Sau một năm nhìn lại, công tác CCHC tại thành phố Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực cả về chiều sâu lẫn phong trào, tuy vậy cũng phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu. Lãnh đạo thành phố đã từng có ý kiến rằng, lĩnh vực CCHC được nói đến nhiều nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, nhưng kết quả thì chưa tương xứng với sự mong đợi ấy.
Khai giảng lớp đào tạo bí thư, chủ tịch phường, xã. Ảnh: S.TRUNG |
Trong lĩnh vực cải cách thể chế, nhất là trong thủ tục hành chính, thành phố tiếp tục ban hành nhiều quy định, tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010”; triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực cấp giấy đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư, đất đai, lao động, thương binh và xã hội và đang thử nghiệm liên thông trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng tại phường; triển khai một số dịch vụ công thông qua mạng như tờ khai đăng ký tại hải quan, đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh cho tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và đối với hộ kinh doanh cá thể tại UBND quận Hải Châu, Thanh Khê; cấp giấy phép đầu tư tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư.
Sở Nội vụ với chương trình đăng ký tiếp nhận đối tượng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các cơ quan Trung ương và các địa phương khác; Sở Ngoại vụ với việc đăng ký hồ sơ chuẩn y việc đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy phép văn phòng dự án hoặc địa bàn hoạt động tại thành phố Đà Nẵng; Công an thành phố thí điểm thực hiện việc cấp giấy chứng minh nhân dân qua Internet; cấp giấy phép X-quang, đăng ký hoạt động khoa học công nghệ, xin phép xuất bản bản tin, cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh tại các Sở Khoa học-Công nghệ và Thông tin-Truyền thông.
Hiện tại còn một số dịch vụ công đang trong giai đoạn thí điểm như việc cấp giấy phép thi công công trình giao thông, giấy phép cấp tem kiểm định xe taxi, đổi giấy phép liên vận... Việc sắp xếp lại một số cơ quan chuyên môn thuộc thành phố, quận, huyện theo quy định của Chính phủ đã được thực hiện một cách nghiêm túc và đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, không để ảnh hưởng công việc, CBCC không phải chờ đợi bố trí công tác; chỉ duy nhất 1 sở có số cấp phó là 5 người, còn lại đều bảo đảm số lượng theo quy định.
Hiện tại thành phố được Trung ương cho phép xây dựng đề án tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền đô thị mà trước mắt thực hiện không tổ chức HĐND cấp quận, huyện và phường, đây là điểm mới mà thành phố cũng đã có sự chủ động chuẩn bị. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCC rất được chú trọng, thành phố coi đây là yêu cầu bức xúc, trong năm 2008 có hơn 26% CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên các lĩnh vực, trong đó gần 100 người theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và đến nay đã cử gần 60 người đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Về nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố đã cấp học bổng cho gần 200 học sinh đã tốt nghiệp phổ thông có thành tích xuất sắc đưa đi đào tạo trong và ngoài nước, hiện tại và trong tương lai không xa, đội ngũ này sẽ đáp ứng được phần nào sự mong đợi của thành phố. Đối với đội ngũ CBCC cơ sở, trong năm qua đã hoàn thành lớp đào tạo quản lý và kỹ năng cho đối tượng dự nguồn các chức danh chủ chốt cấp xã, phường; ngoài ra còn mở 1 lớp đào tạo chính quy cho chức danh bí thư, chủ tịch UBND cấp xã tổ chức vào đầu năm 2009.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút cán bộ từ bên ngoài vào cũng đã có kết quả đáng khích lệ; con số gần 100 người đến với Đà Nẵng trong 1 năm là khá thuyết phục, trong đó có 2 tiến sĩ và một PGS-tiến sĩ, 15 thạc sĩ, còn lại là sinh viên loại giỏi và một số ít loại khá thu hút về công tác tại xã, phường. Điều đáng nói ở đây là hạn chế được xu thế chảy máu chất xám trong các cơ quan Nhà nước hiện đang diễn ra. Trong việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức thì việc mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ thuộc diện cán bộ chủ chốt cấp sở, huyện và tương đương tuổi đời trẻ dưới 35 tuổi, có phẩm chất, năng lực cũng được chú ý.
