.

Cu rảnh: rảnh miệt mài!

.

Mấy chị ngao ngán: “Dù Hội Phụ nữ đã có sự phối hợp với Công an cũng như các đoàn thể khác để quản lý thanh-thiếu niên chưa ngoan, nhưng với tình hình thanh niên lười lao động, suốt ngày lang thang quán xá như hiện nay, công tác giáo dục của chúng tôi dường như chưa “đủ đô” hoặc chưa “đúng thuốc”. Ông bà ta có nói “Nhàn cư vi bất thiện”, rảnh rỗi quá lại sinh ra lắm chuyện”.

Ổ bánh mì, tờ báo, chiến hữu và những câu chuyện xuyên… ngày (ảnh chụp lúc 9 giờ 50, sáng ngày 7-1).

Giờ hành chính, chúng tôi thử la cà trong thế giới của những Cu rảnh. Và quả thật: đi làm là chuyện lạ, ngồi cà-phê rung chân, nói chuyện trời Tây mới oách!

Từ rảnh bình dân đến rảnh quý tộc!

Cà-phê Long (đường Lê Lợi), 9 giờ sáng thứ tư. Chịu khó “ngồi đồng” chừng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi dễ dàng khắc họa chân dung của Cu rảnh: Mặc ngày mới bắt đầu đã lâu, mặc ai đó hối hả trong công sở, những cậu rảnh vẫn ngồi điềm nhiên phe phẩy chân. Người vào quán trong giờ này ăn mặc theo nhiều dạng: sơ-mi, kính trắng, vest, jean, thun, đa số là dép lê, quần lửng, tóc tai rẽ ngôi tứ tung. Tuy nhiên, họ giống nhau ở chỗ: bánh mỳ kẹp nách, thường đi thành nhóm 3 - 5 người, và gương mặt rất trẻ.

Cu rảnh lững thững vào quán cà-phê, từ từ kiếm chỗ ngồi quen thuộc, hoặc dáo dác tìm chiến hữu. Một “cậu” sau khi yên vị, gọi cà-phê, lại lững thững ra ngoài, 5 phút sau trở vào mang theo hai ổ bánh. 3 anh khác ngồi chong mắt ra đường, thấy ai lạ lạ, ngộ ngộ đi ngang liền chỉ trỏ, rồi hí hí cười. Một nhóm 4 “cậu” ngồi trước mặt chúng tôi vơ vài tờ báo có sẵn, chăm chú đọc tin bóng đá hoặc mấy câu chuyện vụ án.
 
Hơn một giờ đồng hồ sau, 3 “cậu” của nhóm rời quán, 3 “cậu” khác đến, lại tiếp tục cà kê đủ chuyện. Càng về gần trưa, không khí… ăn sáng và chuyện trò càng xôm tụ, quán càng đông nghịt người. Dù trời lạnh, hai chiếc máy quạt trần vẫn thi nhau chạy hết công suất. Đọc xong báo, các “cậu” quay ra bàn luận đủ mọi chuyện, từ ổ bánh mỳ heo quay đến Tổng thống Mỹ... Hết cà-phê, “cậu” chuyển sang uống nước trà, chậm rãi nói tiếp câu chuyện dài bất tận. Chốc chốc, để thay đổi không khí, “cậu” quay ra chọc ghẹo vài câu với mấy cô tiếp thị thuốc lá. Nhiều “cậu” khác ngoắc người bán vé số, rút một cộc vé bóc, liên tục dán mắt tìm vận may.

Hơn 10 giờ, chúng tôi rời quán. Trong khi đó, các “cậu” vẫn chưa tỏ dấu hiệu muốn đứng lên. Chúng tôi tiếp tục vào quán New life ở giao lộ Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh. Cu rảnh ở đây không bình dân như chỗ cà-phê Long. Hầu hết người ra vào đều ăn mặc hợp mốt, xe ga láng bóng. Họ chỉ việc tìm một vị trí thích hợp bên cửa sổ để… ngắm xe cộ ngoài đường, hoặc ngồi sao cho tiện coi ca sĩ hát nhảy trên ti-vi. 11 giờ trưa, hiếm hoi mới thấy có bàn rục rịch đứng lên ra về. Một nhân viên tại đây cho biết: “Buổi chiều, quán còn đông hơn vì có người chỉnh nhạc (DJ)”.

Xách xe chạy một vòng quanh các tiệm khác, từ cà-phê cóc đến quán “hộp” quý tộc, chúng tôi đều thấy Cu rảnh ngồi bó gối chôn chân trong giờ hành chính. Tại quán cà-phê góc đường Lê Duẩn - Nguyễn Chí Thanh, trên căn gác cao cao, những đôi chân trần thò ra cửa sổ “tạo thế” nhìn xuống đường như chưa hề biết thời gian đã trôi gần về chiều. Cũng vào giờ này, bãi giữ xe của quán cà-phê Wonder (Lê Lợi) dày đặc các loại xe hộp đời mới giăng hàng. Để xe trước quán không xuể, nơi này còn mượn luôn một dãy vỉa hè.

Giữa phố xá xôn xao đã vậy, tại những nơi hẻo lánh hơn, Cu rảnh cũng không thiếu mặt. Cà-phê Thảo Ly, đường Bùi Thị Xuân, phường An Hải Tây, Sơn Trà từ sáng đến tối đều có thanh niên tụ tập theo nhóm. Quán nằm ngay một góc cua khuất, do đó, không chỉ nhăm nhi cà-phê “ngẫm chuyện đời”, các Cu rảnh còn thoải mái sát phạt nhau bằng trò đỏ đen.

“Lớn rồi, phải xác định tương lai”

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, tổ trưởng phụ nữ tổ 31, phường An Hải Tây, Sơn Trà nói: “Thất nghiệp, rảnh rỗi ngồi cà-phê tưởng vô hại nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Tụm lại với nhau miết thành quen, nhiều lần như vậy dễ bị dẫn dắt đến những suy nghĩ, hành vi xấu. Tại địa phương, chúng tôi thường động viên các em nên xác định tương lai vì chúng ta đều là những người đã trưởng thành. Mai kia cha mẹ già yếu biết nương tựa vào ai. Nói vậy, nhưng tiếp cận được thanh niên hư rất khó. Tôi cũng mong cấp trên tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho thanh niên”.

Nói về hiện tượng thanh niên la cà hàng quán thay vì chú tâm học nghề, kiếm việc làm, một cán bộ Hội Phụ nữ trăn trở: “Chúng tôi cũng cố gắng đến nhà thuyết phục các em đi lao động để có thu nhập nuôi bản thân. Nhưng gặp được các em không dễ, hơn thế, không ít phụ huynh lại tỏ ra “thả tay” nên chúng tôi càng khó hợp tác”.

Một cán bộ Hội Phụ nữ tổ 7, phường Phước Ninh, Hải Châu cho rằng: “Phụ nữ trong tổ chủ yếu lo xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, người có hoàn cảnh khó khăn. Tổ cũng chưa có chi đoàn thanh niên nên việc quản lý thanh-thiếu niên nói chung chưa được đẩy mạnh”.

Những người viết bài này cho rằng, mỗi thanh niên phải tự nhận ra cuộc sống của mình để nhanh chóng tìm lối thoát khỏi vòng luẩn quẩn: cà-phê - cơm nhà - cà-phê. Và không ai có thể thay bản thân mình làm điều đó.

TOÀN VÂN - TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.