.

Chuyện về Năm Dừa: Bài 1 - Vượt lũy tre làng

LTS: Nhân kỷ niệm 41 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2009), Báo Đà Nẵng xin giới thiệu ghi chép CHUYỆN VỀ NĂM DỪA - một trong những cán bộ của thành phố Đà Nẵng trong những năm chống Mỹ, cứu nước.

Tên trên giấy tờ của anh là Nguyễn Thanh Năm. Nhiều người biết anh từ  tên gọi Năm Dừa. Anh em chiến hữu, báo chí, văn nghệ sĩ gọi anh Năm Dừa. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục lấy tư liệu về đời hoạt động của anh, hư cấu tên Năm Dừa thành nhân vật Ba Đoát trong tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu”. Đoát là một loại cây họ dừa, thân xù xì, sống trên rừng, không có trái như dừa nhưng ruột thân đoát ăn rất ngon và có thể làm rượu đoát uống như rượu cần... Từ khi tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” được xuất bản, rồi gặp sự cố rùm beng một thời gian, anh em gặp Năm Dừa thường chào anh Ba Đoát.

Vốn là đứa con của một người vợ lẻ, chẳng may cha chết khi Dừa mới ba tuổi, mẹ lại bị nhà chồng và mẹ lớn đuổi, phải bồng Dừa đi làm thuê, rồi đi bước nữa, đẩy Dừa vào cuộc sống không cha, xa mẹ nên phải ở nhờ nhà cậu Bờ (Lại). Nhà cậu lại quá nghèo, rồi mẹ lại bị cậu mai mối đi thêm một bước nữa, Dừa chỉ còn cách đi ở đợ cho người ta kiếm cơm, hết ở cho nhà bà Lãnh, đến ở cho nhà ông Trầu.
 
Khi đã lớn ngồng, khôn ra, không chịu đi ở, Dừa đi từ làng này qua làng khác gặp ai cần thuê thì làm, từ đẩy xe bò, gánh phân, chặt cây, rồi về ở nhà người anh, một buổi đi làm thuê, một buổi đi học lớp bình dân. Năm 1953, đã mười bốn tuổi, mới học lớp hai, Dừa xin vào du kích xã. Vừa kết nạp vào Đoàn Thanh niên thì đình chiến. Huyện ủy Điện Bàn lui vào hoạt động bí mật, Dừa trở thành cơ sở của Huyện ủy Điện Bàn khi anh Nguyễn Đức An làm Bí thư ở trong nhà của hai mẹ con Dừa. 

Từ mùa xuân những năm 1955-1957, ở tuổi mười tám, bà con quê anh chưa được hưởng một ngày hòa bình sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, thì bị kẻ thù xé nát Hiệp định Giơnevơ, Nguyễn Thanh Dừa không thể đứng nhìn những tên phản bội quê hương hống hách lên mặt, những kẻ phục thù bắt bớ, thủ tiêu và thi hành quốc sách “Tố Cộng” tàn khốc.

Vào một buổi sáng tháng ba năm 1955, có một kỷ niệm làm anh không thể nào quên. Ba anh em gồm anh Nguyễn Hồng Thắng, anh Đặng Ba và anh Đinh Thám cuốc đất rang trên đồng đất Cẩm Sa-Điện Nam, đến trưa dẫn vào nhà mẹ anh Năm Dừa ăn cơm, nghỉ. Không hẹn mà có Năm Dừa ở nhà nên rất vui. Bốn anh em đang ngồi ăn, nói cười thì bỗng thấy tay Trà bước vào nhà. Trà còn lạ gì những thanh niên trai trẻ làng Cẩm Sa, hắn chào hỏi qua loa rồi cáo từ.
 
Ở trong làng, không phải ai cũng thân nhau, nhưng ai tốt, ai có cảm tình với cách mạng, ai bám theo bọn tay sai để lòn cúi dựa dẫm, mọi người đều biết cả. Qua thái độ của Trà, mấy anh em nhận định tên này không tốt, cần đề phòng, nên ăn trưa xong, không nằm nghỉ trưa như mọi hôm, mỗi người uống một bát nước chè do mẹ của anh Năm Dừa bưng lên, liền đội nón, vác cuốc ra đồng cuốc đất. Biết sẽ không thể ở lại với đồng đất quê nhà lâu hơn, ba anh em nai lưng dưới nắng cuốc đất phơi ải cho xong đám ruộng khi mặt trời chưa xuống núi.
 
