.

Đi mua nỗi lo

.

Đầu năm, nhiều người rủ nhau đi coi bói xem vận hạn, gia cảnh, tình duyên. Người không tin chỉ xem để giải trí. Người quá tin, sau khi nghe “thầy” phán, coi như cả năm sống trong thấp thỏm, buồn phiền, lo âu.

Đi lễ chùa đầu xuân là  nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, nhưng có nhiều người lại bốc xăm, xin quẻ số để cầu lợi lộc...(Ảnh minh họa)

Ngày đầu năm đi làm, một chị rủ tôi: “Có đi coi thầy không, chỗ này hay thiệt. Thầy nói ứng với mạng lắm!”. Vì tò mò, tôi cũng muốn đi thử xem sao. Chỗ của “thầy” chẳng đi đâu cho xa. Đối diện với mặt tiền Siêu thị BigC Đà Nẵng. Không biết “thầy” coi có trúng không, nhưng trước tiên vào nhà thầy đã mất ngay 5.000 đồng gửi chiếc xe máy. Để gặp “thầy” phải đi lên lầu 2. Tại đây, nhiều người (hầu hết là phụ nữ) đủ loại tuổi đã có mặt khá đông, họ ngồi uống nước trà chờ tới lượt mình.

Lấy lý do là đã hẹn từ ngày hôm trước, tôi và 2 người bạn cùng tuổi ngồi xếp hàng để “thầy” xem trước. Sau một lúc ngó nghiêng, “thầy” phán một hồi rồi chốt một câu: “Năm nay không được đi xa. Tai ương vạ gió có ngày thiệt thân”. Tới lượt 2 cô bạn, mặc dù đã có chồng (không nói ra) nhưng “thầy” bảo: “Số con chưa cho lấy được chồng, còn phải chờ ơn trên mới được nghe”.

10 phút một người, 10 phút khác người kế tiếp. Cũng vẫn từng đó ngôn từ xoay quanh cuộc đời được và mất, có quý nhân phù trợ và tai họa. Không biết “thầy” xem có vận đúng vào mệnh của mỗi người hay không, nhưng cả buổi sáng, tính trung bình cứ 20-50 nghìn đồng/10 phút/người, “thầy” bỏ túi mấy trăm ngàn đồng ngon ơ. Nhớ lại dịp Tết 2008, chúng tôi có tới xem “thầy” và được phán: “Năm nay con mà sinh em bé là gia đình sẽ có tang”. Một năm hoang mang tột độ. Cuối cùng cũng yên lành.

Đi xem bói rầm rộ trong khoảng 1 tháng sau Tết. Nhiều “thầy” vốn là những người “ăn không ngồi rồi”, chờ tiền con cái đi làm ăn xa gửi về, bỗng dưng sau Tết dựng am, thắp nhang, tự cho mình là “căn tu”, đệ tử của “ơn trên”. Người tin vẫn cứ tin. Không biết số người có khả năng hiểu thấu cõi thần linh có nhiều không, nhưng nhiều “thầy” chỉ thấy hành nghề dịp Tết, rồi biến mất khỏi địa phương.

Thoạt nhìn vào biển cắt tóc, cạo mặt ở đường Ngô Gia Tự, không ai nghĩ bên trong “cô” hành nghề coi tướng số, tử vi. Một người bạn người Quảng Trị từng đến đây cho biết: “Thầy nói chi phải nghe nấy, nếu không thầy cho... chết đó”. Nghe mà sợ, nhưng rồi cũng tin. Ba ngày Tết, vui vẻ đâu không thấy, đi mua sách bói toán tử vi rồi chuốc lấy nỗi lo nơm nớp. Không dám bước chân ra đường sợ sao “quả tạ” đè lên…
 
Một quẻ xăm vừa được người dân hái tại chùa.
Đi chùa đầu xuân là nét văn hóa đẹp của người dân Việt bao đời nay nhưng có nhiều người lại bốc xăm, xin quẻ số để cầu lợi lộc. Qua mấy ngày trong và sau Tết, chúng tôi thấy ở nhiều chùa trên địa bàn như Quang Minh, Bát Nhã, Bảo Tiên và một số chùa nhỏ ở Quảng Nam có rất nhiều người tìm tới xin lá xăm.
 
Ở các chùa lá xăm được treo trên cây cao, trước khi lấy phải vái nhà Phật. Đa số các quẻ đều khuyên chúng sinh ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, làm điều thiện mới mong “hái quả”. Tuy nhiên, vì niềm tin mù quáng, nhiều người tìm đến “thầy” coi bói đầu năm để kiếm lợi thông qua việc cúng sao giải hạn, dâng lộc lễ đầy mong tai qua nạn khỏi. Có nhiều chị đã tin theo lời thầy, xăm môi, xăm mắt để mong giữ chân được... chồng là điều không nên.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.