.

Người lao động mất việc, đi đâu?

.

Người lao động bỗng dưng... nghỉ Tết dài dài, không biết mình đi đâu, về đâu khi không có lời hứa hẹn chắc chắn nào từ các DN về ngày trở lại. 

Bỗng dưng... muốn khóc

Nghỉ Tết xong, được ngồi trong công xưởng như thế này là niềm ao ước của nhiều người lao động. 

Ngày nghỉ Tết của nhiều người lao động đang kéo dài vô thời hạn, trong khi hầu hết các công sở đã “mở hàng” từ 30-1 (tức mồng 5 Tết). Bị cắt “cái rụp” hợp đồng 4 tháng ngay từ 22 tháng Chạp năm ngoái, chị Nguyễn Thị Hậu, 28 tuổi (tổ 10 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đành nằm nhà “ăn cơm cha mẹ”. Và vì cho chị nghỉ sớm nên DN “lơ” luôn khoản tiền hỗ trợ hoặc thưởng Tết. Ở trong nhóm công nhân tay nghề cao của bộ phận may, chị được DN ưu ái gọi về vào mùng 10 Tết, với điều kiện “mang hồ sơ tới và ký hợp đồng lại từ đầu”.

Trường hợp như chị Hậu được coi là may mắn đối với những người bị mất việc ngay thời điểm trước Tết vài ba ngày. Chị Trần Thị Ly (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) mới mang bầu 7 tháng đã được công ty khuyến khích nghỉ sớm vì lý do “hết hàng”. Cũng mới vào làm việc 5 tháng, chị không được hưởng tiền trợ cấp nghỉ sinh (công nhân có thời gian làm việc ở công ty này từ 6 tháng trở lên mới chính thức hưởng chế độ – PV). Như nhiều người khác, chị Ly chẳng biết sau khi sinh xong bao lâu thì mình trở lại công việc.
 
“Tùy hàng công ty, nếu có họ kêu, không thì thôi chứ biết răng chừ”, chị nói. Ông Nguyễn Trưng, thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang bày tỏ lo ngại khi con gái mình (24 tuổi) bị mất việc từ trước Tết 3 tháng. Và theo ông, trong xóm ông ở có khoảng 5 công nhân làm ở các cơ sở sản xuất đồ chơi, dệt-may, chế biến gỗ đang thất nghiệp. “Mấy đứa có tay nghề tốt, DN cũng cho hưởng lương 600 nghìn đồng/tháng để giữ chân, nhưng ngày đi làm lại thì vẫn lơ lửng”, ông ngán ngẩm. 

Tiến  - lùi đều không xong

Dù được kêu lại, chị Nguyễn Thị Hậu vẫn chần chừ không muốn đi: “Ai biết tới đó rồi họ có bắt ký hợp đồng 4 tháng nữa không. Lỡ hết 4 tháng họ cho nghỉ tiếp, mình đi đâu. Không lẽ ngồi chờ họ dài cổ. Làm như họ thích thì kêu, không thích thì thôi”. Chị lo vừa mất công tìm việc, vừa chạy luần quần không ổn định. Muốn tìm công việc chắc chắn, lâu dài đối với chị Hậu và nhiều người xem ra không dễ dàng gì.

Ông Trưng cho hay: “Con gái tôi từ đó tới nay vác đơn đi các nơi mà đâu kiếm được việc. Tới đâu cũng nghe “hàng không chạy”. Họ gần như là lao động chính trong nhà, nên mất đi khoản thu nhập từ 1,2 -1,6 triệu đồng/tháng, sinh hoạt của gia đình bỗng chông chênh. “Cả gia đình chỉ còn tôi và vợ cày cuốc, 4 đứa con đều không làm ra tiền. Bữa chợ lúc trước 15 nghìn đồng/ngày, chừ tụt xuống 5 nghìn đồng”, ông Trưng tâm sự.

Công nhân quen tay cầm máy móc, giờ sống nhờ gia đình, cầm cày cuốc không quen nên cũng không giúp được gì nhiều. “Mấy bữa đi làm còn rộng rãi chút, chừ rau dưa trong vườn nhà có chi ăn nấy, chờ sinh xong hẵng hay”, chị Ly nói. Ông Kiều Niệm, tổ 7 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cũng lắc đầu cho biết, con cháu ông làm công nhân rất nhiều và đang trong tình cảnh tiến không đặng, lùi không xong: “Làm thì lương rất ít do hàng không có, nhưng mình biểu tụi nó nghỉ cũng không được. Nó nghỉ rồi mình tiền đâu lo cho nó”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.