.

Những công trình có tuổi

.

Không riêng gì du khách mà ngay cả không ít người dân Đà Nẵng vẫn nghĩ rằng thành phố bên sông Hàn này tuổi chỉ mới nhỉnh hơn một thế kỷ thì làm gì có kiến trúc cũ. Mọi người sẽ có một cái nhìn khác, nếu cất công dạo một vòng quanh trung tâm thành phố và lắng nghe các ngôi nhà cổ lên tiếng.

Công trình lâu đời nhất

Tuy tuổi đời không cao, nhưng Cơ quan UBND thành phố Đà Nẵng có giá trị cao về văn hóa-lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, vị trí và hiệu quả sử dụng.

Đó là Trường tiểu học Phù Đổng, tọa lạc trên đường Yên Bái. Ban đầu, trường có tên là Ecole Franco - Annamite (Trường Pháp – Việt), dạy học trò là con người Pháp và một số người Việt. Đến năm 1928, do sĩ số gia tăng nên nữ sinh được tách vào trường mới mang tên Ecole des Jeunes Filles (Trường Con gái); trường cũ được đổi tên thành Ecole des Garçons (Trường Con trai). Trường mang tên Tiểu học Phù Đổng từ đầu năm 1976 đến nay.

Được xây dựng từ năm 1890, chỉ sau 2 năm Đà Nẵng trở thành thành phố nhượng địa của Pháp bởi Đạo dụ năm Mậu Tý (3-10-1888) do vua Đồng Khánh hạ bút ký, trường học đầu tiên ở Đà Nẵng này đã đi vào tâm khảm những ông cụ, bà cụ một thời làm học trò ở đó. Mỗi mồng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tất cả lại hẹn nhau về thăm trường cũ, ôn lại kỷ niệm xưa.

Buổi họp mặt năm nay có gần 30 người, trong đó có nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà báo Đoàn Bá Từ, nguyên Chủ nhiệm CLB Tiếng Pháp Phạm Ngọc Cừ... Ông Từ sinh năm 1919, đến năm 1932 là vừa tròn 13 tuổi, đủ điều kiện để thi vào trường. Ông Lành (về sau là nhà thơ Tố Hữu) phải khai tăng thêm 1 tuổi mới được thi vào trường và học chung lớp với ông Từ. Hồi đó, theo lời ông Từ, vào học ở đây không phải chuyện dễ, Nha Học chính Pháp cử 2 vợ chồng Thanh tra Học chính từ Pháp qua, ra đề bài thi viết và trực tiếp hỏi vấn đáp.

Qua cái nhìn của các thế hệ học trò đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” như ông Từ, trường xưa đã có ít nhiều thay đổi. Ban đầu chỉ có hai dãy lớp hai bên, ở giữa là một khoảng sân rộng với một nhà vệ sinh rất cao. Dãy lầu ở giữa mới được xây dựng về sau này theo mô-tip kiến trúc cũ. Ông Từ học ở phòng đầu tiên bên trái từ trong nhìn ra, ông nhớ hết tên các thầy giáo dạy mình ở bậc tiểu học. Dạy trường Tây, nhưng các thầy đều mặc áo dài ta truyền thống, duy chỉ thầy Thái Viên là mặc đồ Tây.

Học trò xưa dù xa cách bao lâu, nhưng cứ bước vào sân là biết ngay trường cũ, nét kiến trúc rất riêng ấy không lẫn vào đâu được. Có người ở rất xa như bà Nguyễn Thị Như Hường (còn gọi là Nhung) hiện định cư ở Pháp cũng vẫn đau đáu nỗi nhớ trường mỗi khi Tết đến. Trong bài thơ viết hôm 16-1-2009 gửi về thăm bạn học cũ tại buổi họp mặt đầu năm, bà tha thiết: “Đi về Đà Nẵng sông Hàn/ Ghé qua trường Nữ, trường Nam thăm giùm”.

