.

Khó khăn dồn về nông thôn

.

Khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nhiều doanh nghiệp SXKD ngày một khó khăn. Hậu quả nặng nề nhất từ sự đình đốn SXKD của DN là công nhân mất việc làm. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB và XH, ít nhất hơn 30 nghìn công nhân trên phạm vi cả nước đã rời khỏi các nhà máy. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, năm 2009 sẽ có khoảng 150 nghìn lao động không còn cơ hội gắn bó với các DN.

Phát triển chăn nuôi quy mô lớn sẽ là hướng giải quyết việc làm cho công nhân nghỉ việc.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho người lao động chủ yếu từ 6 khu công nghiệp trên địa bàn. Hàng vạn thanh niên nông thôn vào làm việc tại các nhà máy không chỉ giảm áp lực về tình trạng thất nghiệp mà còn là cơ hội cho hàng nghìn hộ cải thiện đời sống. Nay nhiều người bất đắc dĩ phải về quê, khó khăn đổ dồn lên đời sống ở nông thôn.

Hơn 2 tuần nay, cô Nguyễn Thị Nga cùng 4 người bạn ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) suốt ngày tha thẩn hết vào lại ra, ruột gan như lửa đốt chỉ vì Tết gần đến nơi mà chưa tìm được việc gì làm phụ giúp gia đình. Trước đây, là công nhân tại một nhà máy ở KCN Hòa Khánh, tuy lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng họ yên tâm với công việc của mình.

Sáng ra, 5 cô cùng nhau đạp xe đi thật sớm, 6-7 giờ chiều về đến nhà. Còn nay, DN làm ăn thua lỗ, công nhân nghỉ việc, các cô không còn sáng đi tối về như trước. Bà Trần Thị Minh, mẹ của 2 cô gái là công nhân nghỉ việc than phiền: “Mấy năm nay, nhờ 2 đứa có lương mà đời sống đỡ chật vật. Cứ tưởng Tết này có thêm tiền thưởng đỡ cho gia đình. Ai ngờ, cả 2 đứa về tay không. Tết này chắc là cái Tết túng thiếu hơn mọi năm. Lo nhất là việc làm cho 2 đứa. Nhà chỉ vài ba sào ruộng, vợ chồng tôi nhiều lúc còn rỗi rãi nữa là. Tình thế này kéo dài, đời sống sẽ vô cùng khó khăn”. 
 
Xã Hòa Liên (Hòa Vang) có hơn 11 nghìn nhân khẩu, hiện tại khoảng 1.500 người đang làm việc tại các DN, chủ yếu tại KCN Hòa Khánh. Nhờ gần KCN, sáng đi tối về, ăn cơm nhà, công nhân tiết kiệm được chi tiêu. Lương 1,2 - 1,4 triệu đồng/tháng, họ cũng có điều kiện giúp gia đình. Nhiều năm nay, nhờ việc làm tại các nhà máy ổn định, đời sống hàng trăm hộ ở Hòa Liên cải thiện đáng kể.
 
Tuy vậy, hiện các hộ này đang đứng trước khó khăn, khi việc làm từ các nhà máy không còn. Ông Phạm Đình Nhơn, trưởng thôn Vân Dương 1 cho hay: Thôn có 355 hộ mà chỉ có hơn 50 ha đất lúa. Nếu không có gần 200 người vào làm ở KCN Hòa Khánh, họ khó kiếm việc làm khác. Tuy lương công nhân chưa thật hấp dẫn, song có việc làm ổn định là niềm hạnh phúc của không ít gia đình ở đây. Nay nhiều người trở về đang là gánh nặng cho gia đình họ. Ít nhất 60-70 người đã từ giã các nhà máy.

Mất việc làm, gánh nặng đè lên cuộc sống mỗi gia đình và hơn thế nữa sẽ là áp lực đối với đời sống xã hội. Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần chủ động và có chính sách hợp lý đối phó với thực trạng này. Lao động từ các nhà máy trở về đều trẻ, khỏe, có khả năng triển khai các dự án phát triển kinh tế. Do vậy, trong giai đoạn này, cần ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vốn và kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, không chỉ phát huy được sức trẻ, mà sẽ là cơ hội để họ tạo nên bước đột phá mới về phát triển kinh tế hộ ở nông thôn.
               
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.