn trọng cân nhắc.

Viết tiếp những trang vàng

Lăng mộ Ông Ích Đường, người chí sĩ đi đầu trong phong trào chống sưu thuế ở Hòa Vang.

Một thời, khi chiến tranh diễn ra ác liệt, cơ quan huyện Hòa Vang đã di chuyển nhiều nơi, khi thì ở xã Điện Tiến (huyện Điện Bàn), khi thì ở các vùng núi thuộc các huyện Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Từ sau ngày hòa bình lập lại, TTHC huyện đóng ở Bình - Khuê - Cẩm, nơi giao hội của ba làng Bình Thái, Khuê Trung và Cẩm Bắc của vùng đất có tên là Cẩm Lệ. Sự kiện nổi bật nhất của Hòa Vang trong suốt 33 năm “đóng đô” ở đây, theo đánh giá của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hiệu, là vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.

Trong cách nhìn của ông Hiệu, nếu trong kháng chiến, Hòa Vang vừa là hậu cứ của cán bộ, chiến sĩ Đà Nẵng, thì trong thời hòa bình, Hòa Vang là một vành đai xanh, là nơi để nới rộng không gian đô thị cho một Đà Nẵng đàng hoàng và to đẹp. Từ đó, Hòa Vang cũng sẽ nhanh hơn trong việc đô thị hóa nông thôn mà bằng chứng là sự hình thành, lớn mạnh và phát triển của những người anh em Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ.

Cuối tháng 10-2005, tin vui đến với Hòa Vang khi UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án TTHC huyện. Ngày 15-7-2006, công trình có tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng (hạ tầng kỹ thuật 67 tỷ đồng, trụ sở làm việc 37 tỷ đồng) đã được khởi công xây dựng trên diện tích gần 180 nghìn m2 tại vùng đất Túy Loan - Dương Lâm, xã Hòa Phong. Chọn nơi này làm TTHC huyện, theo ông Trần Nhật Bằng, bởi nơi đây có thế núi, hình sông rất đẹp, nằm ngay bên quốc lộ 14B - đường Hồ Chí Minh - hành lang kinh tế Đông Tây.

Trung tâm tựa lưng vào các đồi An Tân, Dương Lâm; xa hơn là núi Bà Nà, chếch phía Tây Nam là núi Sơn Gà giáp ranh với huyện Đại Lộc. Phía trước trung tâm là dòng sông Yên nối với sông Túy Loan, là chứng nhân trước bao thăng trầm của lịch sử. Với kiến trúc đẹp thành cụm văn hóa, trung tâm sẽ tạo điều kiện để vùng nông thôn, miền núi giáp ranh với thành phố phát triển thuận lợi.

Xưa, vua Lý dời đô về Thăng Long đã ban “Chiếu dời đô”, có đoạn: “Làm như thế cốt mưu việc lớn, chọn ở chỗ giữa làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Đất Hòa Vang giờ đã hẹp lại, việc dời TTHC huyện cũng cốt giữ cho “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Đó là điều mà người Hòa Vang đã, đang và sẽ làm được, bởi những trang vàng lịch sử của ngày hôm qua vẫn luôn thôi thúc họ tiến về phía trước...

 
Ông HUỲNH MINH NHƠN, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang:

Cả nước, tôi không biết còn có nơi nào như Hòa Vang không, trong vòng 8 năm đã chia tách làm bốn: năm 1997 chia làm ba, đến tháng 8-2005 lại chia hai. Đâu phải muốn chia là chia, mà phải có yếu tố phát triển về kinh tế-xã hội, phải có đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu chia tách.

Hòa Vang là huyện ngoại thành trên đất liền duy nhất trực thuộc thành phố Đà Nẵng, có cái may mắn là đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Nhờ đó, huyện đã nhận được đầu tư nhiều với tốc độ nhanh, được hưởng sự quan tâm, ưu ái của thành phố.

 

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.