.

Trị bệnh bạo lực gia đình

(ĐNĐT) - Tại buổi gặp mặt đầu năm 2009 với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết sẽ tổ chức gặp mặt giữa Bí thư Thành ủy với những người chồng thường xuyên đánh vợ.

Thời điểm diễn ra cuộc “gặp thân tình” này chưa được ấn hành cụ thể, nhưng thời hạn cũng được gút trong 6 tháng đầu năm 2009. Những người chồng thường "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ con được công an phường lên danh sách, có cả ảnh kèm theo sẽ được “nói chuyện” trực tiếp với Bí thư Thành ủy.

Theo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, năm 2006, qua khảo sát của Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội tại 8 tỉnh, thành phố, hàng năm có 2,3% gia đình có các hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% có hành vi bạo lực tinh thần và 30% cặp vợ chồng có xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Thực trạng các vụ con, cháu ngược đãi ông bà, bố mẹ hoặc bố mẹ đối xử tàn tệ với con cái cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Một cuộc điều tra khác cũng tổ chức vào năm 2006. Đó là cuộc Điều tra Gia đình Việt Nam diễn ra trên phạm vi toàn quốc cho thấy, chỉ tính riêng 3 hình thức bạo lực trong gia đình là đánh, mắng chửi và ép quan hệ tình dục đã có tới 21,2% các gia đình xảy ra một trong 3 hình thức này. Cũng theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nguyên nhân tồn tại bạo lực gia đình trước hết xuất phát từ mối quan hệ quyền lực không bình đẳng giữa người gây ra bạo lực và nạn nhân của bạo lực. Thói quen nghiện rượu, chất gây nghiện và cờ bạc của người gây ra bạo lực; sự che giấu bạo lực của nạn nhân vì cảm giác xấu hổ cũng góp phần duy trì hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, việc các cấp chính quyền xử lý bạo lực gia đình nửa vời, chủ yếu là khuyên nạn nhân phải “nhịn” cũng đã tạo điều kiện cho các hành vi bạo lực gia đình tồn tại dai dẳng…

Hậu quả của tình trạng trên khiến sức khỏe của nạn nhân bị hao tổn, dễ dẫn đến tự tử, mất khả năng tham gia sản xuất… Còn nhớ năm 2008, vì quá bức xúc với người chồng, một phụ nữ ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã cùng 4 người con còn nhỏ dại uống thuốc trừ sâu. Hành động này đã khiến người mẹ và một đứa con mất mạng, trong khi hai đứa khác cũng bị chấn động nghiêm trọng tâm sinh lý. Cũng trong năm này, một người chồng ở quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đã dùng gậy đánh đập vợ con tàn nhẫn khiến người mẹ bị chấn thương não, hai người con cũng bị trọng thương. Và còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp chồng ép vợ quan hệ tình dục một cách bệnh hoạn (như trường hợp ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam mà báo chí đã phản ảnh), hay con cái đánh đập bố mẹ tàn nhẫn ở Quảng Bình, TP.Hồ Chí Minh…

Để hạn chế tình trạng trên, theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong năm 2008, tại 63 tỉnh, thành phố đã thành lập các CLB phòng chống bạo lực gia đình; hình thành đường dây nóng ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình; tư vấn cho nạn nhân lẫn người gây ra bạo lực… nhằm hỗ trợ kịp thời các nạn nhân bị bạo lực gia đình hành hạ. Riêng Đà Nẵng, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, có cách làm mà khi thực hiện đủ sức răn đe đối với những người “vũ phu có hệ thống”. Đó là bắt buộc những đối tượng này phải viết bản cam kết từ bỏ đánh đập vợ con. Nếu tái phạm, sẽ áp dụng “liều thuốc” mạnh: tập trung cải tạo theo quy định của pháp luật.

Ở Đà Nẵng, những cuộc gặp gỡ như cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tới đây không hiếm. Bởi trước đó, thành phố đã từng tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân vùng giải tỏa, những người đạp xích lô, xe thồ trên địa bàn; gặp gỡ, đối thoại với những người một thời lầm lỡ, phạm tội và kết quả là những quyết sách hợp tình, hợp lý cũng như thành lập các quỹ để hỗ trợ một cách có hiệu quả đối với những trường hợp khó khăn.

Cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Thành ủy với những đối tượng thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình chắc chắn sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến bạo lực đối với từng trường hợp cụ thể. Một tín hiệu vui đối với những nạn nhân của bạo lực gia đình tại TP.Đà Nẵng.

THANH TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.