.

Nhịp cầu nối đôi bờ vui

.

Những ngày cuối năm 2008, người dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên với bao niềm cảm xúc trào dâng khi nghe âm thanh từ công trường xây dựng cầu Trường Định vọng sang. Rồi đây, cây cầu sẽ thay thế chiếc đò ngang đã tồn tại mấy chục năm qua, góp phần đưa vùng quê này gần gũi với các vùng quê khác.

Chiều chiều ra ngóng bờ sông…

Cuối năm 2009 này, học sinh thôn Trường Định qua sông trên con đò nhỏ chỉ là chuyện trong ký ức.

“Rồi đây, cảnh sang sông phải lụy đò sẽ không còn nữa các cô, bác hỉ”?, ông lái đò vừa đẩy mái dầm vừa nói. “Ông cũng tính chuyển sang nghề khác là vừa, chứ mai mốt có cầu rồi, ai còn lụy đò nữa”, ông già ngồi bó gối trong chiếc áo mưa cạnh mui ghe trả lời. “Có thất nghiệp cũng vui. Ở cái tuổi gần 70 như tôi cũng có ý nghĩa đấy chứ, chí ít là tôi còn hy vọng được nhìn thấy dáng dấp của nó ra làm răng trước khi về núi, chứ đời cha ông đi trước đố mà biết được hôm nay thôn mình đang xây chiếc cầu bắc qua”.

Bác nông dân cạnh tôi vừa loay hoay dọn đồ trong khoang ghe vừa góp chuyện: “Nói thật với hai ông, khi nghe báo, đài nói Nhà nước sẽ đầu tư mấy chục tỷ gì đó xây cầu Trường Định làm tôi bán tín, bán nghi. Bởi, làm gì có dự án nào tốn ngần ấy tiền lại chỉ phục vụ cho mấy chục hộ dân chúng ta. Đến khi thấy đoàn xe chở vật liệu, thiết bị chạy lên đóng đô tại Trạm kiểm soát lâm sản, tôi mới tin vào mắt mình”. “Con cũng nghĩ như các bác - anh thanh niên nãy giờ cứ nhìn trụ cầu cao sừng sững, quay lại nói - Nhà nước có quan tâm thì giỏi lắm chỉ hỗ trợ ghe thuyền để bà con mình qua lại an toàn trong mùa mưa bão, chứ ai dám nghĩ tới chiếc cầu bề thế như thế này”.

Bên sông Cu Đê, đoạn qua thôn Trường Định sẽ được nối nhịp cầu, cứ chiều chiều, các bô lão trong thôn rủ nhau ra bờ sông ngóng qua bên kia - nơi niềm hy vọng của họ cứ lớn lên dần theo tốc độ khẩn trương xây dựng chiếc cầu. Ông Hồ Văn Hai, người dân thôn Trường Định hồ hởi: “Thật không thể tin nổi. Bao nhiêu năm mơ ước, bây chừ mới trở thành hiện thực. Vui quá nên mấy hôm nay chúng tôi thường đi ghe qua xem người ta xây dựng cho thỏa con mắt...”.

Nhịp cầu nối đôi bờ vui

Trước đây, vì không có cây cầu, người dân thôn Trường Định gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất và nhất là việc học của con em. Cô Lê Thị Đây, giáo viên Trường tiểu học số 2 Hòa Liên cho biết, cứ mỗi mùa mưa lũ về, việc học của các em học sinh nơi đây rất vất vả và nguy hiểm. Mực nước dâng cao, gió thổi mạnh, không có ghe nào dám đưa xuống bến.

Trước đây đã xảy ra nhiều tai nạn đường thủy nhưng may là chưa có thiệt hại về người. Vì vậy, những hôm mưa to gió lớn, học sinh đành nghỉ học và điệp khúc này vẫn chưa thể có hồi kết nếu đường thủy vẫn là tuyến đường độc đạo vào thôn. Ông Võ Văn Thành, trưởng thôn Trường Định nói: Cũng vì đi lại khó khăn nên đến hôm nay, toàn thôn chúng tôi vẫn chưa có học sinh nào đỗ đại học. Tôi hy vọng, chiếc cầu sẽ góp phần “thông” cái chữ nơi đây.  

Theo ông Phạm Hồng Bính, Đội trưởng Đội thi công công trình cầu Trường Định thuộc Công ty Tư vấn và Xây dựng 72, cầu Trường Định có chiều dài 277m, cốt thép vĩnh cửu, gồm 8 nhịp, 2 mố, 7 trụ với tổng kinh phí đầu tư theo dự toán trên 16 tỷ đồng. Hiện nay, đội đang đóng cọc thử, cọc gài của mố cầu với độ sâu 13,5m nhưng đầu búa 2,5 tấn không đủ lực nên sẽ được thay thế thiết bị khác, đồng thời tiếp tục theo dõi địa tầng. Tuy nhiên, đội sẽ cố gắng để hoàn thành vào cuối năm 2009.

Gần 34 mùa xuân sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, nhân dân vùng đất kiên trung và đầy gian khó Trường Định mới cảm nhận đầy đủ sắc xuân trên những vạt mía, luống rau xanh tốt và ý xuân đang rạng ngời niềm hân hoan trên những gương mặt quanh năm lam lũ khi Tết này, chiếc cầu - niềm mong mỏi thiết tha đến cháy bỏng đã vang những nhịp búa đầu tiên, báo hiệu trong tương lai không xa, nhịp cầu sẽ nối đôi bờ vui…

Bài và ảnh: PHẠM HÙNG

;
.
.
.
.
.