.

Thờ ơ với… hiểm họa

.

Túi nilon nảy sinh và phát triển do nhu cầu của con người và tính tiện lợi của chúng. Nhưng nó là con dao hai lưỡi mà mặt trái thì sắc ngọt hơn mặt kia gấp trăm ngàn lần. Rác thải nilon – thảm họa không của riêng ai và là bài toán khó đang cần lời giải.

Những câu chuyện bất ngờ

Một lần, tôi đang đứng chơi trên cầu Sông Hàn và thấy một người mẹ bế con đứng gần đó, hai mẹ con đang ăn ngô. Vài phút sau, họ vô tư ném cả cùi ngô và túi nilon xuống dòng sông. Tôi vội vàng: “Sao cô lại vứt rác xuống đó? Cô phải đem bỏ vào thùng kia chứ”. Người phụ nữ nhìn tôi với ánh mắt hơi ngại, cãi nhỏ: “Ai chẳng vậy mà em, có riêng gì chị đâu”. Nói xong, người phụ nữ đó bỏ đi.

Lần thứ hai, tôi và một người bạn học đi từ thư viện thành phố ra, gặp một đôi nam nữ tay trong tay. Họ có một hành động khác, vô tư thả vỏ kẹo Singgum và vỏ bao Bim bim xuống dòng sông. Ngay bên cạnh là chú chim cánh cụt đứng đó chờ xin rác. Tôi nhớ lại những câu chuyện bạn bè tôi kể về những hành động tương tự trên. Và nếu bạn có một lời đề nghị hay nhắc nhở, ngay lập tức bạn có thể nhận những ánh mắt ráo hoảnh, sắc lạnh và một số lời cộc lốc, như “điên” chẳng hạn.

Vật chưa thể thay thế

Do sự tiện lợi và giá trị kinh tế của túi nilon nên nó ngày càng được sử dụng thịnh hành trong đời sống. Chính vì thế, túi nilon tràn ngập và thản nhiên xâm nhập vào bất cứ chỗ nào. Người ta phát hiện túi nilon khi cống nước bị tắc, tìm thấy trong bụng cá khi cá chết, thậm chí nilon phấp phới cả trên không trung.

Trước tác hại to lớn của túi nilon đối với con người và môi trường, một số nước phát triển trên thế giới đã có những biện pháp thay thế và hạn chế tác động của nilon. Ở Việt Nam cũng có những công trình nghiên cứu để giải bài toán về vấn nạn nilon. Tuy nhiên nó chưa thể là giải pháp toàn diện và đồng bộ vì nhiều lý do khác nhau. Cách đây vài tháng, trong số hơn 25.000 bạn đọc VnExpress được hỏi, có đến 92% muốn Chính phủ cấm dùng túi nilon hoặc giảm dùng dần vì tác hại của nó. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có nghiên cứu hoặc động thái nào về vấn đề này.

Một điều đáng ngại là trước sự lan tràn của túi nilon, khi chưa có một giải pháp tích cực của cơ quan chính quyền, thì người dân lại vô tư… sống chung với nó. Họ chưa coi đó là một sự ô nhiễm môi trường, bởi họ chưa nhìn thấy những thay đổi trực tiếp của môi trường chung quanh. Người sử dụng túi nilon không hề biết rằng, đằng sau những chiếc túi nilon đủ màu sắc, kích thước, nhiều dáng vẻ và mịn mỏng kia là một kết cục không có hậu cho môi trường.

Không chỉ có sự thờ ơ của người dân, có rất nhiều ngành trực tiếp thải ra khối lượng túi nilon lớn như bệnh viện, siêu thị… mà không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Vẫn nằm yên trong đất

Nilon ngày một dày thêm trong lòng đất. Con người dùng túi nilon như một thói quen cố hữu mà không hề nghĩ tới cách loại bỏ hay thay thế. Có thể họ có nghe đôi điều về tác hại của nilon, tuy nhiên những điều đó chưa được phổ biến sâu rộng, giáo dục ý thức một cách liên tuc, kịp thời. Đôi khi muốn thay thế nhưng lại do kinh tế hoặc sản phẩm thay túi nilon trên thị trường chưa có sẵn. Và cứ thế, theo thời gian, nilon trở thành thách thức. Thái độ thờ ơ của chúng ta cần được thay bằng sự chung tay góp sức để gìn giữ và bảo vệ môi trường sống tốt hơn.

 

Ông Norihisa Hitara, chuyên gia về mảng Phân loại rác tại nguồn của Dự án 3R-HN (Dự án giảm thiểu - tái sử dụng và tái chế rác, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA hỗ trợ Hà Nội) cho biết: Túi nilon nguy hiểm cho môi trường ở chỗ nó có độ bền cơ học cao nên rất khó phân hủy. Chúng hầu như không phân hủy khi chôn xuống đất, trừ phi bị đốt hay có phản ứng hóa học nào đó. Vì thế, túi nilon được xem là một trong những loại rác khó phân hủy nhất thế giới. Đã đến lúc nên vận động người Việt Nam chấm dứt sử dụng loại nilon này, vì vấn đề rác thải và môi trường rất gần gũi với chúng ta.

(Nguồn: VnExpress ngày 14-7-2008)

 

PHẠM HƯNG

;
.
.
.
.
.