.
Nhà nghiên cứu Thạch Phương:

Quê hương nghĩa nặng tình sâu...

.

Viết địa chí, vấn đề không phải là viết nhiều hay ít, mà viết như thế nào để người đọc có thể cảm nhận được - qua trang viết của anh - những gì mà con người nơi đó đã cày xới để mảnh đất quê hương mình vượt lên phong ba bão táp và đơm hoa kết trái trong suốt các chiều kích của lịch sử, văn hóa.

Đầu năm nay, Kỷ Sửu - 2009, ông sẽ cho in bộ “Địa chí QN-ĐN”.

Một ngày thứ bảy đáng nhớ, tôi tháp tùng Nhà nghiên cứu Thạch Phương tha thẩn qua những con đường, những góc phố, những cây cầu... suốt từ thành phố Đà Nẵng cho đến vùng phụ cận thuộc tỉnh Quảng Nam, dọc theo đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Ông từng “cưỡi... ô-tô xem hoa”, nhưng chỉ đến khi thong thả lang thang bằng xe máy, mới cảm nhận được những gì mà thành phố trẻ còn cất giấu đâu đó trên bước đường tiến ra biển lớn của mình. Còn tôi thì có dịp mở rộng kiến văn trước một nhà nghiên cứu người Quảng đã từng viết địa chí cho bốn địa phương ở Nam Bộ.

Vì sao phải đi nhiều đến thế?

Ông hỏi tôi, sau khi chúng tôi yên vị trong một quán nước dưới chân núi Ngũ Hành. Rồi không đợi câu trả lời, ông thong thả kể về khoảng thời gian ông đi làm quyển địa chí đầu tiên - “Địa chí Long An”. Đây là tỉnh có 4 người đi học ở Nga (trong đó có GS Trần Văn Giàu), 1 Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Để có được độ dày hơn nghìn trang sách, ông đã phải hết căng mắt đọc 12 năm báo Long An (lưu trữ ở thư viện), lại lội khắp khu vực Đồng Tháp Mười, nơi có địa hình thấp trũng chiếm hơn 66% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, thường xuyên bị ngập lụt.

Quê Điện Tiến, nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông công tác 20 năm ở Viện Văn học, Hà Nội. Từ khi vào sống ở TP. Hồ Chí Minh, ông không làm phê bình văn học mà chuyển hẳn qua làm văn hóa, chuyên về địa chí. Cả nước, đếm trên đầu ngón tay, thấy chỉ riêng mình ông viết được 4 quyển địa chí.

Đầu năm 2008, cuốn “Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” của ông và đồng chủ biên Lê Trung Hoa đã được tái bản sau 7 năm phát hành lần đầu. Làm địa chí cho một thành phố 8 triệu dân, sách dày hơn 1.150 trang khổ 19 x 26cm, chỉ riêng phần nhân vật chí đã có đến 600 mục từ, được 17 tờ báo trên cả nước viết về nó, không phải là chuyện một sớm một chiều. Ông đã phải đọc hết 23 năm báo Sài Gòn Giải Phóng, quạt trần thổi bụi trên báo cũ bay mịt mù. Để bổ sung cho lần tái bản, ông lại phải đọc thêm trên báo và đi thêm ngoài thực địa. “Không đi nhiều thì không viết được gì cho ra hồn cả” - ông bảo.

Độ dày của một công trình

Nhà nghiên cứu Thạch Phương trong lần du khảo nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha ở bán đảo Sơn Trà.

Xa quê, viết nhiều sách cho quê người, nhưng quê mình thì ông vẫn còn nặng nợ. Hơn mười năm trước, khi nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) hồi đó để viết địa chí cho chính quê hương mình, ông nghĩ, thế là đã đến lúc trả được món nợ thiêng liêng cho quê nhà yêu dấu.

Tôi đã mấy lần đến thăm ông trong căn phòng nhỏ trên tầng ba Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) TP. Đà Nẵng, nơi ông thu thập tài liệu, gặp gỡ cộng tác viên để hoàn thành bản thảo cho bộ “Địa chí QN-ĐN”. Ông ngồi bên chiếc bàn chất đầy sách báo, tài liệu, thong thả kể chuyện xưa, chuyện nay. Giọng ông sôi nổi khi ca ngợi sự nghiệp lẫy lừng của cha ông, những Anh hùng khai phá như Thoại Ngọc Hầu, Anh hùng văn hóa như Phan Châu Trinh, Anh hùng chống xâm lăng như Nguyễn Duy Hiệu... lúc thì khẽ khàng khi nói về những đau thương, mất mát của vùng đất đầu sóng ngọn gió trước âm mưu thôn tính của ngoại xâm.