Phát huy kết quả thi tuyển chức danh lãnh đạo, trong năm cũng đã có hơn 10 vị trí được bổ nhiệm bằng hình thức này, qua đó cho thấy đây là chủ trương đúng đắn được nhiều người quan tâm, làm cho công tác cán bộ có sự linh hoạt, cởi mở hơn và thực sự là một cuộc đua tài công khai. Mặt khác, để duy trì được kỷ cương trong hoạt động công vụ, công tác thanh tra, kiểm tra rất được chú trọng, bằng nhiều giải pháp kể cả phối hợp với các địa phương, đơn vị đã tổ chức 135 lượt thanh tra, kiểm tra về CCHC, góp phần duy trì và kịp thời chấn chỉnh các tồn tại để công tác CCHC ngày càng tốt hơn.
Từ những kết quả trên, nên năm qua công tác CCHC đã góp phần nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng dẫn đầu cả nước. Sắp đến thành phố cũng sẽ tiến hành xếp hạng lại cho các đơn vị trực thuộc, bao gồm các sở, ngành, quận, huyện theo Quyết định số 7079/QĐ-UBND ngày 29-8-2008 của UBND thành phố ban hành Quy định về việc đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Tuy vậy, công tác CCHC tại thành phố Đà Nẵng cũng còn nhiều nỗi lo, trăn trở. Tình trạng hồ sơ của tổ chức, công dân trễ hẹn còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực đất đai, cá biệt có nơi đến 30%. Hiện tượng nhũng nhiễu của CBCC vẫn còn, đâu đó vẫn còn ta thán về việc muốn được một lô đất tái định cư ưng ý thì phải chung chi, xin việc làm cũng phải tốn kém; chuyển trường, vào bệnh viện cũng còn phải bồi dưỡng; thái độ một số công chức còn thờ ơ, lãnh cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, bức xúc của người dân. cũng có những CBCC còn thái độ ban ơn, chờ đợi bồi dưỡng khi giải quyết công việc của dân; trong công việc còn theo kiểu sáng vác ô đi, chiều vác ô về, thiếu sự năng động, hiệu quả.
Tình trạng thừa những người không làm được việc vẫn còn; chính sách động viên nghỉ trước tuổi của thành phố đối với các chức danh quản lý chưa đạt như mong muốn; người có năng lực vẫn còn thiếu việc làm, giảm tính sáng tạo vì phải sẻ chia, chế độ đãi ngộ vẫn cứ tiếp tục bình quân, cào bằng, thiếu sự động viên khuyến khích người giỏi; tâm lý chờ đợi, ỷ lại còn là một trở lực lớn, các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội như bảo vệ môi trường, an ninh trật tự công cộng dân cư, nạn phá rừng... cũng có một phần trách nhiệm của đội ngũ CBCC.
Năm 2009, công tác CCHC rất nặng nề, thành phố triển khai thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, lãnh đạo thành phố tiếp tục gợi mở nhiều chủ trương táo bạo như đề xuất cơ chế dân bầu trực tiếp lãnh đạo để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu thành phố, chịu trách nhiệm với dân, nghiên cứu chính sách hình thành quỹ công chức để mỗi CBCC có khoản thu nhập hằng tháng ngoài lương mà an tâm công tác, minh bạch và trong sạch hóa khi thực thi công vụ; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; làm tốt hơn nữa đầu tư và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và đội ngũ chuyên gia; bồi dưỡng để công chức từng bước chuyên nghiệp hóa; tiếp tục giữ được vị trí về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực cao, sự mẫn cán, năng động của đội ngũ CB, CC, VC toàn thành phố.
ĐẶNG CÔNG NGỮ
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng