Những ngày giáp Tết, nhiều loại cây cảnh được bán dạo trên đường phố trông xanh mơn mởn, trái nặng trĩu cành, hoa nở thắm tươi tràn đầy sức sống, nhưng mọi người hãy coi chừng kẻo bị lừa do hoa dỏm.
Một người từng mua “nhầm” cây cảnh kể: “Tôi mua một cây hoa từ người bán dạo, được ba ngày thì héo queo. Lần sau, tôi mua hai cây cốc với giá 60.000 đồng. Cây cao chừng ngang đầu gối nhưng đã có cả chục quả non. Quả rũ cành uốn cong trông rất đẹp. Qua vài tháng trời đem về trồng dưới đất (không trồng trong chậu), cây vẫn sống, chỉ có điều… quả cứ non hoài mà không thấy lớn. Bực quá, tôi bỏ luôn”. Ông T. (quận Thanh Khê) lại nói: “Khi tôi thử nhổ gốc lên để coi có phải “đồ thiệt” không thì: Ôi thôi, chỉ trơ trọi cành và… cục đất sét”. Với chút kinh nghiệm từ những người từng mua phải cây cảnh dỏm, chúng tôi tưởng đã có ít vốn lận lưng. Nhưng…
Dễ bị lừa như chơi!
Bên chiếc xe đạp được “độ” đặc biệt để chở hàng chục chậu cây cảnh, người thanh niên tên Trường giới thiệu thường đứng bán trên đường Phan Châu Trinh. Trường cho biết, những cây mình hay bán là trúc Hawai (?), tùng La hán (?), sung, hoa… Giá dao động từ vài chục ngàn đến trên ba trăm ngàn đồng. Các loại cây này được chính tay Trường trồng ở quê (miền Bắc) và thuê xe tải chở vào Đà Nẵng.
Chúng tôi đem chuyện mua cây cảnh dạo về không trồng được hoặc mua phải cây - đúng hơn là cành không có rễ ra hỏi, Trường nói:“Có những người buôn bán thiếu lương tâm như vậy. Họ cố ý lừa để kiếm lời”. Anh khuyên người mua không nên quá tin vào lời của người bán, ít nhất phải có chút hiểu biết và kiểm tra kỹ. Cách nhìn đơn giản nhất là xem lá có xanh và rễ có lồi hay không. Trường thừa nhận: “Bây giờ vẫn còn những người buôn bán kiểu đó.
Nhưng em ở đây làm ăn lâu dài, bán thật kiếm sống”. Tôi ngỏ ý chọn mua một cây, Trường giới thiệu: “Cây me cảnh này dễ trồng, không đòi hỏi công chăm sóc gì cả. Thế lại đẹp. Giá 80.000 đồng”. Và tôi đã mua “cây me cảnh” đó với giá 40.000 đồng.
Một chuyên gia về hoa, cây cảnh, hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu nhìn “cây me” được chúng tôi mang tới trao đổi, lắc đầu: “Thứ nhất, đây là cây Trần Thân, không phải me cảnh. Thứ hai, cây chẳng có thế gì cả. Nói chung là không có giá trị”. Ông giải thích: “Cây bị cắt ngọn thì không còn thế. Có lẽ người bán thừa hiểu cây không có giá nên cũng không gia công gì thêm”. Vậy là dù đã cảnh giác, chúng tôi cũng “không thoát”!
Với những trường hợp mua cây cảnh tươi tốt về nhưng đặt trong nhà một thời gian, cây trở nên kém phát triển, chuyên gia này cho biết: “Để chăm sóc cây cảnh nhỏ trong nhà cần theo các cách: tưới nước thường xuyên theo phương pháp tưới nhẹ ở gốc và tưới phun mù lên cây; mang ra ngoài trời vài ngày/tuần. Từ một đến hai tháng phải thay phân bón để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Muốn trồng lâu dài, cần bổ sung thêm phân viên hữu cơ. Các loại hóa chất này đều có bán nhiều trên thị trường”.
Nói chung, muốn chơi cây cảnh, ít nhất, người chơi phải có kiến thức về sinh vật, kiểu dáng, thế và bỏ ngoài tai những lời quảng cáo ngọt ngào. Ông cho biết thêm: Cây cảnh có thể lớn lên từ hạt, chiết cành hoặc ghép cành. Muốn biết đó là cây chiết thì nên lưu ý: cây thấp, có lá sum suê, gốc không to. Đối với cây ghép, cần xem vết ghép đã liền hay chưa. Nếu vết ghép chưa liền, cây khó sống. Để nhận biết cây không có rễ, người mua nên dùng tay bới nhẹ phần gốc; đồng thời nhìn lá ở ngọn. Đặc biệt, cần để ý kỹ những lá non. Nếu lá héo từ trên xuống, chứng tỏ cây thiếu nước từ gốc.
|
THU HOA