.

Bác làm được sao mình không cố gắng

.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Phong, Hòa Vang, năm 1975, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, với nhiệt tình của tuổi 20, cô giáo Đặng Thị Kim Cúc (sinh năm 1955) xung phong lên miền núi huyện Hiên (QN-ĐN cũ) dạy học. Bằng nhiệt tâm của nghề giáo, cô đã cống hiến sức trẻ của mình để dạy dỗ, dìu dắt các em nên người. Năm 1982 cô chuyển về dạy tại Trường tiểu học Nguyễn Du, phường Hòa Thuận (cũ). Tại môi trường mới, cô cũng dành hết tình yêu thương cho các em, có những em học sinh học chưa thật tốt hay có hoàn cảnh khó khăn, cô tổ chức lớp học phụ đạo miễn phí tại nhà.

“Vườn tuổi thơ” của Trường tiểu học Lý Công Uẩn luôn thu hút các em học sinh đến đọc sách, truyện và nghỉ ngơi trong giờ ra chơi.             

Với những cống hiến không mệt mỏi, cô Cúc đã được đề bạt làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du. Sau này, khi Trường tiểu học Lý Công Uẩn (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) thành lập, cô được luân chuyển về trường. Với cô, là giáo viên đứng lớp hay người quản lý, cô luôn trăn trở vì học sinh, vì chất lượng dạy và học, hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Sau khi Đảng ủy phường Hòa Thuận Tây triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cô tâm sự: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là mục tiêu phấn đấu cao nhất của tôi. Những việc làm đời thường, bình dị nhưng mang giá trị nhân văn cao cả của Bác đã dẫn lối cho tôi trong cuộc sống, trong công việc. Soi vào tấm gương đạo đức của  Bác, một vị lãnh tụ vĩ đại, tôi tâm niệm Bác làm được sao mình không cố gắng...”. Chính từ những suy nghĩ đó, mặc dù là người quản lý nhưng trước 5 em bị lưu ban trong năm học 2007-2008, cô đã vận động 5 em học sinh đến trường trong dịp hè.

Và ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng, tự cô bồi dưỡng, phụ đạo miễn phí cho các em. Có em nhà ở xa, có em học yếu đâm ra chán nản, có em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện học tập, cô đến từng gia đình động viên và kiên nhẫn kèm cặp các em lấy lại kiến thức cơ bản. Và qua kỳ sát hạch, hiện 5 em đã lên lớp và có tiến bộ nhanh, trong năm học 2008-2009 các em đều là học sinh có học lực trung bình khá và khá, chữ viết đã đẹp hơn, nắn nót hơn.

Cùng với Ban giám hiệu, cô luôn trăn trở để có những đề xuất phù hợp với nhà trường trong việc dạy và học. Năm 2008, Trường tiểu học Lý Công Uẩn được chọn thực hiện điểm CVĐ “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Sau khi học hỏi kinh nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh, cô cùng với tập thể Ban Giám hiệu dựa vào điều kiện thực tế và đã xây dựng được môi trường dạy và học thích hợp:

Bốn em học sinh (ngồi bàn đầu) là những học sinh cá biệt trong năm học trước được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của cô Cúc và các thầy cô giáo trong trường nay đã tiến bộ rõ rệt. Ảnh: QUỐC TÍN

“Vườn tuổi thơ” với thiết kế đẹp mắt, có cây, hoa lá và có những con đường đất nho nhỏ chạy dọc theo những hàng ghế đá con con, phía trên treo những giỏ sách là những nơi vui chơi giải trí rất bổ ích cho các em sau những giờ học căng thẳng. Hộp thư “Điều em muốn nói” cũng nhận được nhiều tâm tư, nguyện vọng, ước mơ của các em.
 
Tại các hành lang đều có các bảng tóm tắt ngắn gọn về lịch sử của các danh nhân, các sự kiện lớn của đất nước để giáo dục truyền thống, tạo ý thức về lòng tự hào dân tộc cho các em ngay khi còn nhỏ... Tất cả đều xuất phát từ lòng yêu trẻ, và hơn hết là thể hiện tình cảm của bản thân đối với Bác – một người luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

“Tôi sẽ làm tất cả những việc mình có thể cho các em học sinh thân yêu, cố gắng làm một người có ích cho xã hội; liên tục học tập, cống hiến là việc làm thiết thực nhất để tôi thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...”. Đó chính là những lời nói từ đáy lòng của một đảng viên gương mẫu, luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu.                       

Lê Quý Hà

;
.
.
.
.
.