.

Phận má hồng trên công trình xây dựng

.

Một ngày cuối tháng Giêng, khi cái nắng nồng nàn đầu mùa trải vàng khắp phố thị, tôi tìm đến những công trình xây dựng tư nhân quanh khu vực phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Ở một công trình nằm trên đường Hàn Thuyên, tôi gặp chị Lê Thị Thủy (35 tuổi), trú ở phường Bình Hiên đang theo chồng để làm thợ phụ.
 

Chị Nguyễn Thị Tuyết với công việc trộn hồ của mình.

Chị Thủy kể: Chị theo chồng về sinh sống ở phường Bình Hiên đã được 10 năm. Ngày ấy, anh Hải chồng chị đang là thợ phụ đi theo chủ thầu vào quê chị ở Tam Kỳ để xây dựng công trình. Ăn ở với nhau có đến 3 mặt con ở thành phố này, vậy mà cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng theo gia đình chị. Với đồng lương thợ xây của anh Hải cùng với tiền lãi từ việc bán hàng rong từng ngày của chị, anh chị vẫn khó nhọc trong việc nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn...

Ra Giêng hàng rong ế ẩm, nên chị Thủy theo chồng đi làm thợ phụ cho công trình. Công việc hằng ngày từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa, rồi từ 13 giờ cho đến 17 giờ chiều chủ yếu là dọn dẹp những phần vôi vữa vương vãi; xúc cát trộn hồ; đưa hồ cho thợ chính... Mỗi ngày như thế, chị Thủy được chủ thầu trả 65.000 đồng. Anh Hải chồng chị được trả 85.000 đồng. Cuối một tuần làm việc, những người thợ thường được gia chủ mời một bữa ăn tươi; đôi khi gia chủ không tổ chức mà họ tặng tiền tương đương với khẩu phần của mỗi người trong bữa đó.

Rời công trình nơi vợ chồng chị Thủy đang từng ngày mưu sinh, tôi lại lang thang đến một công trình khác nằm trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ở đây có đến hơn 10 thợ đang rộn ràng cho một công trình vừa mới khởi công xây dựng. Khi tôi đến, chị Nguyễn Thị Tuyết (46 tuổi) nhà ở phường Thọ Quang đang miệt mài với công việc trộn hồ. Chị cho biết: “Chị làm nghề này đã được 12 năm, từ khi tiền công mỗi ngày chỉ có 5.000 đến 6.000 đồng cho đến bây chừ mỗi ngày công của chị là 65.000 đồng...
 
Làm riết thành quen, rồi cũng không thể xa rời cái nghề nặng nhọc này được nữa”. Gia đình chị Tuyết thuộc diện khó khăn, chồng chị làm nghề đi biển nên thu nhập quanh năm cũng phụ thuộc vào con sóng, ngọn gió, phụ thuộc vào chuyện mưa thuận gió hòa của trời đất. Vậy mà đã 12 năm trôi qua, người đàn bà nhỏ thó này đã phải dãi nắng dầm mưa, lang thang khắp các công trình để gánh vác những công việc tưởng chừng như chỉ dành cho cánh mày râu chứ không phải dành cho những phận má hồng như chị.

Lần hồi qua bao khó nhọc, cho đến bây giờ 3 đứa con của chị cũng đã lớn khôn. Đứa con đầu nay đã đi làm và có thu nhập để phụ giúp gia đình; đứa thứ hai đang học lớp 12 và thằng út năm nay vào lớp 9. Cùng làm thợ phụ như chị Tuyết, ở phường Thọ Quang tôi còn gặp chị Lê Thị Thu (40 tuổi) khi chị đang xếp gạch lên những chiếc xe rùa để vận chuyển từ bãi tập kết vật liệu đến công trình xây dựng. Qua trò chuyện với chị Thu, tôi biết được chị đã làm nghề phụ hồ này hơn 6 năm. Gia cảnh chị nghèo, các con chị đều đang trong tuổi cắp sách đến trường nên chi phí hằng tháng so với đồng lương bấp bênh của chị là vô cùng nan giải.
 