Nếu ở ngoài đồng, làm đến trưa, ăn uống, nghỉ, chiều lại ra đồng cuốc đất, thì không có gì phải bâng khuâng, đàng này lại tụ tập trong nhà anh Năm Dừa, tên Trà sẽ mách bảo và bọn chúng không bỏ qua cuộc tụm bốn này đâu. Tối đó anh em không ở trong nhà mình mà dặn nhau theo dõi bọn chúng, đúng như dự đoán, tối một lúc, một tốp chúng nó ghé lại từng nhà anh em “hỏi thăm”.
 
Đã dặn dò người nhà rồi nên nhà nào cũng nói đại khái hắn vừa ăn cơm tối, chắc ghé chơi nhà bạn bè, tán chuyện đâu đó. Như đã hẹn, anh Hồng Thắng dặn em là Nguyễn Hồng nói cho anh Nguyễn Tùng, Bí thư huyện biết ý định của anh em.

Bốn anh em gặp nhau trên nỗng cát sau nhà bà mẹ anh Hồng Thắng, gọi là nỗng bà Trùm Ngân, băng cát, băng đồng, băng qua đường số một, lên Điện An, lên Điện Thọ. Từ Giáng La-Điện Thọ, mấy anh em phối hợp với cán bộ và cơ sở Điện Thọ làm cuộc mít-tinh lên án bọn tay sai “Tố Cộng”, kêu gọi anh chị em thanh niên lên đường tham gia cách mạng. Sau cuộc mít-tinh đến tận khuya làm vang động cả xóm làng, mấy anh em chia tay với bà con dự mít-tinh, đưa thêm một số thanh niên thoát ly. 

Khi bốn anh em trai trẻ rời đám ruộng đang phơi ải, rời mẹ già lên chiến khu thì anh Nguyễn Đức An lập ra tổ “hành lang”, giao cho anh Năm Dừa làm tổ trưởng, có cơ sở tại Phong Hồ. Các anh bố trí anh Chín vào tổ hành lang, anh Chín lấy tên Nguyễn Hồng Thắng.

Lúc bấy giờ cả Điện Bàn chỉ còn lại anh Chín Chữ là cán bộ hợp pháp nhưng rồi thấy anh Chín Chữ ở lại không xong, ông Mười Khôi bảo anh Chín Chữ phải lên núi để giữ mạng, khi cần thì cho về lại đồng bằng, bắc nối cơ sở, gầy dựng lại phong trào.

Lên ở Tống Cói-Ô Rây, cả Năm Dừa và Chín Chữ đều không biết bơi, thế là, chiều lại, ông Mười Khôi bắt hai anh phải ra suối tập bơi. Gần nơi ở có một đoạn suối sâu, anh em gọi là “sông Hương”. Mỗi lần ra tắm “sông Hương”, ông Mười Khôi hòa sữa để trên bờ nói đứa nào bơi được lâu ông  cho uống sữa. Anh Chín Chữ tức lắm, miệng lầm rầm nhưng cũng cố tập bơi.

Nhờ vậy mà sau này, khi các ông đưa anh Chín Chữ về lại đồng bằng hoạt động, nhiều lần bị địch vây, Chín Chữ bơi qua sông thoát chết, lại thầm cảm ơn ông Mười Khôi. Nhưng rồi không may, bị Chín Quỳ (Tín) phản, anh Chín Chữ bị bắt ở La Thọ, địch dùng cực hình tra tấn, lấy dây cột Chín Chữ cho bò kéo, trầy mặt trầy mày, rồi chết.

Năm Dừa nghe các anh nói, một hôm anh Ngô Dinh, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn đang họp với nhân dân La Thọ Bắc để giải thích điều 14C của Hiệp định Giơnevơ, trong đó nói rõ việc nghiêm cấm trả thù những người kháng chiến cũ thì bọn dân vệ ở khu hành chính Thanh Quýt kéo xuống, bắt anh Ngô Dinh đưa về giam ở nhà lao Vĩnh Điện.

