.
Đối thoại một mình:

Đời cha ăn mặn

Các tổ chức đoàn thể phối hợp với báo chí đã phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu những sự kiện chính trị quan trọng, v.v... Đó là sân chơi bổ ích, thú vị không chỉ dành cho lớp trẻ mà cho đông đảo công chúng. Có nhiều sự kiện ngỡ như mình đã biết nhưng khi đi vào cụ thể mới hay những kiến thức còn lỗ mỗ lắm, hoặc rơi rụng đi nhiều mà không hay.
 
Nếu chưa thực chắc chắn với những hiểu biết của mình, thì đây là dịp tốt để bổ sung có hệ thống. Tôi có dịp tiếp xúc với mấy bác đã về hưu, đại tá, thiếu tướng hẳn hoi, đã phải bóp nhăn cả trán để “quân sư” cho con cháu về mấy sự kiện lịch sử tiêu biểu. Vậy mà không sao nhớ nổi một vài sự kiện hệ trọng chính các cụ đã từng trực tiếp tham gia. Thế có kỳ không.

Cuối cùng đành phải đi tìm nhau trao đổi, lục tìm sách sử. Nhiều bạn trẻ ở các trường học, các phường phố hào hứng tham gia cuộc vận động tìm hiểu lịch sử bổ ích và lý thú. Đó là dịp nhìn lại chặng đường mà cha ông mình đã đi qua, đã làm nên. Vậy là chơi mà học, học hào hứng, thú vị như thể chơi, đúng như tinh thần sư phạm của cụ giáo sư Hồ Ngọc Đại. Chỉ duy có một điều nhỏ mà không nhỏ, cần phải bàn: Ấy là sự trung thực.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều đơn vị tham gia dự thi. Một nội dung hệ trọng như vậy, cơ quan không thể không tham gia. Vậy là cả cơ quan vào cuộc đua. Họ cử ra một vài người tìm tư liệu, gõ máy đáp án và thả sức photo ra hàng trăm bản giống nhau... Công việc cuối cùng là phát cho từng đơn vị nhỏ để điền tên mình. Đơn vị nhỏ chuyển lên đơn vị to. Đơn vị to chuyển lên đơn vị to hơn nữa để mang đến nơi tổ chức cuộc thi. Ít lâu sau tổng kết, báo đài rầm rộ đưa tin.

Hàng ngàn, hàng vạn người, mọi lứa tuổi nhiệt tình tham gia tìm hiểu sự kiện chính trị quan trọng trong năm. Việc làm thiếu trung thực này đã biến một ý tưởng giàu chất giáo dục, đặc biệt với lớp trẻ thành đối phó hoặc chạy theo thành tích. Hỏi rằng việc làm đó có phải thiếu trung thực không? Xin thưa, quả là thiếu trung thực, chỉ khác một chút là sự thiếu trung thực này, mang tính tập thể khiến nhiều người dễ dàng chấp nhận, và cho là chuyện thường tình.

Ban tổ chức các cuộc thi này có biết những “bài thi” là sản phẩm photo không? Thật khó trả lời là không lắm, bởi nó là... photo mà. Tôi còn nhớ mấy vị đạo nhạc một thời đã từng có những lập luận hồn nhiên: Khi tâm hồn nghệ sĩ đồng điệu, có cùng chiều hướng cảm xúc thì ca khúc giống nhau là chuyện dễ hiểu. Vả lại, đâu phải toàn bộ ca khúc theo phong cách photo. Nhiều lắm cũng chỉ đôi ba dòng. Còn lời, rõ ràng 100% là của tác giả rồi. Nói họ đạo, có khi lại hơi... oan. Nhưng thi tập thể thì trăm quyển giống y chang nhau đến từng dấu phẩy. Lẽ nào kiến thức của hàng trăm người từ một khuôn đúc như xưởng cơ khí sản xuất vòng bi. Có người khoát tay, “ôi dào, có gì quan trọng đâu”.

Vâng, có gì quan trọng với những cuộc tìm hiểu đâu đâu. Vậy thì cũng chẳng có gì phải quá ngạc nhiên khi học sinh nhiều trường quay cóp, ném phao, hay thầy cô làm bài mẫu cho học sinh chép. Nếu trúng tủ thì hàng trăm bài thi như khuôn đúc, đạt điểm cao là cái chắc. Việc làm của bố mẹ, anh chị ở cơ quan, đoàn thể và việc dạy, việc học của thầy cô, con trẻ ở trường có gì khác nhau. Thưa rằng, cùng một “Made in... thiếu trung thực” cả đấy.

Đời cha ăn mặn...”. Tự nhiên tôi ngẫm lời các cụ xưa. Cha ông ta có thể không có vài chục mẫu ruộng vườn, cũng không có cửa nhà dọc ngang để sang tên cho con cháu gọi là chút vốn liếng vào đời. Nhưng những lời giáo huấn kín đáo được các cụ gửi gắm vào tục ngữ, thành ngữ cô đúc, thâm thúy có lẽ còn giá trị lâu dài cho nhiều thế hệ. Cha mẹ, muốn thực sự làm cha làm mẹ với tất cả trách nhiệm và danh dự, thiết nghĩ, trước hết và mãi mãi họ phải là tấm gương trung thực cho con em mình, nghĩa là cho thế hệ trẻ. Đó cũng là một kênh, và theo cách tôi nghĩ, là kênh chủ đạo hướng đến cuộc sống trong sạch, xây dựng một xã hội có đạo đức bền vững.

Nhất Ngôn

;
.
.
.
.
.