Chị kể: Mỗi ngày làm việc được trả 65.000 đồng, nhưng công việc này không đều đặn lắm, mỗi tháng chỉ làm được chừng 20 ngày. Nhiều lúc rảnh rỗi, chị Thu lại cùng với bạn nghề nhận dọn dẹp nhà, nhận xúc giá hạ từ nơi này đến nơi khác hoặc xin chủ nhà thu dọn một ít phế liệu họ đã loại thải rồi mang bán để kiếm thêm thu nhập... Cách nơi chị Thu xếp gạch không bao xa, chị Nguyễn Thị Tơ (35 tuổi), trú trên đường Hoàng Quốc Việt đang lặng lẽ lăn một cuộn sắt từ trong kho ra bãi đất trống để dùng kềm cắt ra từng đoạn.

Tôi hỏi chị sao công việc này nặng nhọc, chị không để các anh kia làm cho? Chị Tơ vẫn tay cầm kềm cắt từng đoạn thép, trả lời: Quen rồi cậu ạ! Phận mình kham khó, việc gì nặng mấy làm hoài rồi cũng quen. Điều quan trọng là có được việc làm, kiếm được đồng tiền chính đáng từ sức lao động của mình để nuôi con ăn học. Hy vọng đời con mình sau này sẽ khá hơn, rồi chúng sẽ hiểu sự trưởng thành của chúng được chắt chiu từ những giọt mồ hôi mà mình đã đổ xuống bây chừ...

Chị Nguyễn Thị Tơ với công việc cắt thép rất nặng nhọc.

Chị Tơ cho biết: cả hai vợ chồng chị đều làm nghề này, nhưng vì anh là thợ chính nên thu nhập hằng ngày cao hơn. Nhà chị không dư giả gì nhiều, nhưng bù lại hai đứa con của anh chị đều ngoan và học giỏi. Chị nói: làm nghề này vất vả lắm, nhưng để bảo đảm cuộc sống gia đình nên phải theo, đôi khi cả hai vợ chồng đi theo công trình mà lo: Không biết trời có thương mình không? Nhỡ ra cha mẹ có mệnh hệ gì thì mấy đứa con không biết bám víu vào đâu mà sinh sống chứ nói chi đến chuyện học hành...

Những tâm sự của chị Tơ làm cho tôi nhói lòng nhớ lại vụ sập sàn bê-tông cách đây chưa lâu xảy ra ở công trình Phú Mỹ Hưng 7, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc xảy ra sự cố có đến 16 công nhân nữ đang làm việc tại công trình. Hai người xấu số đã tử vong tại chỗ, số còn lại trọng thương. May thay là do thi công tại một công trình lớn nên danh tánh của từng người đều được đăng ký và kiểm tra. Vì vậy khi sự cố xảy ra, các cơ quan hữu trách rất dễ dàng trong khâu xác định.

Qua tiếp xúc với những người như chị Thủy, chị Tuyết, chị Thu, chị Tơ... tôi mới phần nào hiểu thêm những góc khuất trong cuộc đời của các chị. Và mơ hồ nhìn thấy còn có hàng triệu phận má hồng khác trên dọc dài đất nước này đang ngày ngày đổ mồ hôi, công sức để mưu sinh bằng việc phụ công trên những công trình xây dựng.

Biết nói làm sao nhỉ với mơ ước của mình? Tôi mơ một ngày những người lao động nặng nhọc như các chị sẽ có được những ưu ái hơn. Các chị khi ra công trường sẽ yên tâm hơn với những chính sách bảo hộ về sức khỏe và nhân mạng. Tôi mơ một tương lai no ấm hơn sẽ đến với  gia đình các chị và những đứa con được dưỡng nuôi bằng những giọt mồ hôi chát mặn ấy sẽ trưởng thành viên mãn hơn.
                  
Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY

;
.
.
.
.
.