Một máy cát-sét, một loa thùng, âm-ly, bình ắc-quy, một chiếc míc-crô và một ít kẹo kéo, Nguyễn Văn Phương (18 tuổi) cùng Nguyễn Thị Thủy (14 tuổi) có thể rong ruổi thâu đêm trong các quán nhậu trên hè phố. Có ai biết rằng, đằng sau tiếng hát ấy là cả một kiếp người đang bon chen với đời để mưu sinh. “Cũng đành, xin làm người hát rong. Chỉ mong đời không chê trách. Chỉ mong chuyến xe muộn màng. Không dừng sớm khi đang rong chơi...”.
Những thanh kẹo nhỏ như ngón tay gầy
Một “ca sĩ kẹo kéo” đang hành nghề trên đường Sơn Trà-Điện Ngọc. |
Vào một buổi tối cuối năm trời lạnh giá, chúng tôi gặp Phương và Thủy đang hát rong trong một quán nhậu nhỏ ven đường Phạm Văn Đồng. Phương cao gầy lêu khêu trong chiếc áo sơ mi cũ màu, gợi cho tôi cái cảm giác lạnh buốt.
Trong lúc Phương đang đứng hát ở lề đường, Thủy nhỏ bé tí tẹo (cao chưa tới 1,3 mét) chìa những chiếc kẹo nhỏ nhắn như những ngón tay khô gầy của em về phía khách. Chúng tôi chỉ hỏi thăm được vài câu, đành hẹn gặp hai anh em Phương vào buổi sáng hôm sau.
8 giờ sáng, như đã hẹn, tôi chạy ngược gió đường Nguyễn Tất Thành lên cầu Phú Lộc. Gặp chúng tôi, đôi mắt Phương vẫn còn đỏ ngầu vì ngái ngủ. Trong giọng nói khàn khàn khản tiếng, Phương cho biết, bình thường em ngủ đến 9-10 giờ sáng để lấy lại sức.
Phương từ Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế vào Đà Nẵng hành nghề đã 2 năm nay. Em tình cờ gặp lại Thủy – cô hàng xóm cạnh nhà. Mới 14 tuổi, nhưng đời Thủy đã trải qua biết bao thăng trầm đến mức thân thể như teo lại. Sau một năm rưỡi làm osin không được trả tiền công, Thủy bỏ nhà chủ ra đi. Từ Quy Nhơn, cô bé cứ đi và đi vô định cho đến ngày trôi dạt về Đà Nẵng.
Phương cho biết: “Còn có thêm 19 em khác đến từ nhiều vùng quê khác. Tất cả ở chung trong một căn nhà của ông chủ Chôi, gần chợ Phú Lộc”. Ban ngày, sau 10 giờ sáng ngủ dậy, các thành viên trong nhóm sẽ giúp ông Chôi làm kẹo kéo.
Ông Chôi sắm cho loa thùng, míc-crô và mọi phương tiện liên quan khác với chi phí khoảng 4 - 5 triệu. Các thành viên chia nhau 2 người/nhóm rồi tản ra các nẻo đường trong thành phố. Hiện trong nhóm 21 người của Phương có tất cả 9 loa thùng. Mỗi tối, mỗi nhóm nhỏ bán được 100 - 300 cây kẹo kéo và sẽ nhận được 30% tiền lời, còn chủ nhận 70%.
Như vậy, mỗi hôm, ít nhất Phương cũng kiếm được từ 30-40 nghìn đồng. Theo Phương, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 21 nhóm có loa thùng không có đàn và thêm khoảng 6 nhóm có loa thùng và có đàn. Hầu hết họ đến từ Huế, Hà Tĩnh..., thậm chí có người từ tận thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc hành nghề mưu sinh
Chỉ cần một chiếc loa thùng, một chiếc míc-crô là các “ca sĩ kẹo kéo” có thể rong ruổi thâu đêm trên các nẻo đường ngõ phố. |
Mùa đông, “ca sĩ” được về sớm hơn, nhưng lúc ấy, đồng hồ đã nhích sang ngày mới. Phương không thể nào quên những hôm đi bán về muộn, xe hết xăng giữa lúc trời đổ mưa, hai anh em đành lội bộ trên những quãng đường vắng lạnh. Đôi chút chạnh lòng, nhưng đã dần quen.
Các “ca sĩ kẹo kéo” nhờ sở hữu một giọng hát “mùi”, yêu ca hát và đặc biệt cuộc sống khó khăn nên đã đưa đẩy họ đến với nghề. Trần Văn Dũng (Hà Tĩnh), một “ca sĩ kẹo kéo” tâm sự: “Để hát được như thế này, bọn em phải mua đĩa karaoke về tập.
Ngoài những bài hát trữ tình, mùi mẫn giàu chất Nam bộ như Bông Điên điển, Sông quê, Rau đắng mọc sau hè, Chim trắng mồ côi..., tụi em cũng phải tập thêm những bài mới làm vừa lòng từng đối tượng khách”. Dũng kể trong giọng khàn khan: “Có hôm, em phải hát ít nhất 30 bài đủ các thể loại nhạc”.
Thấy tôi băn khoăn về giọng nói khản tiếng, em bộc bạch: “Chỉ cần ra quầy thuốc Tây mua vài viên ngậm là tối em có thể đi hát trở lại”. Nói về tương lai, Dũng chia sẻ: “Sau này thì em không biết, nhưng bây giờ vẫn bám nghề.
Đi hát thế này vừa thỏa mãn sở thích, vừa kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Chủ yếu là gửi tiền về quê cho ba mẹ và mấy em, chứ tụi em thì tiêu bao nhiêu”.
Đêm cuối năm, trời lạnh căm căm, dáng Phương, Thủy, Dũng như gầy hơn trong chiếc áo mưa tiện lợi.
ĐOÀN LƯƠNG