Bị tra tấn rất dã man, anh cắn răng không hề khai báo. Vì không chịu thấu những đòn tra tấn hiểm ác của bọn tay sai, anh đã hy sinh ngay trong nhà tù. Tỉnh ủy liền chỉ định anh Nguyễn Tùng làm Bí thư Huyện ủy. Lúc bấy giờ ông Mười Khôi đang ở vùng cát, cũng là thời kỳ bộ răng ông bị lung lay không nhai được cơm. Ông là cán bộ tỉnh đứng phụ trách Điện Bàn.

Trong lúc tình hình khó khăn, căng thẳng ấy thì có kẻ phản bội, khai đường dây nối từ Bích Trâm-Điện Hòa xuống Viêm Tây-Điện Thắng. Nghe các anh nói về sự phản bội và tính chất thâm ác của bọn chống cộng, Năm Dừa không hề nao núng mà càng thêm quyết tâm, không sợ gian khổ, không sợ chết, ngày đêm nối đường dây của Huyện ủy Điện Bàn luôn bị vây ráp, giao liên bị bắt bớ, một mình, trong đêm đen, anh băng ruộng, lội suối nối đường dây từ huyện lên đường dây của tỉnh trên núi Ô Rây-Hiên.

Ngày 12-12-1959, Nguyễn Thanh Năm được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Khi có Nghị quyết 15, Năm Dừa nhận quyết định về phụ trách đội vũ trang tuyên truyền của huyện Điện Bàn, thực hiện diệt ác, trừ gian ở các xã Điện An, Điện Thọ, Điện Phước, mở kèm cho bà con.

Khi bọn ác ôn, bọn hội đồng run sợ, ban ngày về làng vênh váo, tối rúc trốn,  thì anh nghĩ đến phải đánh bọn lính đóng đồn. Anh cải trang như một người đi mua lá keo về bón lót trồng khoai, vào sát hàng rào đồn địch ở đầu cầu Kỳ Lam nắm tình hình, xem xét địa hình rồi đưa một tổ chiến sĩ cải trang như lính ngụy giữa ban ngày vào diệt một trung đội bảo an. Tháng 7-1963, Đảng bộ Điện Bàn Đại hội lần thứ tư tại Ô Rây, Năm Dừa được bầu làm Huyện ủy viên dự khuyết.

Anh đưa quân xuống vùng đông đánh tan bọn dân vệ giữa ban ngày, bí mật rấm quân ở Viêm Đông ba ngày nhưng cơ sở nội tuyến không điều được trung đội tổng đoàn ra trận địa. Anh Võ Tiến, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, phụ trách vùng cát cùng với anh Nguyễn Hồng Thắng và anh Năm Dừa, bàn nếu ở lâu sẽ bị lộ, liền dẫn theo 10 chiến sĩ của Tỉnh đội tăng cường, vào thôn Đông Cẩm Sa - Điện Nam trụ lại đánh cho được. Nếu không đánh được bọn tổng đoàn thì phải đánh đại đội biệt lập có gần một trăm tên do Phạm Hàng chỉ huy.

Ở lại Cẩm Sa được bà con phục vụ cơm nước chu đáo. Biết anh em ở núi về, bà con bồi dưỡng cá, thịt làm các chiến sĩ vô cùng phấn chấn, tăng thêm quyết tâm đánh thắng quân thù, mở kèm cho vùng Đông. Khi tập trung ăn uống thì phát hiện còn thiếu một tiểu đội? Đang họp bàn, anh em nhận được tin báo lính biệt lập của Phạm Hàng đang từ cơ quan hội đồng Thanh Thủy kéo xuống Viêm Đông. Ba anh em quyết định trụ lại diệt đại đội biệt lập.
 
Bọn lính biệt lập di chuyển bất ngờ đụng tiểu đội của ta đi lạc, nổ súng. Chúng tưởng là du kích nên không đuổi theo. Ta tưởng lộ không thể vào Viêm Đông, liền bàn và giao nhiệm vụ cho anh Đặng Hồng Vân cấp tốc liên lạc tìm nhưng không gặp được Mai Tế, Bí thư chi bộ Hòa Hải.
 
