Ngày 3-2-1930 đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một trong những sự kiện chính trị to lớn và sâu sắc nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
Cách mạng tháng Tám 1945, một mốc son vàng của Đảng ta. Ảnh: TL |
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Ngày 6-6-1888, triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước đầu hàng dâng nước ta cho thực dân Pháp, từ đó nước ta trở thành thuộc địa của Pháp. Sau khi xâm lược và thôn tính toàn bộ nước ta, thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị chuyên chế, hà khắc và tàn bạo. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và bè lũ tay sai ngày càng gay gắt, khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc ngày càng trở nên bức thiết.
Các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp liên tiếp diễn ra nhưng đều thất bại mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức chặt chẽ và thiếu lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam đã chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Giữa tình hình đó, thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của nhân loại trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, ngọn cờ cổ vũ cách mạng nước ta.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Cũng từ đấy, Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp ức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh, cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo. Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường cách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm Chánh cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.
Tháng 10-1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị. Kế thừa Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Luận cương Chính trị cũng nêu ra cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc và tiến lên giai đoạn xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa (cách mạng xã hội chủ nghĩa). Trong giai đoạn đầu phải chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện mục tiêu “Độc lập dân tộc”, “người cày có ruộng”, trong đó đặt mục tiêu chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Phải xây dựng lực lượng cách mạng rộng rãi của toàn dân, trong đó công nhân giữ vai trò lãnh đạo, công nông là hai động lực chính của cách mạng. Phương pháp cách mạng là bạo lực cách mạng. Cách mạng Việt Nam phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới giành được thắng lợi. Luận cương cũng xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cần phải tăng cường đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kể cả nhân dân Pháp.
Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh đúng đắn, vạch ra con đường cứu nước khác về chất so với những con đường cứu nước do những nhà yêu nước đương thời vạch ra và đã bị bế tắc, thất bại. Chính Cương lĩnh này đã đặt nền tảng cho một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Đảng Cộng sản Việt Nam - người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của sự nghiệp đổi mới có hiệu quả và đúng hướng, là cơ sở bảo đảm cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc, có cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn.
Với những thành tựu mà cách mạng nước ta đã đạt được trong suốt 79 năm qua, với truyền thống đầy tự hào và những kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lũy được trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng vừa qua, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với sức mạnh của cả dân tộc được đoàn kết thống nhất một lòng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, được sự đồng tình của bạn bè quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thế kỷ XXI, vươn tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
PHẠM PHÚ BÌNH (Tổng hợp)