.
Tiến tới kỷ niệm 40 năm chiến công của Mẹ Nhu và Dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968 – 26-12-2008)

Trận đánh huyền thoại: Kỳ II - Trận chiến quyết tử

.

Ngồi dưới hầm, các chiến sĩ biệt động xác định: Dẫu đang lâm vào thế bị động, nhưng không thể bó tay chờ chết. Có chết cũng phải đánh đến cùng để bảo vệ khí tiết và bảo toàn uy thế của cách mạng. Bằng giá nào cũng phải ra khỏi hầm, vừa cầm cự vừa tìm cách phối hợp với nhóm ở nhà mẹ Hiền để cùng chiến đấu. Ba người chuẩn bị súng AK và lựu đạn.

        >> Kỳ I: Mẹ hy sinh để bảo vệ các con
 

 Bốn Dũng sĩ Thanh Khê: Tám, Trung, Mười, Phương gặp nhau tại căn cứ sau trận phản kích tại nhà mẹ Nhu, mẹ Hiền.(Ảnh tư liệu)

Huề tung nắp hầm, hai tay cầm hai quả lựu đạn ném vào đám lính trước mặt. Trên miệng hầm, bọn địch nhốn nháo hỗn loạn. Tên chỉ huy khoát tay ra lệnh ném lựu đạn cay xuống hầm hòng bắt sống các chiến sĩ biệt động. Trung lập tức lao theo, dùng AK quạt ra chung quanh hỗ trợ cho Huề. Tuyết cũng lên khỏi hầm giữa làn lửa đạn đan lấy nhau.

Huề và Trung dùng AK mở đường, tìm cách dạt sang nhà bên cạnh. Bọn lính rùng rùng bắn đuổi. Chúng không dám xáp vào, chỉ men theo bờ rào nổ súng. Dưới làn mưa đạn của địch, ba người vừa bắn yểm trợ cho nhau vừa tìm cách luồn qua nhà chú Tư sau nhà mẹ Nhu. Từ chỗ ẩn nấp mới, các chiến sĩ biệt động lại tiếp tục phản công. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, họ đã chặn đứng được năm đợt tấn công của địch, diệt hàng chục tên lính. Tình thế bỗng chốc thay đổi. Bọn địch bị dồn vào thế bị động. Nghe tiếng súng mỗi lúc một dồn dập, những tên lính phục đầu con dốc vào nhà mẹ Nhu hối hả chạy đến hỗ trợ.

Các chiến sĩ biệt động ở nhà mẹ Nhu lần lượt chuyển đến khu vực nhà mẹ Hiền để phối hợp chiến đấu. Đang đi, gặp tên Kiểm Tương là ấp trưởng làm tay sai cho địch nổi tiếng ác ôn, Tuyết bắn chết hắn tại chỗ, đoạt lấy khẩu các-bin.

Lúc này, địch đã huy động thêm một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và gần một đại đội lính Mỹ từ hai hướng biển Thanh Khê lên và quốc lộ 1A xuống chi viện. Cùng với lực lượng trụ sẵn, chúng đóng giữa các trục giao thông và án ngữ mặt biển thuộc khu vực này. Mọi ngả đường ra vào đều bịt kín. Tình thế đã trở nên nghiêm trọng và quy mô tác chiến đã vượt quá dự kiến ban đầu của địch. Để đối phó với đội biệt động có bảy người trên một địa bàn hẹp, chúng đã phải huy động một số quân thiện chiến của quân ngụy, có cả cố vấn Mỹ và lính Mỹ tham gia.

 Một mũi tấn công của biệt động thành Đà Nẵng năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Chúng vẫn cho máy bay gọi hàng. Tuyết, Trung, Huề len giữa các nhà tiến về phía biển. Từ xa, ba người đã thấy bóng những tên Mỹ và thủy quân lục chiến phục dày ven bờ. Họ nhanh chóng chuyển lên hướng Hà Khê, tránh vòng vây của địch. Trên đường đi, Huề bị thương. Trung xốc nách Huề lôi ra sau bức tường ngôi nhà gần đó. Tuyết đi theo bắn yểm trợ. Nhìn đồng đội, Huề nói giọng khẩn thiết: “Đừng vì tôi mà hy sinh cả tổ. Các đồng chí hãy đi ngay đi”.
 
Anh quay sang trao khẩu AR15 cho Tuyết, dặn dò: “Cầm lấy để tiếp tục chiến đấu. Đưa cho tôi quả lựu đạn, tôi sẽ sống chết với bọn chúng”. Tuyết đặt quả lựu đạn vào tay Huề, cầm lấy súng rồi cùng Trung sang nhà bên canh chừng cho Huề. Bọn địch bắt dân vào thăm chừng xem Huề đã chết chưa. Huề bảo mọi người quay ra, nằm yên chờ bọn lính đến. Không thấy động tĩnh gì, bọn chúng kéo vào. Chờ chúng đến gần, Huề rướn người, tung lựu đạn vào đám lính. Huề hy sinh và nhiều tên lính bỏ mạng. Nghe tiếng nổ, bọn lính sửng sốt. Vậy là để đánh đổi một sinh mạng của đối phương, bọn chúng đã phải trả một giá đắt.

Sau cái chết của bọn lính vào lấy xác Huề, tên chỉ huy tức tối hạ lệnh bằng mọi cách phải bắt sống các chiến sĩ biệt động còn lại. Nấp trong nhà nhìn ra, Tuyết và Trung thấy bọn lính tiến vào. Hai người bình tĩnh nhằm từng tên bóp cò. Những tên đi sau vội chạy tháo lui. Đợt tấn công bị đẩy lùi.
 
Nhìn thấy con dao trong góc nhà, chợt nhớ đến mái tóc dài đã gây vướng trong lúc vượt rào ban sáng, Tuyết buộc lòng nhờ Trung cắt hộ trước khi tiếp tục chiến đấu. Một hồi lâu dừng lại nghe ngóng, những tên lính đùn đẩy nhau chĩa súng vào ngôi nhà Tuyết và Trung đang ẩn nấp nhưng cả hai người đã chuyển sang nhà khác. Cứ vậy, những ngôi nhà ẩn mình sau các lùm cây, lượn vòng ôm lấy các con hẻm đã tạo thành vành đai kiên cố chở che cho hai chiến sĩ…

P.V
(Theo tài liệu tuyên truyền 40 năm chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, do Ban Tuyên giáo Quận ủy Thanh Khê cung cấp)

;
.
.
.
.
.