.
TiẾn tỚi kỶ niỆm 40 nĂm chiẾn công cỦa MẸ Nhu và 7 DŨng sĨ Thanh Khê (26-12-1968 – 26-12-2008)

Trận đánh huyền thoại: Kỳ I - Mẹ hy sinh để bảo vệ các con

.

Sơ đồ trận đánh của 7 Dũng sỹ Thanh Khê.
LTS: Sau chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân-1968, Mỹ-ngụy chưa kịp hoàn hồn thì lực lượng biệt động thành Đà Nẵng đã mở hàng loạt cuộc tấn công trong nội thành, gây cho địch nhiều tổn thất. Trong đó, trận đánh của 7 Dũng sĩ Thanh Khê là một trong những trận đánh xuất sắc tiêu biểu của biệt động thành Đà Nẵng. Trận đánh cũng ghi dấu sự hy sinh cao cả của Mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh), một cơ sở cách mạng kiên trung. Hướng tới kỷ niệm 40 năm chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968 - 26-12-2008),  Báo Đà Nẵng giới thiệu lại diễn biến của trận đánh lịch sử này.

Kỳ I: Mẹ hy sinh để bảo vệ các con

Trong chiến dịch Đông 1968, đêm 23-12, đội biệt động quận Nhì tập kích đồn lính bảo an Phú Lộc. Đánh xong, các chiến sĩ  biệt động rút về chia làm hai tổ trú ẩn trong hầm bí mật tại nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền ở khu phố Thanh Khê. Tổ trú ẩn tại nhà mẹ Nhu gồm: Lữ Hùng, Quận đội phó; Trần Thanh Trung, Nguyễn Văn Huề, Nguyễn Thị Tám (Tuyết). Tổ khác gồm: Nguyễn Văn Phương, Trung đội trưởng; Nguyễn Văn Mười, Trung đội phó, Trần Chi (Nguyễn Văn Chi) và Võ Văn Năm, Tiểu đội phó, cán bộ đặc công quận Nhì. Mờ sáng ngày 26-12-1968, những chiếc GMC nối đuôi nhau lao trên các ngả đường vào Thanh Khê. Những tên cảnh sát áo trắng, cảnh sát dã chiến cùng với bọn bình định nông thôn, nghĩa quân rải dọc theo đường Trần Cao Vân vòng qua ngã tư Thanh Khê, làm thành ba mũi áp sát khu vực Thanh Khê 4 và Thanh Khê 5, nhằm khống chế các lối ra vào nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền. Trong khi bà con vẫn chưa thức giấc thì bọn cảnh sát dã chiến đã ập vào ngõ nhà mẹ Nhu.

Từ phòng ngoài, mẹ Nhu quay vào hối hả giục các chiến sĩ biệt động xuống hầm.  Các chiến sĩ biệt động nhanh chóng lao xuống hầm. Lúc này chỉ có Trung, Huề, Tuyết còn Lữ Hùng đi từ đêm qua vẫn chưa về. Ba người không hiểu tại sao địch lại biết hầm nằm trong nhà mẹ Nhu, vì ngoài mẹ Nhu và Hai Long, con trai mẹ Nhu và anh em trong tổ ra, không còn ai biết hầm bí mật này. Bấy giờ, mọi người vẫn chưa biết là Lữ Hùng đã phản bội, chỉ điểm cho địch đến vây bắt đội biệt động. Tại nhà mẹ Nhu, bọn lính chia nhau số xộc thẳng vào sân, tay lăm lăm chĩa súng, đảo mắt sục tìm quanh nhà; số còn lại dàn thành hàng ngang canh giữ trước ngõ.

Hai Long vừa bước ra sân đã bị chúng chặn lại hỏi: “Hầm ở đâu? Chỉ mau!”. Hai Long bình thản trả lời: “Nhà tôi không có hầm chi cả. Ông lầm rồi đó”. Tên chỉ huy vừa hỏi vừa đấm thẳng vào mặt Hai Long, quay sang ra lệnh cho bọn cảnh sát đánh anh đến bất tỉnh rồi mang anh đi. Tên chỉ huy đến trước mặt mẹ Nhu quát hỏi: “Hầm ở đâu? Hay mụ cũng muốn nếm mùi như thằng con mụ”. Mẹ Nhu lớn tiếng: “Nhà tui ở giữa thành phố như ri làm chi có hầm hố. Tui không biết. Răng không đâu các ông lại đánh đập con tui rồi bắt mang đi. Trời ơi, con tui có tội tình chi?”. “Mụ già ni cứng đầu thiệt. Hầm ở đâu? Khai ra!”. Tên chỉ huy thẳng tay tát mẹ Nhu.

Bà Nguyễn Thị Tám (Tuyết): Tôi và đồng đội luôn tri ân mẹ Nhu hy sinh để bảo vệ chúng tôi, bảo vệ cách mạng. TRONG ẢNH: Tám Tuyết bên phần mộ mẹ Nhu.
Mẹ gượng đứng thẳng người. Bọn lính đánh mẹ tới tấp. Mẹ vẫn lặng thinh. Một lúc lâu, đến trước mặt tên chỉ huy, mẹ Nhu bình tĩnh nói lớn: “Đây, mấy ông có bắn tui thì bắn. Tui đã nói là không biết chi hết”. “Con mẹ già này gan thật. Dám thách hả?”. Tên chỉ huy hằm hằm chĩa súng vào ngực mẹ Nhu, bóp cò. Mẹ ôm ngực ngã xuống, chết ngay trên sân.

Địch cho máy bay lượn quanh nóc nhà mẹ Nhu phát loa gọi hàng: “Hỡi các chiến sĩ biệt động! Chúng tôi đã bao vây khắp nơi. Các bạn không còn con đường nào khác để thoát thân. Các bạn hãy buông súng quay về với chính nghĩa quốc gia. Chính phủ quốc gia sẵn sàng khoan hồng cho các bạn…”. Đồng thời chúng ra lệnh cho bà con những nhà chung quanh: “Để an toàn tính mạng, yêu cầu đồng bào hãy tránh xa nơi đây. Hãy nhanh chóng di tản…”. Chờ mãi không thấy các chiến sĩ biệt động ra hàng, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn cảnh sát dùng dùi sắt xăm hầm…

(Còn nữa)
      P.V                                        
(Theo tài liệu tuyên truyền 40 năm Chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê,  do Ban Tuyên giáo Quận ủy Thanh Khê cung cấp)

;
.
.
.
.
.