Đến nay, “Địa chí QN-ĐN” đã được Hội đồng khảo duyệt tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đọc, góp ý. Ông và đồng chủ biên Nguyễn Đình An đã sửa chữa, hiệu đính xong. So với các địa chí ông đã viết, địa chí về QN-ĐN sẽ có độ dày không chỉ về số trang mà còn cả về quãng thời gian mà nó phản ánh: 1.700 trang với 700 năm hình thành và phát triển của một vùng địa linh nhân kiệt. “Nó dày, không phải vì ta nói về ta, mà nó xứng đáng được như thế. Nói, cốt cho người ta nghe, chứ không phải theo kiểu Quảng Nam cái gì cũng nhất” - ông bộc bạch.

Trang sách và cuộc đời

Đọc sách, với ông, đã trở thành chuyện thường ngày.

Trung tuần tháng 7-2008, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học 100 năm phong trào chống sưu thuế Quảng Nam (1908-2008) tại huyện Đại Lộc. Ông không về được, tiếc lắm, bởi “những hoạt động như thế sẽ làm cho người ta yêu quê mình nhiều hơn”. Ông bị ngã khi leo lên cao để chăm sóc mấy giò lan ở nhà mình trên đường Hồ Bá Kiện, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi miệt mài bên sách vở trong thư phòng trên tầng ba, ông thường thư giãn ít phút với các loại cỏ hoa dưới tầng trệt.

Trước Tết, tôi có vào thăm ông. Tóc ông có trắng hơn, nhưng nụ cười vẫn hồn hậu và cái bắt tay thì tràn đầy tin yêu. Ông hết kể chuyện Sài Gòn lại quay sang kể chuyện ngoài Quảng. Mỗi khi cần minh chứng cho điều mình nói, ông lại đến giá sách rút ra một quyển và lật đúng trang mà ông muốn tìm.

Tết này, ông bước qua tuổi 80, lứa tuổi không cho phép ông làm việc nhiều hơn. Ông giữ lệ khai bút vào sáng mồng một Tết, thường thì chọn một mảng đề tài nào đó tương đối thuận lợi (trong một công trình dài hơi) mà ông đang nghiền ngẫm để viết trơn tuột một lèo lấy “hên” đầu năm. Tết, có khi là thời gian thích hợp nhất để ông ngồi lại và viết xong bài tổng luận - phần “khó gặm” nhất của các sách nghiên cứu nói chung.

Cuối năm rồi, ông hoàn thành bổ sung tái bản lần 2 “Địa chí Long An”. Tết này, ông lại chuẩn bị tái bản lần 3 “Địa chí Bến Tre” cho kịp Festival Dừa và Liên hoan Ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I nhân lễ khánh thành cầu Rạch Miễu và kỷ niệm Đồng khởi Bến Tre (17-1-2009).

Xong đâu đó, ông bắt tay vào công việc mà ông cho là để “trả nợ” quê nhà: xúc tiến in ấn “Địa chí QN-ĐN”. Ông bảo, muốn làm công trình địa chí cho một địa phương nào, trước hết là phải yêu nó, kính trọng nó. Không có sự hiểu biết thì viết không đúng, không có sự yêu kính thì viết không có hồn. Đối với đất Mẹ Quảng Nam, ông còn hơn thế nữa, mỗi trang sách là “một nén hương lòng dâng lên các vị tiền nhân đã góp phần làm rạng rỡ danh xưng của vùng đất trăm mến ngàn thương này”.

 

Đến nay, ông đã xuất bản được 20 đầu sách, trong đó có những bộ sách được giới nghiên cứu đánh giá cao như “Địa chí Long An” (1989, tái bản 2008), “Địa chí Bến Tre” (1991, tái bản lần 1 năm 2001, sắp tái bản lần 2), “Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” (2001, tái bản 2008), “Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu” (2001)…

 

Văn Thành Lê

;
.
.
.
.
.