Tết Kỷ Sửu diễn ra giữa thời kinh tế khó khăn, nhưng không vì thế mà bức tranh Xuân kém phần tươi sắc. Ở Đà Nẵng, khách du xuân đến với Hội Hoa xuân vẫn không thua kém so với năm trước; các điểm vui chơi trên khắp thành phố vẫn thu hút một lượng khách đáng kể.
Mới hơn cho“Tết xưa - Tết nay”
Diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tái hiện hoạt động hội hè tại khu Tết xưa. |
Năm nay cầm tinh con trâu nên người bạn “đầu cơ nghiệp” của nhà nông này đã được chọn làm điểm nhấn cho các hoạt động ở khu Tết xưa. Với chủ đề “Bức tranh quê”, Ban tổ chức đã cho tái hiện mô hình một số hoạt động đồng áng: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Con trâu cũng là một trong những nhân vật chính được hơn 20 học sinh ở Đà Nẵng (một số đến từ Hội An) đưa lên tranh của mình trong cuộc thi vẽ “Bức tranh đồng quê và con Trâu”.
Đặc biệt, hoạt cảnh “Tập trận cờ lau” đã tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa bày binh bố trận để về sau dẹp loạn “Thập nhị Sứ quân” và thống nhất sơn hà. Khách du xuân, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng cứ mãi tấm tắc khen ngợi tài nghệ của cậu bé chăn trâu Bộ Lĩnh. Trong tiếng trống dập dồn, tiếng hò reo của “đội quân cờ lau”, các cháu bé hòa mình trong câu chuyện xưa, ánh mắt ngập tràn niềm tin vào tích cũ.
Ở khu Tết nay, ngoài các hoạt động mới như Hội thi Kid Idol (“Búp bê xuân” cũ), Miss Fashion (Thời trang xuân), Tiếng hát Mùa Xuân..., lần đầu tiên chương trình “Xuân yêu thương” được tổ chức tại Hội Hoa xuân Đà Nẵng. Với sự bảo trợ của Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Lao Động và sự cộng tác nhiệt tình của một số doanh nghiệp, hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn này đã góp phần mang lại niềm vui ngày Tết cho 220 hộ khó khăn trên địa bàn thành phố khi mỗi hộ được nhận phần quà trị giá gần 380 nghìn đồng.
Bà Trương Thị Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa (Công ty Công viên Đà Nẵng) cho biết: “Năm nay, để nâng cao chất lượng các hoạt động của Hội Hoa xuân, Ban tổ chức đã mời các doanh nghiệp tham gia bằng hình thức xã hội hóa. Hy vọng rằng Chương trình Xuân yêu thương sẽ được tiếp tục duy trì trong các năm tới để người nghèo cũng có một cái Tết đầm ấm, tươi vui”.
Tết hết, Xuân còn
Sáng mồng 2 Tết, ở điểm vui chơi phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), trong khi các trò chơi khác vắng khách thì đu quay vẫn nườm nượp các cháu nhỏ. |
Tết này, trên địa bàn quận Liên Chiểu có 5 điểm hô bài chòi tại các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Nam và 2 điểm ở Hòa Minh. 3 năm nay, sau khi được Phòng VHTT quận tổ chức tập huấn, đội ngũ những người hát bài chòi ở Liên Chiểu đã ngày một đông hơn và chất lượng hơn, ít nhiều đủ lực để kéo những người ưa chuộng trò chơi dân gian này đến với các hoạt động hội hè ngày Tết. Một trong những người “ghiền” bài chòi là bà Nguyễn Thị Thâm, 85 tuổi, ở tổ 33 phường Hòa Minh, tối nào cũng bảo con cháu đưa đến điểm hô bài chòi ở tổ 34 gần đó.
Điểm hô bài chòi phường Hòa Minh tối mồng 1 Tết: không khí Tết quê xưa giữa lòng đô thị. |
Hội Hoa xuân sẽ khép lại vào hết ngày mồng 6 tháng giêng Âm lịch. Các điểm hô bài chòi cũng thế, riêng đội hô bài chòi Hòa Minh sẽ quay về sân đình Hòa Mỹ phục vụ bà con cho đến ngày 12 Âm lịch - ngày diễn ra các hoạt động chính thức của Lễ hội Đình làng Hòa Mỹ lần thứ 16. Tết hết, nhưng các hoạt động “Mừng Đảng - Đón Xuân” vẫn còn tiếp tục diễn ra. Đội Thông tin lưu động của Phòng VHTT huyện Hòa Vang sẽ bắt đầu lưu diễn từ mồng 7 ở thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong), mồng 8 ở xã Hòa Phú, mồng 9 quay về Lễ hội Đình làng Túy Loan.
Ngày 3-2-2009 (mồng 9 âm lịch), Phòng VHTT quận Liên Chiểu tổ chức Giải đua thuyền truyền thống mở rộng trên sông Thủy Tú. Năm nay có 6 đội nam gồm Hòa Hiệp Nam (2 đội), Hòa Hiệp Bắc (2 đội), Hải Châu và Hòa Liên (Hòa Vang); 4 đội nữ gồm Ngũ Hành Sơn (2 đội), Liên Chiểu và Hòa Liên. Ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng VHTT quận Liên Chiểu hy vọng với lực lượng các đội tham gia hùng hậu như thế, mùa giải năm nay sẽ là một trong những hoạt động đình đám chào mừng Ngày sinh nhật Đảng.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