.

Cảm xúc bên sông Hàn

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng quê tôi không phải là địa phương có nhiều sông hồ, cả về số lượng và chiều dài như nhiều địa phương khác ở nước ta. Nếu nói về nơi này, người ta thường nghĩ về những bãi biển.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng được nhiều người biết đến với cái tên Sông Hàn, con sông đẹp và thơ mộng, trông giống như dải lụa xanh vắt ngang qua thành phố, nơi có cây cầu quay “độc nhất vô nhị” của cả nước bắc qua. Nói đến Đà Nẵng, người ta cũng thường gọi đó là “Thành phố Sông Hàn” hay còn gọi là “Thành phố đầu biển cuối sông”…

Sông Hàn như dải lụa vắt qua thành phố.


Nhớ lại những năm đầu sau giải phóng, lũ học trò chúng tôi, mỗi lần sau giờ tan học lại rủ nhau đạp xe chạy dọc hết con đường Bạch Đằng để hít thở không khí trong lành, man mát làn gió sông pha chút vị mặn của biển. Thỉnh thoảng, lại tranh thủ ghé vào dãy ghế đá bờ sông, giành nhau chỗ ngồi để ngắm tàu bè qua lại, nhìn những “ông lữ” miệt mài bên chiếc cần câu và tán gẫu đến quên cả giờ về.

Hôm nào cha mẹ cho được ít tiền thì còn “chiêu đãi” nhau làm ly nước mía, nước dừa. Nên nhớ là, không phải lúc nào cũng có chỗ ngồi vì hàng ghế không nhiều lại thường hay bị những cặp tình nhân dành mất chỗ, nhất là vào buổi tối lại càng khó khăn, nhiều khi phải ngồi trên xe chống chân xuống để vơi đi “cơn thèm”.

Những năm của thời bao cấp, đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn muôn vàn khó khăn. Trong khi đó, trong một thời gian dài cái tên Đà Nẵng chỉ được biết đến như là một thành phố loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, mặc dù trước giải phóng nó là thành phố lớn thứ 2 của miền Nam. Sự sầm uất, đông đúc chỉ tập trung ở vài con đường như Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Bạch Đằng…, mà cụ thể hơn, sự phát triển cũng chỉ ở một nửa thành phố, ở bờ Tây sông Hàn.

Nửa còn lại, “mặt tiền phía biển” của thành phố, dù đến nay đã chứng tỏ vị thế quan trọng của nó, nhưng khi ấy, cũng chỉ vì sự ngăn cách của con sông và sự “địa phương hóa” về đô thị mà nhếch nhác, xập xệ đến nao lòng. Nhìn từ bên này sông qua bên kia bờ Đông thật khác biệt, hàng ngày có những chuyến phà nhọc nhằn, ì ạch chở khách qua lại hai bờ.

Nói là qua “quận 3” mà cảm tưởng như đi đến vùng ngoại thành. Đập vào mắt rõ nhất là dãy nhà chồ tồi tàn ven sông, những chiếc thuyền bé nhỏ mong manh, tưởng như rất dễ bị sóng của những con tàu chạy qua nhấn chìm. Bọn trẻ chúng tôi muốn qua bên kia sông để đi tắm biển Mỹ Khê hay đi chơi Bãi Bụt, Suối Đá… không phải cứ thích là đi ngay được. Lúc thì chen chúc lên phà, khi thì vòng lên tận cầu Nguyễn Văn Trỗi để qua bên ấy.

Có thể nói, Sông Hàn là bộ mặt Đà Nẵng vào những năm tháng đó, những hình ảnh mà nay vẫn còn lưu lại trong ký ức của không ít người dân Đà Nẵng hôm nay. Vất vả mưu sinh - nhọc nhằn kiếm sống và nỗi buồn mênh mông, không giấu nổi trên mỗi khuôn mặt con người.

Bao nhiêu thế hệ con người Đà Nẵng đã lớn lên
bên dòng sông Hàn.

