.
BÁC SĨ TÌNH NGUYỆN

Lớn lên từ những chuyến đi

.

“Có đến và khám chữa bệnh cho những người dân nghèo khó ở những vùng quê mới thấm thía vì sao người dân quê lại mắc những bệnh nan y mà không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bởi ở đó, chuyện mưu sinh lam lũ đã khiến họ quên đi những căn bệnh mà mình đang mang trên cơ thể”. Đó là cảm nhận của bác sĩ Phạm Văn Thành, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng, khi kể về những lần khám ngoại viện miễn phí.

Bác sĩ Phạm Văn Thành và những trẻ em khó khăn, không nơi nương tựa đang được nuôi dưỡng tại thành phố Đà Nẵng.

Bác sĩ Thành cho biết, mỗi chuyến đi tình nguyện khám chữa bệnh, không chỉ bà con vui mà các bác sĩ trong đoàn ai cũng vui vì khi đó chúng tôi có nhiều thời gian hơn để hỏi thăm sức khỏe của từng người dân. Không giống như những ca trực với đầy ắp bệnh nhân đứng chờ tại bệnh viện, người dân các vùng quê như Hòa Quý, Hòa Xuân, Hòa Bắc, Hòa Phú và ở những địa bàn xa xôi của Quảng Nam rất từ tốn, họ kiên nhẫn ngồi hàng giờ, thậm chí nhịn ăn trưa để đợi tới lượt mình thăm khám. Có nhiều người chờ chỉ để thấy được bác sĩ thành phố khác những y sĩ, y tá vùng nông thôn như thế nào.


Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam vốn là cái nôi cách mạng nhưng cũng rất nghèo khó, ngày còn bé, Phạm Văn Thành nhiều lần chứng kiến cảnh người thân và bà con ở quê anh chết do bệnh tật mà không đủ điều kiện chữa trị. Do vậy, từ nhỏ anh ước mong được khoác áo blouse trắng và quyết tâm thi vào trường Y để có cơ hội chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ người nghèo. Ngay khi trở thành sinh viên y khoa năm thứ nhất, Thành đã hăm hở tham gia công tác xã hội.
 
 


“Giá trị đích thực của người thầy thuốc trong thời điểm hiện tại không chỉ dừng lại ở việc đến phòng khám, chẩn đoán và ghi toa thuốc cho người bệnh mà cần phải biết phát động và tổ chức những chuyến đi xa, đến với đồng bào nghèo.

Đến đó mới biết được đời sống thực của người bệnh, đến đó để học được thêm những kỹ năng sống, cống hiến mà mỗi người bệnh phó thác tính mạng cho người thầy thuốc”

- Bác sĩ PHẠM HÙNG CHIẾN, Giám đốc Sở Y tế thành phố.

 
Năm nào anh cũng đi cả chục chuyến cùng đội công tác xã hội của trường khám chữa bệnh cho bà con vùng xa, hẻo lánh… “Tùy theo tính chất của mỗi đợt đi khám bệnh, tôi được phân công các nhiệm vụ khác nhau, từ việc tiếp nhận bệnh nhân, đo huyết áp, phát thuốc hay đo điện tâm đồ, khám bệnh... Việc được tham gia các chuyến đi như vậy đã giúp cho sinh viên nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán bệnh sau này”, Thành tâm sự.

Đầu năm 2009, chúng tôi có dịp theo đoàn bác sĩ Quân y thuộc Đoàn Phòng không B75 khám bệnh cho người dân tại Trạm xá quân - dân y kết hợp xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Tại đây, 300 người dân đã được khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Gần 10 năm nay, Thiếu tá Đặng Tiến Dũng, Chủ nhiệm Quân y của đoàn  luôn dẫn đầu những chuyến đi khám bệnh dã ngoại.
 

“Những chuyến đi khám bệnh cho người dân bao giờ cũng vất vả, nhưng đó cũng chính là cơ hội cho các bác sĩ trẻ hiểu hơn y đức cũng như hoàn cảnh người dân ở thôn quê để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình”, bác sĩ Dũng tâm sự. Anh cho biết, khi khám bệnh cho bà con mới phát hiện người dân quê mắc rất nhiều bệnh cùng một lúc. Nhất là các bệnh hen mãn tính, rồi ho, mất ngủ do rối loạn tiền đình… Với trẻ em thì mắc bệnh đường ruột, suy dinh dưỡng. Đây chỉ là những căn bệnh thông thường nhưng có đi mới phát hiện và hướng dẫn cụ thể để người dân biết cách chữa trị.       
  
 

Tháng 10-2008, CLB Thầy thuốc trẻ của thành phố được thành lập với mục đích đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ trong các bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ hội viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển nghề nghiệp và chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y khoa cho đất nước, giúp đỡ hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện.

 
Ở thành phố Đà Nẵng, mỗi năm đã có hàng chục ngàn người dân vùng nông thôn được khám chữa bệnh miễn phí và có không ít bệnh nhân được cứu sống qua những chuyến tình nguyện của những bác sĩ thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng và CLB Cán bộ trẻ thành phố tổ chức. Với nhiều bác sĩ trẻ mới vào nghề, đó là cơ hội để được thử thách; những bác sĩ đã có nhiều năm công tác, những chuyến đi như thế giúp phát hiện những căn bệnh mới, có thể nghiên cứu, ứng dụng trong chuyên môn. 
 
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG  

;
.
.
.
.
.