.

Đổi thay ở cửa ngõ phía Nam thành phố

.

Việc hình thành và mở rộng quy mô đô thị với hạ tầng kỹ thuật hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm của quận Cẩm Lệ trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, để thực hiện theo đúng quy hoạch, chính quyền quận đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tạo dựng nên bộ mặt của đô thị mới ngày hôm nay.

Mở rộng quy mô đô thị...

 Khu dân cư mới phường Khuê Trung.

Trước năm 2005, quận Cẩm Lệ chỉ là một vùng ngoại ô của thành phố, đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội còn khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà nay, sau 4 năm thành lập, diện mạo đô thị của quận đã đổi khác với hàng loạt công trình mang dáng dấp của một đô thị hiện đại như: cầu Cẩm Lệ, Trung tâm Hội chợ-triển lãm quốc tế thành phố, Bến xe Trung tâm, đường ven sông Cẩm Lệ-Túy Loan, cầu vượt Hòa Cầm, quốc lộ 14B nối với các xã của huyện Hòa Vang, quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước mở rộng, các khu dân cư mới khang trang, hiện đại… Bộ mặt đô thị phát triển kéo theo đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực của Đảng, chính quyền và nhân dân quận Cẩm Lệ.

Có thể thấy, việc mở rộng quy mô đô thị quận Cẩm Lệ, thu hẹp dần diện tích nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của chính quyền thành phố nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển ở khu vực phía Nam Đà Nẵng. Tính đến nay, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có hơn 850 ha diện tích đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng và 45 dự án quy hoạch với tổng diện tích hơn 1.645 ha, trong đó dự án lớn nhất là Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Để phát triển đô thị, trước mắt, quận Cẩm Lệ phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là ở những khu tái định cư, bao gồm việc cung cấp nước sạch, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, xử lý rác thải, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Xác định rõ nhiệm vụ này, trong năm 2008, quận Cẩm Lệ đã đầu tư tổng cộng 2,7 km điện chiếu sáng với tổng kinh phí hơn 546 triệu đồng trên địa bàn các phường Hòa Phát, Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây. Tính đến nay, hơn 45% hộ dân trên địa bàn quận được sử dụng nước máy. Riêng tại phường Hòa Xuân, thành phố đã đầu tư hơn 6,7 km đường ống cấp nước với tổng kinh phí 770 triệu đồng. Ngoài ra, quận Cẩm Lệ đã đẩy mạnh việc chỉnh trang hệ thống giao thông đô thị, phấn đấu trong năm 2009 sẽ bê-tông hóa 50% đường kiệt hẻm bằng nội lực của nhân dân và chính quyền địa phương. Đồng thời, chú trọng phát triển những công trình phúc lợi xã hội cho y tế, giáo dục, văn hóa.

Trong năm 2009, một số công trình mới sẽ được đầu tư, xây dựng như: đường Hòa Thọ Tây đi Hòa Nhơn, Trường mẫu giáo trung tâm Hòa Thọ Tây, Trường THPT Cẩm Lệ, chợ Bình Hòa (Khuê Trung), chợ Yến Bắc (Hòa Thọ Tây)… Ông Nguyễn Hữu Hơn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cẩm Lệ cho biết: Tại phường Hòa Xuân, quận đã quy hoạch 8.000 m2 đất bố trí xây dựng chợ, 40.000 m2 để xây dựng trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS và 5.000 m2 đất dành riêng cho khu văn hóa, vườn hoa công viên. Như vậy, từng bước một, chính quyền thành phố và quận Cẩm Lệ đã đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô đô thị trên địa bàn quận.

...Và giải quyết các vấn đề xã hội

Trách nhiệm chính của quận Cẩm Lệ là nâng cao chất lượng sống của người dân sao cho phù hợp với sự phát triển của đô thị. Nhiệm vụ trước mắt là bố trí tái định cư và giải quyết việc làm cho những hộ dân trong các vùng dự án, giúp họ an cư, lạc nghiệp.

Một khi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi, quy hoạch thành những khu đô thị hiện đại thì hàng nghìn hộ nông nghiệp chịu ảnh hưởng. Vì thế, quận Cẩm Lệ chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp đô thị”, đẩy mạnh chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp cho phù hợp với đời sống đô thị. Tuy nhiên, chủ trương là vậy nhưng thực tế thì lại khó khăn hơn vạn lần và giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người nông dân sau khi giải tỏa là cả một nỗ lực lâu dài của chính quyền quận Cẩm Lệ.

Bên cạnh đó, đô thị hóa không đơn giản chỉ là mở rộng quy mô đô thị với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, mà song hành với nó là sự chuyển đổi từ lối sống nông thôn sang lối sống đô thị, từ văn hóa làng xã sang văn hóa đô thị, từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đây mới chính là thách thức lớn nhất mà quận Cẩm Lệ phải đối mặt, làm thế nào để người dân địa phương quen với nếp sống đô thị, trong khi bao đời nay họ vẫn gắn bó với ruộng đồng và quen với nếp ăn, nếp nghĩ của người dân nông thôn! Bằng nhiều phương thức, quận Cẩm Lệ đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và chương trình “5 không”,

“3 có” của thành phố. Đây là nỗ lực nhằm giúp người dân quen với cuộc sống đô thị và từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh. Ông Nguyễn Hữu Hơn nhận định: “Quận Cẩm Lệ có những vùng nông thôn mới chuyển đổi, nhận thức của người dân còn hạn chế. Đây là khó khăn trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị của quận. Tuy nhiên, điều thuận lợi là người dân địa phương có truyền thống cách mạng nên hiểu và đồng tình với những chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền và sớm hay muộn, họ cũng quen dần với nếp sống mới nơi đô thị và hòa nhập theo xu hướng phát triển chung của thành phố”.

Những gì mà Cẩm Lệ đã đạt được cho đến hôm nay không chỉ làm cho diện mạo đô thị của quận khang trang, hiện đại hơn mà góp phần tạo cho người dân nơi đây một nếp sống, nếp nghĩ mới, phù hợp với lối sống thành thị. Có thể khẳng định, với sự đồng tình, ủng hộ của người dân cùng với nỗ lực của Đảng, chính quyền, quận Cẩm Lệ sẽ sớm hoàn thành quá trình đô thị hóa và trở thành một đô thị văn minh, hiện đại ở khu vực phía Nam thành phố. 
                                
Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.