Không cho phép chần chừ, nửa đêm, các anh quyết định đưa bộ đội vào trong ấp chiến lược An Nông, phân tán bộ đội trong nhà dân, đóng cổng ấp chiến lược, khống chế buộc mọi người trong ấp chiến lược “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhờ có anh Đặng Hồng Vân thường xuyên công tác ở khu vực Hòa Hải nên dân tin đó là bộ đội giải phóng, họ nấu cơm cho bộ đội ăn, bộ đội xin trả tiền gạo, tiền mua thức ăn, dân không chịu lấy. Lực lượng du kích mật của An Nông - Hòa Hải nắm tình hình báo cáo rất kịp thời để ta bố trí các mũi tấn công.

Còn 5 phút thì đến 12 giờ trưa ngày 10-6-1964, trời nắng gắt, gió Nam thổi từng luồng qua bãi cát hừng hực, ba mũi quân đã sẵn sàng: Một mũi tiến công xóm Trung, một mũi đánh vào xóm Đông, một mũi phục kích xóm nà Viêm Đông nhằm tiêu diệt bọn địch tháo chạy.

Du kích mật cho biết ở xóm Trung, lính biệt lập đứa ngủ trưa, đứa đi chọc gái. Quân ta nổ súng bất ngờ, bọn chúng tháo chạy tán loạn, không biết chạy đi đâu, xúm chùm lại, một số bị trúng đạn, còn lại thì bị bắt sống đưa qua Điện Nam. Đúng ra, chỉ diệt tên Hàng, nhưng khi anh Khói đứng trên Nghĩa Tự chỉ huy thì bị một loạt đạn của chúng, anh Khói hy sinh, anh em dồn căm thù vào bọn lính đang tháo chạy. Bộ đội ta thu vũ khí rút lui, riêng anh Chín vác đến 4 khẩu tiểu liên theo bộ đội vào xóm Quảng Hậu.
 
Ta tách tên Phạm Hàng ra giam riêng, đưa 21 tên bị bắt  vào trong nhà thầy Như, một nhà ngói 5 gian, đóng cửa lại, bộ đội lặng lẽ đi lúc nào không cho chúng biết. Giao cho du kích giữ Phạm Hàng, nhưng anh em du kích còn trẻ quá, lại chủ quan, Phạm Hàng nhận ra sơ hở, quật một du kích ngã, tuôn chạy. Anh Chín tay cầm cây súng ngắn cùng mấy du kích truy theo Phạm Hàng, băng qua bãi cát, chạy lên tới cầu Leo, khi đã áp sát Phạm Hàng, anh Chín bắn một phát K54, không trúng đạn, Phạm Hàng cong lưng chạy nhưng trông hắn đã đuối sức, anh Chín cũng mệt đừ, chân anh gần như rã rời, anh bắn một phát nữa, Phạm Hàng bị trúng đạn nhưng vẫn cố chạy.
 
Tưởng như không thể chạy được nữa, nhưng nghĩ, để Phạm Hàng thoát thì hắn sẽ đánh phá tang hoang làng xóm, dân tình sẽ khiếp sợ. Cố lên, anh tự động viên mình, nhưng đôi chân anh như bị ai rút lại, cát trì chân anh xuống. May, có hai du kích đuổi kịp, Phạm Hàng quỵ chân, úp mặt xuống cát, anh Chín đưa súng bóp cò nhưng tay anh cứng đờ. Anh định đưa cây K54 gõ lên đầu Phạm Hàng, nhưng du kích đã ập đến…

Diệt đại đội biệt lập giữa ban ngày gây một tiếng vang lớn, mở ra một khả năng giải phóng vùng Đông. Huyện cử Năm Dừa, một Huyện ủy viên dự khuyết phụ trách vùng cát Điện Bàn. Tháng 10-1964, 6 xã vùng cát Điện Bàn được giải phóng, xây dựng chính quyền tự quản. Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Điện Bàn đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ VI - tháng 12-1964, Năm Dừa trúng Tỉnh ủy, được phân công làm công tác thành phố.
                    
Ghi chép của HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.