.
Thời sự và bàn luận:

Cơ chế để công chức dưỡng liêm

Gợi ý để đại biểu HĐND thành phố thảo luận cho nhiệm vụ của năm 2009 tại kỳ họp thứ 12, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh nêu một đề xuất: Lập Quỹ hỗ trợ công chức (tạm gọi là Quỹ dưỡng liêm) để phòng chống tham nhũng trong cán bộ, công chức khi thực hiện thí điểm Chính quyền đô thị.

Theo đó, hằng tháng công chức sẽ được hỗ trợ một số tiền cụ thể ngoài lương nhưng chỉ được nhận 1/3. Số còn lại chuyển vào sổ tiết kiệm, chỉ đến khi nhận quyết định nghỉ hưu mới được nhận toàn bộ số tiền. Nếu khoản hỗ trợ này từ 5-7 triệu đồng một năm thì đến khi nghỉ hưu, công chức sẽ có một khoản tiền lớn có thể yên tâm an dưỡng tuổi già hoặc sử dụng vào những việc hệ trọng của gia đình. Tuy nhiên, có điều kiện ràng buộc:
 
Trong suốt những năm đương chức phục vụ dân, công chức ấy không vi phạm kỷ luật, không nhũng nhiễu, vòi vĩnh dân, không có hành vi tham nhũng mới được hưởng trọn số tiền ấy. Cũng có ý kiến cho rằng: Đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, có cần thiết làm như thế không? Vâng, có luật và luật đang được áp dụng nhưng hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, hối lộ cũng tự biến hóa ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Tâm lý nếu lỡ bị phát hiện thì cũng là “hy sinh đời bố, củng cố đời con” cũng còn hữu dụng. Sau khoảng 15-20 năm, có thể công chức đã thăng tiến, đạt được một vị trí nhất định trong bộ máy Nhà nước. Lúc đó, công chức có khả năng dùng ảnh hưởng chức vụ mà mình nắm giữ để nhũng nhiễu, mưu lợi cá nhân trong việc ra quyết định. Cùng lúc ấy, số tiền tiết kiệm từ “Quỹ dưỡng liêm” cũng đã khá lớn. Khi quyết định có thực hiện hành vi tham nhũng hay không, công chức sẽ phải cân nhắc, lựa chọn.

Nếu bị phát hiện, trước hết là kết quả bao năm phấn đấu, uy tín, danh dự cán bộ trước cơ quan, cấp trên, cấp dưới và trước nhân dân sụp đổ. Cùng với việc bị xử lý kỷ luật, xử lý theo pháp luật, công chức cũng mất trắng số tiền tiết kiệm để dưỡng già mà có khi còn lớn hơn cả giá trị của lần tham nhũng bị phát hiện. Trước hậu quả thiệt đơn, thiệt kép sẽ buộc công chức phải suy nghĩ, cân nhắc thận trọng.

Mục đích của Quỹ dưỡng liêm không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà cũng có ý nghĩa động viên công chức phấn đấu, nuôi dưỡng sự liêm chính, tận tụy với dân. Những ai gìn giữ được và hưởng trọn số tiền ấy cũng là sự vinh danh, tưởng thưởng cho những công chức mẫn cán và liêm chính. Chưa có quy định nào cả, vậy Đà Nẵng căn cứ vào đâu để đưa ra cơ chế này.

Chủ tịch HĐND thành phố đã trích dẫn Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị (về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước) có phương án trình Chính phủ phê duyệt thí điểm một số cơ chế mới chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp. Đây chính là định hướng về chủ trương của Đảng để Đà Nẵng mạnh dạn thực hiện nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu vận hành chính quyền đô thị. Tuy nhiên, cũng cần tính toán kỹ càng xây dựng đề án khả thi.

Trong đó quy định áp dụng với đối tượng nào, nguồn kinh phí từ đâu. Xây dựng “Quỹ dưỡng liêm” phải gắn liền với cơ chế sàng lọc, tuyển chọn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cao, tổ chức bộ máy một cách khoa học, hợp lý và cần có lộ trình thực hiện.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.