Chưa năm nào, quốc lộ 1A qua địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng những ngày sau Tết lại vắng người đón xe khách vào Nam như năm Kỷ Sửu này. Nguyên nhân được lý giải: nhiều công ty, xí nghiệp tinh giảm công nhân hoặc đóng cửa ngưng hoạt động, hàng vạn người mất việc sau Tết, nên những chuyến xe vào Nam, người đã không còn tấp nập.
Mất việc, phải làm lại từ đầu!
Người tìm việc tại các phiên giao dịch việc làm của thành phố Đà Nẵng lúc nào cũng đông. |
Nguyễn Thùy Vy, cô gái của vùng quê Quế Sơn, Quảng Nam năm nay không tất bật chuẩn bị tư trang, hành lý để vào Nam vào mồng 6 Tết như mọi năm nữa. Công ty chuyên sản xuất mặt hàng giày da mà cô làm ở Đồng Nai đã chính thức công bố cho nghỉ việc cả gần ngàn công nhân, vì lý do nền kinh tế khó khăn, và Vy là một trong số đó. Vy nói nửa đùa nửa thật “Thì kéo dài thêm thời gian nghỉ Tết chứ sao! Mọi năm cứ mồng 4, mồng 5 lại phải đón xe vào Nam, xa nhà khi không khí Tết vẫn còn, nên năm ni coi như ăn Tết dài, rồi lại vào Nam tìm việc mới!”.
Nói thì đầy tự tin vậy, nhưng cô cũng băn khoăn, vì nếu tìm một công việc mới, cô phải bắt đầu làm lại từ đầu, trong khi với công việc cũ gắn bó 3-4 năm nay, lương của cô cũng đã gần mức 2 triệu đồng/tháng, đủ chi tiêu tiền ăn ở, tiền nhà và chắt bóp dành dụm được chút ít. Giờ phải bắt đầu bằng chân thử việc vài tháng trời với mức lương thấp vài trăm ngàn, lại không có các chế độ bảo đảm như công việc cũ, sẽ vô cùng khó khăn. “Nghĩ vậy mà về Tết đâu dám tiêu xài gì, còn để dành tiền cho vài tháng sắp đến nữa!” - Vy tâm sự.
Công nhân miền Trung chủ yếu vào Nam làm việc tại các KCN Đồng Nai, Bình Dương… Năm nay, theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai, dự kiến có đến gần 10.000 - 15.000 lao động sẽ bị cắt giảm, mất việc. Số lượng lao động mất việc được xem là quá lớn từ trước đến nay. Chính vì vậy, nỗi lo mất việc của lực lượng công nhân, đặc biệt là lao động miền Trung càng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
Doanh nghiệp miền Trung cũng cắt giảm lao động
Không vào tận phía Nam để làm việc như Vy, Lê Thị Hoa (Điện Bàn, Quảng Nam) chọn việc tại một công ty dệt kim ở KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng để cho gần nhà, có thể đi về thuận tiện. Thời điểm nghỉ Tết và nhận lương những ngày làm việc của tháng 1-2009, cũng là ngày Hoa nhận được tin công ty của mình ngưng hoạt động hẳn sau khi ra Tết. “Suốt những hôm Tết cứ nghĩ đến chuyện ra giêng không có việc làm mà nẫu cả người, không cảm thấy chút không khí Tết nào!”.
Trước, Hoa cũng mưu sinh, làm công nhân ở phía Nam, nhưng thu nhập không đủ chi tiêu cho tiền ăn, tiền nhà, tiền xe… ra vào mỗi đợt về thăm nhà, nên quyết định về gần nhà để làm, hy vọng dành dụm. Nhưng vừa về quê làm được hơn 1 năm, vững tay nghề, có được các chế độ lương thưởng thì giờ lại… mất việc. Không ít công nhân cũng vừa được hưởng chế độ bảo hiểm, lương chính thức… như Hoa chưa đầy 1 tháng thì quay lại tình cảnh thất nghiệp, phải lặn lội tìm việc mới.
Theo bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, hiện LĐLĐ thành phố đang tiến hành rà soát lại các doanh nghiệp đóng cửa ở các KCN trên địa bàn thành phố, kịp thời cập nhật lại lực lượng lao động bị mất việc. Ngoài việc xem xét việc giải quyết chế độ cho người lao động có phù hợp với luật định hay không, bảo đảm người lao động không bị thiệt thòi khi mất việc; LĐLĐ sẽ có những đề xuất với các ban, ngành, tạo điều kiện cho những lao động sớm có việc làm trở lại.
Trước mắt, tại KCN An Đồn, Công ty Giày da Kim Quốc Bảo với 1.400 lao động đã chính thức đóng cửa (trước Tết công ty tinh giảm 740 công nhân, còn lại 660 công nhân sau Tết Kỷ Sửu cũng nhận được thông báo công ty ngưng hoạt động hẳn). KCN Hòa Khánh trước dịp Tết cũng nhận được thông báo ngưng hoạt động của Công ty TNHH Knitwear chuyên sản xuất mặt hàng dệt kim với gần 900 lao động sẽ lâm vào tình cảnh mất việc…
Trước tình cảnh hàng nghìn lao động bị mất việc như hiện nay, thì chủ trương giảm tỷ lệ thất nghiệp của ngành Lao động- Thương binh và xã hội TP. Đà Nẵng càng gặp nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn nhất vẫn là người lao động, bởi trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn duy trì sản xuất, không nhiều doanh nghiệp mở rộng, nên việc tuyển dụng lượng công nhân mới, xem ra là một vấn đề hết sức nan giải…
VIẾT THANH