Gây dựng lại phong trào
Phong trào đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng nổi lên mạnh từ năm 1963, bộc phát rầm rộ từ năm 1964, với các cuộc đấu tranh “chín ngày làm chủ”, năm 1966, với “76 ngày làm chủ”, năm 1968, với chiến dịch “Tổng công kích, tổng nổi dậy’’... Những năm 1970, bị đàn áp, bị bắt bớ, tình hình lắng xuống một thời gian, lại bộc phát với chống trò hề độc diễn, chống Thiệu-Kỳ-Có.
Chuyện về Năm Dừa (Bài 3)
Chuyện về Năm Dừa (Bài 2)
Chuyện về Năm Dừa (Bài 1)
Ông Năm Dừa. |
Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy V và Đặc khu ủy Quảng Đà xây dựng và phục hồi phong trào đấu tranh của trí thức và sinh viên, học sinh các đô thị, Năm Dừa, với cương vị Bí thư Quận ủy, thường “xuất quỷ nhập thần”, đột nhập vào nội thành để chỉ đạo, thành lập các tổ chức công khai hợp pháp như “Tổng đoàn học sinh”, “Đoàn Thanh niên Nhất Chi Mai”, “Hội đồng đại diện học sinh liên trường Đà Nẵng”, xây dựng các cơ sở Đảng, Đoàn bí mật trong các trường làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Tại Đại hội Đảng bộ Đặc khu ủy Quảng Đà lần thứ IX, tháng 8-1971, Năm Dừa được bầu vào Ban Thường vụ Đặc khu ủy, cử làm Bí thư Quận ủy quận Nhất
(Hải Châu).
Khi ra đời tổ chức công khai mang tên Tổng Đoàn Học sinh Đà Nẵng, thì ngôi nhà trong khu vườn rộng, nhiều cây của ông Ngô Minh Cảnh trở thành trụ sở bí mật của trụ sở công khai, như tên gọi của nó, tại Tịnh xá Ngọc Cơ trên kiệt 8, đường Hoàng Diệu. Nói trụ sở bí mật là vì, tại ngôi nhà này, các bạn trai trẻ đã ngồi lại bàn bạc chủ trương của Đặc khu ủy Đà Nẵng xúc tiến các công việc để thành lập nên Tổng Đoàn Học sinh, từ cơ cấu nhân sự, nhất là nhân sự chủ chốt, lên kế hoạch đấu tranh công khai hợp pháp và triển khai nhiệm vụ. Ngôi nhà từng mang số 1, tổ 39, Trung Hòa A, phường Vĩnh Trung, được thành phố Đà Nẵng gắn một tấm biển di tích lịch sử, với những dòng chữ khắc trên nền đá như sau:
Từ sau Hiệp định Genève 1954, ngôi nhà ông Ngô Minh Cảnh là nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của Đảng về bí mật hoạt động ở nội thành liên tục cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng. Đây cũng là nơi công tác của bộ phận chỉ đạo của Thành ủy trong cao trào 76 ngày nhân dân nổi dậy làm chủ thành phố (11-3-1966 đến 25-5-1966).
Trong thời gian của chiến dịch chống Thiệu-Kỳ-Có, bất ngờ, đêm 3-10-1971, Tấn Kháng đưa Năm Dừa đến gõ cửa vào nhà ông Ngô Minh Cảnh giao thêm nhiệm vụ cho cô Minh Nguyệt - một đối tượng Đảng. Năm Dừa chứng kiến, tại chiếc bàn chữ U, bên cái giường nhỏ, một lễ kết nạp Đảng được tổ chức trang nghiêm, theo quyết định của ông Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy Đà Nẵng, kết nạp ba đoàn viên thanh niên ưu tú vào Đảng (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) là:
Đặng Thanh Tịnh, Ngô Minh Nguyệt và Ngô Minh Hải. Đặng Thanh Tịnh lúc bấy giờ là Chủ tịch Tổng Đoàn Học sinh, sau này là Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên; Ngô Minh Hải, người em thứ năm của Minh Nguyệt, từng là trưởng đại diện một công ty liên doanh lớn của Việt Nam; Minh Hà trở thành một bác sĩ, Bí thư chi bộ…
Khi giặc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Đà Nẵng trở thành căn cứ liên hợp hải lục không quân khổng lồ của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, thì Năm Dừa xâm nhập, tiếp cận với thợ máy, bà con tiểu thương ở các chợ ở nội thành, gặp và trao đổi công việc với các công thương, trí thức yêu nước vận động bà con tham gia chống Mỹ, cứu nước.
Năm Dừa là một trong những người thực hiện thành công và có công lớn “phục hồi” phong trào trí thức, sinh viên, học sinh ở một thời điểm lịch sử có tính quyết định trong cuộc đấu tranh chống Mỹ-ngụy ở các đô thị miền Nam Việt Nam. Năm Dừa và những chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, mưu trí và đầy sức trẻ đã nuôi dưỡng, phát huy hiệu quả phong trào đến những ngày Tổng tiến công nổi dậy, trong tháng Ba của mùa xuân 1975, giải phóng Đà Nẵng, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30-4-1975.