Những năm 79 – 80 của Thế kỷ trước, lứa tuổi chuẩn bị rời mái trường phổ thông chúng tôi, theo tiếng gọi non sông, đứa lên đường ra mặt trận Tây Nam, người thì lên đường đến giảng đường đại học trong Nam ngoài Bắc, trước khi lên đường, không mấy ai mà quên ghé lại để tạm biệt con sông Hàn trước lúc lên đường. Con sông đã gắn bó với chúng tôi như người bạn, cùng lớn lên và chứng kiến chúng tôi ra đi và đón chào chúng tôi trở về, dù chỉ là để ghé thăm.

Tôi có cảm nhận, con Sông Hàn, dù trong dù đục, khi hiền hòa cũng như lúc cuộn sóng, đều rất đỗi thân thương với đa số người Đà Nẵng. Những đứa con xa quê, dù ở đâu cũng nhớ về con sông quê đầy kỷ niệm đều nói đến nó với sự trìu mến và ca ngợi nó với bạn bè, nhiều khi đến mức cực đoan. Tôi đã từng được đọc một trang web của những sinh viên Đà Nẵng đang học tập ở Nhật Bản, thấy rằng, rất nhiều bạn cùng một suy nghĩ về con sông Hàn, coi dòng sông này không chỉ chứng kiến sự trải mình của thành phố mà nó còn chứng kiến tất cả một thế hệ lớn lên trong sự vui buồn của một thời học sinh ngây thơ trong trắng.

Dòng sông Hàn đã cùng với Đà Nẵng trải qua bao thăng trầm, biến cố để rồi đến một ngày chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu không ai có thể phủ nhận. Đà Nẵng trực thuộc trung ương năm 1997, rồi cây cầu quay khánh thành năm 2000, tiếp đến là việc Đà Nẵng được công nhận là “đô thị loại 1” năm 2003... Có thể nói, con sông Hàn đã trở thành chứng nhân cho sự “thay da đổi thịt”, sự chuyển mình, đổi mới của thành phố quê hương.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày cầu sông Hàn được khánh thành, một sự kiện lớn mang tính lịch sử đối với người Đà Nẵng. Ai cũng tranh thủ đi qua cây cầu để nhìn ngắm và trầm trồ, chỉ riêng ba tôi, do bệnh hiểm nghèo, phải nằm trên giường bệnh. Thế mà, cứ mỗi lần mở mắt là lại đòi con cái kể chuyện về “cây cầu thế kỷ” cho ông nghe. Và cuối cùng chị em tôi cũng làm cụ nguôi ngoai phần nào trước lúc nhắm mắt đi xa. Cụ đã được chúng tôi thuê taxi chở đi ngắm Sông Hàn từ trên “cây cầu mới trong mơ” một lần duy nhất trong đời.

Giờ đây, chở hai đứa con đi trên con đường Bạch Đằng, con đường ven sông có thể xem là đẹp nhất nước, tôi thường kể cho con nghe về con sông đã gắn bó tuổi thơ của thế hệ cha anh chúng như thế nào, trải nghiệm được những đổi thay diệu kỳ của thành phố. Tất nhiên, không quên kể cho chúng nghe về những chuyến phà, về những dãy nhà ổ chuột phía bờ bên kia chênh vênh trong sóng nước, để chúng hiểu thành phố này bây giờ to đẹp đến nhường nào. Cây cầu quay và nhiều cây cầu nữa đã và sẽ nối tiếp nhau ra đời để nối hai bờ của dòng sông Hàn, đã đẹp nay lại càng đẹp và hiện đại hơn. Những công trình mới đã, đang và sẽ mọc lên hai bên bờ sông Hàn, nó như những đóa hoa điểm xuyến thêm cho vẻ đẹp của “dải lụa xanh” mang tên “Sông Hàn”.

Một mùa xuân nữa lại về trên Đà thành dấu yêu. Đứng trên cầu quay trong những ngày đầu xuân, phóng tầm mắt ra bốn hướng, lòng tôi lại xốn xang một niềm vui khó tả, một cảm giác tự hào xen lẫn yêu thương bắt nguồn từ hai tiếng Sông Hàn, đang dâng ngập tràn trong lòng tôi.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.