.

Thương lấy những đứa con

.

Trẻ em hiện nay sinh ra phần nhiều được hưởng những điều tốt đẹp mà xã hội mang lại. Chúng ta cứ nghĩ, trẻ đã được sống trong một môi trường phát triển hoàn hảo. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau đó vẫn còn một “thế giới”, mà người lớn không biết hoặc cố tình không nghĩ đến, đang xâm hại đến tư duy, tình cảm của trẻ.

Hãy để trẻ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc.

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân thành phố, số trẻ em dưới tuổi vị thành niên ở thành phố Đà Nẵng vi phạm pháp luật trong năm 2006 có 104 bị cáo; năm 2007 là 157 bị cáo và năm 2008 là 173 bị cáo. Con số ấy đã gióng lên một hồi chuông báo động về thực trạng trẻ vị thành niên phạm tội.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố cho rằng, nếu trong gia đình thường xuyên xảy ra tình trạng bạo hành thì ít nhiều mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ như trẻ sẽ ít giao lưu xã hội do mặc cảm, do sự cấm đoán, do bị bài xích và xa lánh. Ngoài ra, bạo lực gia đình (BLGĐ) còn xâm hại đến thân thể, nhân phẩm, làm chao đảo về mặt tinh thần, tình cảm và tâm lý, tạo ra khoảng cách lớn trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời tạo ra gánh nặng cho Nhà nước và phá vỡ các quan hệ truyền thống, làm lệch chuẩn các quan hệ xã hội, dẫn đến một số biểu hiện cực đoan.

Cách đây không lâu, theo kết quả khảo sát của Hội Phụ nữ thành phố, 600 phụ nữ được hỏi về hiện tượng BLGĐ được tổng hợp như sau: Bạo lực về tinh thần chiếm 20,19%; bạo lực về thể chất chiếm 18,53%; bạo lực về tình dục chiếm 9,20%; bạo lực về kinh tế chiếm 20,20%. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là tỷ lệ cao hay thấp mà là ở tính chất, áp lực đối với nạn nhân. Chẳng hạn như bạo lực về tinh thần tuy chiếm 20,19% nhưng có tính chất nghiêm trọng và tạo áp lực căng thẳng cho người trực tiếp chịu đựng nó.

Những đứa con luôn là cầu nối để gia đình sống hạnh phúc.
Ngoài ra, có đến 100% phụ nữ được hỏi khẳng định rằng hầu hết phụ nữ lao động phổ thông đều là nạn nhân của các vụ BLGĐ. Chị Nguyễn Thị Hải, phường Hòa Khánh Nam nói lên quan điểm của mình: “Đối với bạo lực thể xác, nỗi đau đớn thể hiện rõ ràng trên cơ thể người phụ nữ, nhưng với bạo lực về tinh thần thì vết thương ấy nông, sâu thế nào không ai đo, đếm được”. Nhiều chị cán bộ Hội nói rằng, điều mà những bà mẹ lo âu nhất khi chịu sự bạo hành chính là sự chứng kiến của những đứa con. Thảng thốt, hốt hoảng, lo sợ, thất thần... Không ít chị em cán bộ Hội khi đã cạn đường khuyên bảo đã phải thốt lên câu này: Anh không thương vợ nữa, thì hãy thương lấy những đứa con!

Ngày nay, song song với sự phát triển của xã hội là sự xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện tiêu cực như cờ bạc, rượu chè, có quan hệ ngoài hôn nhân, sự thiếu hụt về kinh tế… ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Một số nguyên nhân từ phía gia đình dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ như con số thống kê ở trên; nhẹ hơn là khó hòa đồng với xã hội. Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng mô hình Trung tâm Công tác Xã hội dành cho trẻ em.

Ở đây, trẻ được quan tâm, được lắng nghe để bày tỏ những bức xúc của mình. Trung tâm còn tư vấn cho ba mẹ cách ứng xử trong gia đình, đối với con trẻ như thế nào cho trẻ có một môi trường lành mạnh nhất để phát triển. Một trường hợp xảy ra năm 2004 theo lời kể lại của ông Bùi Trọng Danh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Hòa Vang, nội dung lá thư của một bé gái đang học lớp 9 trong phiên tòa xử ly hôn đã trở thành cầu nối để ba và mẹ em hàn gắn lại tình cảm. Trong nội dung đó, em ao ước được nhìn thấy ba mẹ sống hạnh phúc, thương yêu nhau trong một mái nhà… Bức thư cảm động của em đã làm lay động những người có mặt tại phiên tòa năm ấy.

Những bị cáo tuổi vị thành niên phần lớn được sinh ra và lớn lên từ những gia đình không được bình yên. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Để có một gia đình hạnh phúc, ngoài việc tuyên truyền nhận thức cho người dân trong công tác giáo dục con cái, vẫn cần có những biện pháp mạnh hơn, có sự răn đe của pháp luật đối với những gia đình, những bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm trong nuôi dạy con cái; đánh đập, chửi mắng trẻ… không bảo đảm được điều kiện về vật chất và tinh thần cho trẻ.
 
Bởi vì, theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang, BLGĐ đã gây tổn hại đến sức khỏe, giảm khả năng lao động, gây đau khổ về tinh thần, thậm chí gây tử vong, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, công tác của vợ chồng. Con cái trong gia đình phải chứng kiến cảnh cha mẹ hành hạ nhau nên luôn bị ám ảnh sợ hãi, dễ mắc phải những rối loạn về tinh thần, dễ bỏ nhà ra đi, đặc biệt là dễ có hành vi bạo lực đối với người khác.

Gia đình, ở mọi góc độ, đều mang lại cho chúng ta nguồn vui sống và sống có ý nghĩa hơn. Nhất là đối với trẻ em, một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ luôn là điểm sáng để con cái noi theo, hướng đến một chuẩn mực về đạo đức, tình cảm giữa con người với con người, giữa vợ đối với chồng, giữa chị với em…

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.