Sau một năm thực hiện, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) của Chính phủ đã chứng minh được hiệu quả khi những con số thống kê cho thấy, việc đội MBH bắt buộc đã tác động mạnh mẽ tới việc giảm các ca thương tích và tử vong do tai nạn giao thông đường bộ. Hơn nữa, chiếc MBH giờ đây gắn liền với cuộc sống thường nhật của mỗi người dân và trở thành một nét văn hóa trên đường phố Việt Nam.
Giờ đây, nếu đi mô-tô trên đường phố mà không đội MBH, lập tức bạn sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người bởi vì bạn không những vi phạm luật mà còn trở nên lạc lõng giữa “một rừng MBH”. MBH đã và đang trở thành một nét văn hóa, khi là nét văn hóa thì vừa mang tính gắn kết, tính cộng đồng, vừa ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ…
Việc thực hiện đội MBH được cho là thành công, nhưng đây chỉ mới là bước thành công ban đầu bởi sau nó là vấn đề “hậu trường” MBH. Theo khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng An toàn Việt Nam vào đầu năm 2008, 80% MBH trên thị trường không đạt các tiêu chuẩn quốc gia là con số quá lớn.
Cho dù Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định 04/2008/QĐ-BKHCN, yêu cầu tất cả MBH trước khi bán ra thị trường phải được chứng nhận đủ tiêu chuẩn quốc gia, bảo đảm chỉ những MBH chất lượng cao mới được sử dụng tại Việt Nam, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát cần phải được tiến hành thật sự nghiêm túc, xử lý vi phạm triệt để. Thêm vào đó là việc người điều khiển phương tiện giao thông đội MBH mà không cài đúng cách, không cài quai, hay việc chỉ mang MBH để đối phó mà không đội…
Thực tế, thi hành luật nghiêm ngặt và áp dụng chế tài mạnh đối với những ai không tuân thủ luật lệ là những cách tốt nhất để bảo đảm người dân thay đổi hành vi và cài quai MBH. Cũng giống như Chính phủ Singapore đã coi việc bảo vệ môi trường sinh thái là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát, bảo vệ.
Một loạt các văn bản liên quan đến pháp luật về môi trường được ban hành, đi kèm theo các biện pháp cưỡng chế. Đến Singapore, nếu bạn vất một mẩu thuốc lá hoặc rác ra đường phố, hoặc hút thuốc nơi không có gạt tàn, bạn sẽ bị phạt khoảng 500 đô la Singapore và có thể mức cao hơn thế. Với người dân Singapore, nếu vi phạm không những bị phạt tiền mà còn bị mặc chiếc áo có in dòng chữ “con sâu rác rưởi”, trường hợp tái phạm sẽ bị đưa hình ảnh lên mặt báo.
Thiết nghĩ, biện pháp chế tài là cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là ý thức của người dân - người tham gia giao thông. “MBH cứu mạng sống” - thông điệp do tiến sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đưa ra đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa. Những người tham gia giao thông sau một ngày làm việc tất bật được trở về nhà bình an hoặc nhiều người được cứu sống sẽ thầm cảm ơn chiếc MBH. Tai nạn giao thông giảm đi, gánh nặng của xã hội cũng vơi phần nào, nhiều người sẽ có thêm niềm vui để tận hưởng cuộc sống cùng gia đình và chào đón một mùa xuân mới.
Trong 11 tháng của năm 2008, tức là chỉ sau gần 1 năm áp dụng việc bắt buộc đội MBH, tai nạn giao thông đường bộ giảm 1.486 người chết (giảm 12,86%), giảm 2.435 người bị thương (giảm 25,45%) so với 11 tháng của năm 2007. Bộ Y tế cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, số người bị chấn thương sọ não giảm 24,8%, số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện vì tai nạn giao thông giảm 5,9%.
THIÊN BÌNH