.

ĐỘT PHÁ CẨM LỆ

.

Hơn 4 năm kể từ ngày quận Cẩm Lệ được thành lập, thời gian quá ngắn ngủi đối với phát triển của một địa phương nghèo. Thế nhưng, so sánh những gì có được bây giờ với hơn 4 năm về trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cẩm Lệ có thể tự hào về vùng đất non trẻ đầy tiềm năng này…

Phố mới Cẩm Lệ.  Ảnh: S.TRUNG

Tách ra từ những phường ở ngoại ô của quận Hải Châu và một số xã của huyện Hòa Vang, khi mới thành lập, kinh tế, đời sống của quận Cẩm Lệ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ xã lên phường, từ làng lên phố, muốn xóa nghèo nàn, lạc hậu, cần phải có hướng đột phá về kinh tế.

Một trong những đột phá để tăng tốc độ tăng trưởng của vùng đất mới này không gì khác hơn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các khu tái định cư, quy hoạch phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Nhằm phát triển kinh tế một cách vững chắc, ngoài Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận đã mạnh dạn triển khai Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 và sau 2010, thành lập Hội Doanh nghiệp quận, Tổ hỗ trợ doanh nghiệp và lập Website để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Với hướng đột phá này, quận đã xây dựng lộ trình di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm đan xen trong các khu dân cư, đề xuất bố trí mặt bằng để di dời một số doanh nghiệp đến cụm công nghiệp Phước Lý sau khi được thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng. Với sự đầu tư và sắp xếp hợp lý, giá trị công nghiệp dân doanh tăng cao theo đúng định hướng mà lãnh đạo quận Cẩm Lệ đã đề ra.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như những thiệt hại sau cơn bão số 6 vào cuối năm 2006, tình hình lạm phát, giá cả tăng đột biến trong năm 2008, v.v…, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận vẫn đạt khá. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ I (2005-2010) đã đánh giá và minh chứng những nỗ lực tích cực đó: Giá trị ngành thương mại-dịch vụ tăng khoảng 10-11% so với Nghị quyết, chiếm tỷ trọng 24,25% cơ cấu kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của quận Cẩm Lệ không chỉ là do đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các dự án quy hoạch và hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn mà còn là sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; bước đầu áp dụng việc đăng ký kinh doanh trực tuyến qua mạng đã góp phần thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ phát triển. Chỉ mới trong vòng hơn 3 năm ra “ăn ở riêng”, trên địa bàn đã có tới 460 doanh nghiệp và hơn 2.000 hộ kinh doanh, với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 3.000 tỷ đồng.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận, kinh tế quận Cẩm Lệ đã có những bước chuyển đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng và nông nghiệp. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 74,41%, thương mại-dịch vụ 24,25%, nông nghiệp 0,96% (theo Nghị quyết đề ra đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng 80%, thương mại-dịch vụ 18% và nông nghiệp còn 2%).

Từ hướng đột phá về kinh tế, quận Cẩm Lệ không chỉ có điều kiện để trang trải các chi phí về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh mà đã có “của ăn, của để”. Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hằng năm đạt 26% (Nghị quyết đề ra 10-12%), cụ thể: Năm 2006 là 104,6%, đến năm 2007 tăng lên 189,8% và năm 2008 đạt 133,6%...

Hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ I về phát triển kinh tế-xã hội, quan điểm của lãnh đạo quận Cẩm Lệ là luôn tập trung cho cơ sở, vận dụng và phát huy sức mạnh nội lực từ trong nhân dân, gần dân và có trách nhiệm với nhân dân.

Bên cạnh việc tiếp cận với các ban, ngành của Trung ương,  thành phố  và địa phương nhằm tạo sự đồng thuận và hỗ trợ về thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch, lãnh đạo quận Cẩm Lệ đã trực tiếp làm việc  với 250 tổ dân phố để nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những bức xúc của cơ sở như giảm hộ nghèo, giải quyết việc làm, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có đời sống gặp khó khăn. Nhất là trên lĩnh vực quy hoạch, giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư để  bảo đảm chính sách an dân…

Nói về vai trò điều hành của lãnh đạo quận trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ông Võ Văn Thương, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ đúc kết: “UBND quận đã chủ động, sáng tạo, có những chương trình cụ thể, giải pháp đột phá trên các lĩnh vực và tranh thủ được sự đồng tình hỗ trợ, giúp đỡ của thành phố. Ngoài ra, lãnh đạo quận có kế hoạch thăm hỏi, khen thưởng kịp thời, để động viên tinh thần thi đua giữa cá nhân, đơn vị doanh nghiệp trong lao động sản xuất nên đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương”.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, trong năm 2009 này, quận Cẩm Lệ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thực hiện công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và đẩy nhanh tiến độ thi công cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai các đề án đã xây dựng; thực hiện có kết quả  thu ngân sách và các giải pháp kiềm chế lạm phát; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp, chăm lo đời sống nhân dân…, nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010…
               
 
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2008

* Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn quận 1.960,8 tỷ đồng, tăng 18,9%  so với năm 2007.
* Giá trị ngành công nghiệp-xây dựng 1.472 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2007.
* Giá trị ngành dịch vụ 462 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm 2007.
* Giá trị ngành nông nghiệp 26,8 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2007.
* Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5,8 triệu USD, tăng 28,9% so với năm 2007.
* Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 50,8 tỷ đồng, đạt 157,6% kế hoạch.
* Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 1.586 lao động, đạt 105,7% kế hoạch.
* Giảm 280 hộ nghèo.
* Tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng dưới 5 tuổi 7,23%, đạt 117% kế hoạch.
* Tăng tỷ suất sinh 2,19%.
* Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% kế hoạch.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2009

* Tổng giá trị sản xuất tăng 18-18,5% so với năm 2008.
* Giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16-16,5%. Trong đó, công nghiệp dân doanh tăng 25-26%.
* Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 23-24 tỷ đồng.
* Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 20-21%.
* Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 44,496 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương 95,335 tỷ đồng.
* Đào tạo nghề và giải quyết việc làm 1.600-1.700 lao động.
* Giảm 600 hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố.
* Giảm tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng dưới 5 tuổi dưới 7%.
* Giảm tỷ suất sinh 0,6%o.
* Gọi công dân nhập ngũ đạt 100%.

 
                
LÊ VĂN HOA    

;
.
.
.
.
.