Bước vào đầu năm 1965, khi cuộc chiến tranh đặc biệt sắp cáo chung thì quân Mỹ hùng hổ nhảy vào gây nên cuộc chiến tranh cục bộ đẫm máu. Ngày 8-3-1965, hai tiểu đoàn đầu tiên thuộc Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Ô-ki-na-oa đổ bộ lên cảng Đà Nẵng. Hai tháng sau, ngày 7-5-1965, cả Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ lại tràn vào Chu Lai. Chưa đầy 3 tháng, Đà Nẵng-Chu Lai trở thành căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân của Mỹ vào loại lớn nhất miền Trung lúc bấy giờ. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy Quảng Đà cho ra đời Đội trinh sát đầu tiên với phiên hiệu C110.
Đồng chí Hoàng Văn Lai (người mặc thường phục), Trưởng ban An ninh Quảng Đà giao nhiệm vụ cho Đội an ninh vũ trang đi diệt ác phá kìm. |
Mấy ngày sau, đội về đứng chân ở vùng ven Hội An và một tháng sau đó được giao nhiệm vụ đánh diệt tên Lư, đồn trưởng đồn Giềnh. Hắn là một tên ác ôn khét tiếng. Mới đến nhận nhiệm vụ chưa đầy 2 tháng, hắn đã tự tay cắt tai, rạch miệng, chôn sống hơn 50 người dân vô tội. Hắn gian manh, tàn bạo nhưng nhát gan và rất sợ mất mạng. Lúc nào hắn cũng đeo lủng lẳng trên cổ chiếc răng hổ để làm bùa hộ mệnh.
Hễ bước ra cổng đồn hắn đều có lính bảy, lính ba bảo vệ. Đồn Giềnh hồi ấy đóng tại xã Cẩm Hà, ở một địa thế rất hiếm. Trước cổng có cồn, chung quanh có sông Đại bao bọc. Sông rộng hàng cây số. Muốn vào đồn phải lội đi, lội lại ba lần, vượt qua chi chít những chốt điểm bảo an. Phòng vệ dân sự, lại còn 2 trung đội thám sát tuần giang ngày đêm túc trực, sẵn sàng bung ra vây ráp, lùng bố bất cứ lúc nào. Hắn luôn vênh vang cho rằng chỗ hắn ở, khu vực hắn cai quản là bất khả xâm phạm, là cửa tử.
Từ ngày được giao nhiệm vụ, ai cũng nóng lòng lo toan để sớm hoàn thành. Có điều cả đội chưa có ai thông thạo địa hình. Bơi lội có người chưa giỏi, vũ khí chỉ có K50, AR15 cồng kềnh, khó che giấu. Khó là thế nhưng không có ai bàn lùi, không ai nản. Đêm đêm, bí mật tiềm nhập, tiếp cận mục tiêu, trinh sát địa hình, ngày ngày hóa trang ra vào thị xã, dò tìm phát triển cơ sở. Đến ngày 19-5-1965, nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, cả đội phấn chấn lên đường, lòng chứa chan niềm tin tất thắng. Tổ ba người Nhân, Điểu, Nhàn bí mật vượt sông, phục sẵn trên đường ra bến đậu của bọn thám sát tuần giang. Còn Tư và Ngọc ở bên này sông sẵn sàng chi viện.
Cơ sở cho biết: Đêm nay tên Lư dẫn lính đi phục kích, tảng sáng mới quay về. Đêm tàn dần. Trời ngày hè hắt nắng chói chang vào đống cây đậu ven đường, nơi Nhân đang ẩn náu từ tối đến giờ. Nóng như thiêu, tay chân tê dại. Mình đau như dần. Lũ kiến lửa càng lúc càng đông, thi nhau nhào vào Nhân mà cắn. Năm giờ, bảy giờ, chín giờ rồi mười một giờ. Từng phút, từng phút trôi qua nặng nề. Càng về trưa nắng càng gắt. Lúc này người qua lại trên đường rất đông. Lũ lính thám sát tuần giang vừa tan ca, lục tục kéo lên bờ, sà vào mấy quán nhậu mọc bên vệ đường. Nhân vẫn nằm đó, nghiến răng, gồng mình, bất động, kiên nhẫn chờ đợi.
Mười một giờ ba mươi phút, tên Lư bất thần bước ra khỏi cổng đồn. Theo sau là 5 tên hộ vệ, mắt nháo nhác nhìn quanh. Tay đặt sẵn lên cò khẩu súng Ru-lô đeo trước bụng. Chiếc bùa hộ mệnh lắc lư trước ngực. Bỗng hắn dừng lại bên đống cây đậu. Thời cơ có một không hai. Đợi cho mấy người đi đường vượt qua. Nhân chồm dậy.
Một loạt AR15 nổ giòn. Tên Lư đổ gục như tàu lá héo. Nhân bước đến đặt bản án lên xác rồi nhanh như con sóc chạy ra bến, nhào xuống sông lặn một hơi sang bên kia bờ. Sự việc diễn ra quá bất ngờ và chóng vánh khiến bọn địch không kịp trở tay. Ngay cả bọn thám sát tuần giang, lúc nào cũng ăn chực nằm chờ trên bo bo không kịp nổ súng. Tin Cách mạng trừng trị tên ác ôn Lư ngay tại hang ổ như một luồng gió mát thổi vào lòng đồng bào đang bị kìm kẹp. Bọn tay sai ngày đêm lo sợ, không còn dám nghênh ngang như trước.
TRẦN BÁ VĨNH(Theo Lịch sử Bộ đội Biên phòng)