.

Cẩm Lệ phát triển mạnh thương mại - dịch vụ

.

Qua hơn 3 năm thành lập đơn vị hành chính cấp quận (29-8-2005), Cẩm Lệ đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi mặt, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng được củng cố và tăng cường. Đây chính là tiền đề quan trọng, là nhân tố không thể thiếu để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Cẩm Lệ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một góc khu phố mới Cẩm Lệ.

Là một quận nằm ở phía Nam thành phố, Cẩm Lệ có tổng diện tích 3.330ha và trên 70 nghìn nhân khẩu, với 6 đơn vị hành chính trực thuộc là Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Phát và Hòa Xuân.

Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, tạo bước đột phá về tăng trưởng, kinh tế của quận Cẩm Lệ đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Trong 2 năm 2006 - 2008, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng bình quân 18,4%; giá trị ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16,6%; giá trị ngành thương mại dịch vụ tăng 24%; thu ngân sách Nhà nước tăng 26%... Đặc biệt, năm 2008, một số chỉ tiêu đều tăng cao hơn so với năm 2007 như: dịch vụ tăng 21,6%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 28,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,5% và thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.

Ngay trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Ðảng bộ quận lần thứ I, lãnh đạo quận Cẩm Lệ đã xác định mục tiêu quyết tâm xây dựng quận Cẩm Lệ đến năm 2010 phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng đô thị, tạo thế và lực để phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển để hấp dẫn thu hút đầu tư.

Cẩm Lệ là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển về thương mại - dịch vụ, bởi ngoài khu công nghiệp Hòa Cầm, cụm công nghiệp Phước Lý, Cẩm Lệ còn có siêu thị Nhật Linh, khu phố chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa An, Bến xe Trung tâm và Trung tâm Hội chợ - triển lãm quốc tế sẽ là trung tâm mua sắm cho khách hàng; nhiều phường trên địa bàn quận đang phát triển mạnh một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề mộc, chế biến đồ gỗ cao cấp, thêu tranh, làm bánh khô mè, dệt chiếu, thảm...

Với vị trí thuận lợi, cùng với tiềm năng về đất đai, tài nguyên, con người, những năm qua nhiều loại hình dịch dịch vụ như: văn phòng cho thuê, vận tải, thông tin-viễn thông… được hình thành và có bước phát triển khá.

Trong năm 2008, đã có 166 doanh nghiệp và 320 hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 588 doanh nghiệp và 2.100 hộ cá thể, với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển để sau năm 2010 thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị thương mại - dịch vụ.

Chính vì vậy, quận Cẩm Lệ đang đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ, phấn đấu tăng giá trị  thương mại - dịch vụ bình quân hằng năm lên 25-26%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng khoảng 25%.

Để thực hiện được mục tiêu đó, quận Cẩm Lệ cần phát huy lợi thế của Trung tâm Hội chợ - triển lãm quốc tế, vùng phụ cận của khu công nghiệp Hòa Cầm, Bến xe Trung tâm, các khu dân cư mới và các trục đường chính để hình thành các loại hình dịch vụ có lợi thế, phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, quận cũng cần phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương để tập trung sản xuất hàng hóa có chất lượng cao. Ðẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, coi đây là khâu đột phá quan trọng để phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.
                     
Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.