Nhiều thế hệ trí thức trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố Đà Nẵng những năm 60-70 của cuộc kháng chiến chống Mỹ nghĩ về Năm Dừa như một huyền thoại, ngưỡng mộ anh như một người anh, một người lãnh đạo gần gũi, chân tình, dũng cảm, mưu trí, vì nghĩa lớn suốt những năm gian khổ không thể tả được.
Từ giã người thân
Nửa đêm 15-11-1997, tôi đang say giấc ngủ thì chuông điện thoại reo giật ngược. Tôi rất sợ tiếng điện thoai reo vào lúc nửa đêm, thường là gặp chuyện không lành, thường làm khó ngủ lại.
- Tôi nghe đây. Xin lỗi ai gọi?
- Năm Dừa đây. Ngủ rồi hả?
- Dạ, có chi không, anh Năm?
- Chuyện cấp bách thành mới gọi cho anh vào giờ này. Tự nhiên, chiều hôm qua, sau khi chia tay mấy anh, cất mấy chai rượu uống dở vào tủ, chui vào giường, thì nửa đêm, cái bụng tôi sình chướng lên, đau không chịu thấu. Đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ nói cái gan nát tương. Nghi xơ gan… Phải đi Hà Nội ngay.
- Khi mô đi? Tôi lo ngại hỏi.
- Đi ngay sáng mai. Vì vậy, tôi điện báo cho anh biết, chào anh luôn. Cho tôi gửi lời thăm anh em văn nghệ, báo chí. Không biết đi có về không, nên xin chào vĩnh biệt
anh nghe!
- Nói chi mà nghiêm trọng vậy - Tôi ngắt lời anh - Thì hắn diễn biến phức tạp như thế đó. Mà về được thì tốt, còn đi luôn thì, để các anh
biết chừng.
Tôi không biết nói gì thêm với anh Năm Dừa, chỉ biết chúc anh lên đường bình an, lo chữa bệnh, sớm về lại Đà Nẵng.
Đêm ấy, tôi bồn chồn khó ngủ, phôn cho nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang ở Hà Nội, ngoài ấy có bạn bè người thân giúp anh Năm Dừa chữa bệnh. Trong bụng lo lo, có lẽ Bệnh viện Đà Nẵng “chạy” rồi. Biết được Nguyễn Công Khế (vốn là lực lượng của Tổng Đoàn Học sinh) giao cho bộ phận thường trú Báo Thanh Niên tại Hà Nội quan tâm lo việc nhập viện, gia đình bớt một phần lo. Thương anh Năm Dừa quá!
Bệnh viện Việt-Xô mổ cắt thùy bên trái để chặn đứng không cho di căn, còn lại 75% thùy bên phải. Sau 10 ngày, gia đình đưa anh về lại Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị tiếp. Như vậy, Năm Dừa chưa chết, trong bụng anh vẫn còn đau lâm râm.
Chị Hạnh vợ anh Năm Dừa thì biết cái đau trong bụng anh rõ hơn anh. Chị cho biết, hôm mổ lấy cái u gan ra trông như một quả thanh long. Giáo sư Đệ chỉ cái u gan đặt trên đĩa i-nốc nói với chị Hạnh: - Chị xem, nó như thế này mà anh không đau sao được! Chị hỏi giáo sư Đệ, là u dữ hay u hiền. Giáo sư Đệ nói là u dữ. Chị hỏi có di căn không? Giáo sư Đệ nói: - Quá trình điều trị tiếp, nó diễn biến thế nào mới biết rõ. May lắm thì không bị. Đã là u dữ thì nó di căn không mấy hồi. Nói thật để chị biết. Còn nước, còn tát!
Bác sĩ Tuyết an ủi chị Hạnh: - Chị về, cùng với bệnh viện ở Đà Nẵng ráng nuôi ảnh. Giỏi thì ảnh sống thêm được một năm!
Mỗi lần đau thắt, anh Năm Dừa hỏi chị Hạnh: - Giáo sư Đệ nói u lành hay u dữ? Chị Hạnh nói: - Ổng không nói gì, dặn về điều trị cho tốt thì qua được.
Nghe tin chẳng lành, bà con tộc Nguyễn ở Điện Nam-Điện Bàn ra thăm, bàn với anh chị Năm, nếu thuốc tây chịu thì nhờ “kinh nghiệm dân gian” may chi có thể chữa lành, và bà con giới thiệu trường hợp con trai bà Bốn Dụ, em ruột ông Sáu Nam, cũng bị xơ gan cổ trướng, bệnh viện chạy, đem về nhà cho uống mật cóc thì qua được, họ khuyên Năm Dừa uống thử. Nghe nói vậy, Năm Dừa điện hỏi ông Sáu Nam.
Ông Sáu Nam bảo: - Tau cũng nghe hắn nói rứa. Nhưng phải hỏi lại cho kỹ, chớ lâu nay người ta bảo ăn nhằm gan cóc thì chết. Bà Bốn Dụ ra thăm anh Năm Dừa, tường thuật lại nghe ly kỳ quá, Năm Dừa thúc vợ, con, cháu, về quê bắt cóc. Bắt được một giỏ cóc, phải nhờ bà Bốn Dụ làm thịt lấy mật. Bà Bốn Dụ dặn chị Hạnh: - Dính tí gan là chết liền!
HỒ DUY LỆ