Dấu xưa giữa phố mới

Bảo tàng Điêu khắc Chăm tọa lạc ở vị trí đắc địa nên có ý nghĩa không gian chung rất lớn.
Báo cáo khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” (Sở Xây dựng Đà Nẵng quản lý đề tài, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng phối hợp thực hiện) do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng công bố năm 2006 đã hé lộ nhiều thông tin thú vị. Nhóm thực hiện đề tài đã điều tra, khảo sát 64 công trình nhà ở, 17 công trình công cộng, 33 công trình tôn giáo và 5 công trình khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tuổi xây dựng từ khoảng năm 1900 đến 1954.

Các công trình này đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đà Nẵng và đại diện cho một lối sống. Đường Bạch Đằng được xem là cái nôi của thành phố, các nhà cổ ở đây được xây dựng để dùng cho buôn bán, một thời tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền bên cạnh chợ Hàn trù phú. Giới công chức hay giáo học làm nhà liền kề một tầng không có cửa hàng, tiếp giáp với đường phố bằng một khoảnh sân nhỏ như các nhà 103 Trưng Nữ Vương, 71 Hoàng Diệu, 55 Hoàng Văn Thụ... Người giàu có ở nhà biệt thự một hoặc hai tầng, có vườn xung quanh, hiện chỉ còn hai nhà là 57 Trần Quốc Toản và 61 Lê Lợi.

Nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ và nét kiến trúc rất riêng của “Trường Con trai“ xưa.

Đặc biệt, ở Đà Nẵng còn khá nhiều (trong khi các đô thị của Việt Nam khác rất ít gặp) nhà kiểu biệt thự một tầng có mặt bằng hình vuông của khối nhà chính, phía sau hay bên cạnh có nhà phụ. Loại nhà này ngày xưa dành cho các quan chức hay người có địa vị xã hội: 172 Trần Phú, 57 Trần Quốc Toản, 168 Phan Châu Trinh...

Kiến trúc cổ ở Đà Nẵng, bên cạnh những công trình mang phong cách châu Âu thuần túy, vẫn thấp thoáng bóng dáng của đình, chùa mang phong cách Á Đông như chùa Từ Tôn (41 Huỳnh Thúc Kháng), chùa An Long (số 3 đường 2 tháng 9), đình Hải Châu (kiệt 48 Phan Châu Trinh), đình Nại Nam (gần Công viên Nước)... Không gian kiến trúc thành phố càng trở nên phong phú hơn với những công trình kết hợp những yếu tố Á Đông với phong cách châu Âu, trong đó những yếu tố địa phương được nhấn mạnh nhằm làm cho các công trình không quá xa lạ đối với người địa phương. Điển hình cho phong cách “lai tạo’’ này có thể kể đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Trường tiểu học Phù Đổng nói trên.

Đà Nẵng đang định hình một không gian đô thị, trong đó kiến trúc là một trong những chủ thể làm nên diện mạo thành phố. Các công trình hiện đại ngày một mọc lên nhiều hơn, nhưng những kiến trúc cũ vẫn đồng hành cùng người dân thành phố với những giá trị về văn hóa - lịch sử, tuổi đời, nghệ thuật và hiệu quả sử dụng. Ít nhất cũng trên 50 năm, nhiều nhất là hơn 1 thế kỷ, các công trình này là những tài sản có tuổi đối với một thành phố non trẻ như Đà Nẵng. Những “tài sản” này sẽ dần hao hụt qua thời gian và sự vô tâm của con người. Vậy nên, cần lắm việc bảo tồn, tôn tạo chúng trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

 

Để thành phố Đà Nẵng thực sự là điểm thu hút tất cả mọi người, ngoài việc không ngừng làm cho nó trở thành một đô thị văn minh hiện đại cần phải giữ cho nó những giá trị mà đất trời ban tặng là những khung cảnh thiên nhiên đa dạng phong phú và cũng rất cần giữ những giá trị mà con người đã tạo ra. Một trong những cái đó là các công trình kiến trúc và bộ mặt đô thị qua từng giai đoạn phát triển.

Báo cáo khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng”

 

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.